CBOT: Ngô và đậu tương tiếp tục tăng phiên 21/10

Các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sàn CBOT đóng cửa trái chiều trong phiên hôm qua, với diễn biến trong phiên không có gì quá đột biến so với xu hướng chủ đạo trước đó của từng mặt hàng.

Sau nửa đầu tuần không có nhiều thông tin cơ bản tác động đến giá các mặt hàng, thì thị trường đã có một phiên phản ứng chủ yếu với các số liệu báo cáo và sự kiện phát sinh. Đáng chú ý nhất là thông tin về tổng thống Donald Trump và sự cố tại khu phức hợp Up River của Argentina.

1. Đậu tương tăng phiên thứ 3 liên tiếp

Đậu tương tiếp tục tăng phiên thứ 3 liên tiếp kể từ đầu tuần đến nay và đóng cửa ở trên mức 1070 lần đầu tiên kể từ tháng 1/2017 đến nay trên biểu đồ tháng liền kề.

Đậu tương tháng 11/2020

Giá chỉ tăng mạnh để vượt qua mức kháng cự mạnh này trong đầu phiên sáng, sau đó lình xình với biên độ hẹp cho đến hết ngày hôm qua.

Tác động chủ yếu để giá đậu tương CBOT hôm qua là diễn biến bất lợi mới nhất cho tổng thống Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà trắng năm nay. Sau khi liên tiếp công kích đối thủ Joe Biden về việc “mềm mỏng” và có “lợi ích riêng” với Trung Quốc, thì hãng tin New York Times bất ngờ công bố các thông tin về hồ sơ thuế của ông Trump trong giai đoạn ngay trước khi ông này đắc cử tổng thống hồi năm 2016. Điều này khiến cho cánh cửa để tái đắc cử của ông Trump ngày càng thu hẹp, và tạo ra tâm lý lạc quan cho thị trường về việc giá nông sản sẽ còn tiếp tục tăng trong tương lại, nếu Đảng Dân chủ lên cầm quyền.

Tuy nhiên việc không có thêm các đơn hàng mới phát sinh từ Trung Quốc kể từ ngày 15/10 đến nay đang khiến thị trường khá bất ngờ, và cũng là nguyên nhân chủ yếu cản trở đà tăng của đậu tương trong thời điểm hiện tại.

2. Dầu đậu và khô đậu tăng mạnh theo giá đậu tương

Dầu đậu tương và khô đậu tương cùng tăng mạnh theo đà tăng của giá đậu tương trong nửa đầu phiên sáng, tuy nhiên chỉ có khô đậu tương giữ được xu hướng tăng sau đó.

Dầu đậu tháng 12/2020

Tác động chủ yếu đến 2 mặt hàng này là số liệu từ Bộ Nông nghiệp Argentina cho thấy, ép dầu trong tháng 9 của nước này chỉ ở mức 3.13 triệu tấn, thấp hơn đến 6% so với trung bình 5 năm do mức lợi nhuận ép dầu thấp và nông dân không muốn bán hàng. Trong đó, sản lượng khô đậu tương cũng thấp hơn đến 7% so với mức trung bình.

Kết hợp với thông tin về vụ nổ nhà ga trong khu phức hợp cảng Up River, dự kiến ​​sẽ làm giảm đáng kể công suất ép dầu trong vài tuần tới.

Khô đậu tháng 12/2020

Trong bối cảnh nhu cầu dầu đậu tương suy yếu do ảnh hưởng bởi giá dầu thô và dịch bệnh bùng phát trở lại, thì các thông tin trên đã hỗ trợ rất mạnh cho giá khô đậu tương, giúp cho mặt hàng này duy trì lực mua áp đảo cho đến tận cuối phiên.

3. Ngô có phiên thứ 3 liên tiếp tăng

Ngô tiếp tục có phiên tăng thứ 3 liên tiếp giống như với đậu tương, và cũng đóng cửa ở mức cao nhất kể từ tháng 7/2019 đến nay trên biểu đồ tháng liền kề.

Ngô tháng 12/2020

Giá tăng mạnh vượt lên ngưỡng kháng cự 410 ngay đầu phiên do thông tin từ tổng thống Trump, và duy trì diễn biến lình xình đến hết phiên sáng.

Việc Trung Quốc không mua thêm ngô Mỹ trong 7 ngày liên tiếp cũng tạo sức ép lên giá trong đầu phiên tối, tuy nhiên mức kháng cự cũ 410 lập tức đổi vai trò thành hỗ trợ, khiến giá ngô nhận được rất nhiều lực mua kỹ thuật tại vùng này.

Tiến độ thu hoạch ngô tại Ukraina hiện đã đạt 44% với năng suất không có xu hướng được cải thiện, khiến các thương nhân nước này cho rằng có thể sản lượng năm nay sẽ thấp hơn đáng kể so với con số 33 triệu tấn mà chính phủ đã dự đoán trước đó, là thông tin “bullish” mạnh đối với giá ngô trong hôm qua.

Bên cạnh đấy, các số liệu về sản lượng Ethanol dù có giảm nhưng không quá thấp, vẫn giúp cho lực mua được duy trì đều cho đến khi đóng cửa.

4. Lúa mỳ giảm nhẹ trở lại

Lúa mỳ kết thúc phiên hôm qua đã giảm nhẹ trở lại sau 5 phiên tăng liên tiếp, nhưng vẫn giữ được vùng giá quan trọng 630.

Lúa mỳ tháng 12/2020

Giá lúa mỳ duy trì xu hướng lình xình ở quanh mức 635 trong phần lớn phiên. Tuy nhiên, giá lúa mỳ bắt đầu giảm mạnh trong nửa cuối phiên tối, khi báo cáo mới nhất của USDA chi nhánh Úc đưa ra dự báo về sản lượng lúa mỳ năm nay của nước này tăng mạnh đến hơn 80% so với niên vụ trước.

Cùng với sản lượng lúa mỳ của Kazakhstan cũng được dự báo tăng hơn 10% so với năm ngoái cũng trong báo cáo vừa phát hành của USDA chi nhánh nước này. Mặc dù đây không phải thông tin quá mới, tuy nhiên trong những giai đoạn nhạy cảm như hiện tại, việc không có thêm các thông tin “bullish” mới cũng khiến cho những số liệu này tác động mạnh đến những nhà đầu tư phổ thông nhiều hơn bình thường.

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN
Đội ngũ chuyên gia tư vấn đầu tư 24/7

Share bài viết

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on email