Dầu thô giảm mạnh trước sức ép kép từ nguồn cung và nhu cầu

Nông sản

Khép lại tuần giao dịch vừa qua, giá ngô đóng cửa trong sắc đỏ với mức giảm khá nhẹ so với giai đoạn 2 tháng trước. Ngô biến động cả 2 chiều do những thông tin cơ bản về nguồn cung và vẫn duy trì được trên mức hỗ trợ tâm lí 600. Triển vọng nguồn cung tại Mỹ tiếp tục là yếu tố có tác động mạnh mẽ nhất đến giá ngô trong tuần trước. 

Đối với lúa mì, giá ghi nhận mức giảm mạnh hơn, tới gần 4% trong tuần trước. Đà giảm của mặt hàng này cũng được thúc đẩy bởi những thông tin xoay quanh tình hình xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. 

Khép lại tuần giao dịch đầu tiên của tháng 08, cả ba mặt hàng nhóm đậu tương đều đồng loạt sụt giảm. Với 4 trên 5 phiên đóng cửa trong sắc đỏ, phe bán nhìn chung đã chiếm thế áp đảo đối với đậu tương trong tuần vừa rồi. Nếu như những lo ngại về khô hạn trong tháng 8 này tại Midwest khiến cho giá tăng vọt trong thời gian trước, thì ngược lại, lực bán tháo càng trở nên mạnh hơn khi dự báo thời tiết ngắn hạn cho thấy tình hình có thể sẽ không nghiêm trọng như dự kiến.

Tương tự đậu tương, khô đậu và dầu đậu cũng suy yếu trong tuần trước. Giá dầu đậu đã sụt giảm hơn 2.5% trong bối cảnh lo ngại về sự thiếu hụt dầu thực vật được xoa dịu. Cụ thể, tại Biển Đen, chuyến tàu chở ngũ cốc đầu tiên của Ukraine kể từ khi cuộc chiến tranh xảy ra vẫn đang diễn ra mà chưa có bất kỳ trở ngại nào. Điều này đang khiến thị trường kỳ vọng về những chuyến hàng tiếp theo, giúp nguồn cung dầu thực vật nới lỏng hơn cũng như gây sức ép lên giá. Trong tuần này, dầu đậu có thể sẽ tiến sát vùng 66 cents/pound rồi suy yếu. Đối với khô đậu, giá mặt hàng này có thể sẽ hồi phục và giằng co quanh vùng 420 trong tuần này.

Nguyên liệu

Kết thúc tuần giao dịch 01/08 – 07/08, sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng giá nhóm nguyên liệu công nghiệp. Dầu cọ thô dẫn đầu đà giảm do nguồn cung liên tục được nới lỏng tại Indonesia, ngược lại cả 2 mặt hàng đường đều có tuần tăng giá bất chấp giá dầu thế giới giảm mạnh.

Lo ngại về suy thoái kinh tế sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ cà phê trên toàn cầu đang là nguyên nhân chính thúc đẩy lực bán áp đảo đối với Arabica trong tuần qua. Bất chấp, lo ngại nguồn cung thu hẹp khi tồn kho đạt chuẩn Arabica trên sàn ICE US bắt đầu giảm mạnh, cũng như sản lượng suy yếu tại các quốc gia sản xuất chính như Colombia và Honduras. Ở chiều ngược lại, dù trong tuần các phiên suy yếu chiếm đa số, đóng cửa, giá Robusta vẫn tăng nhẹ nhờ sự hỗ trợ của lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn khi tồn kho tại Việt Nam đang ở mức thấp và khó giải quyết trong ngắn hạn vì đã ở cuối vụ thu hoạch.

Giống với Arabica, bông quay lại đà giảm nhờ phiên giảm mạnh gần 3% vào đầu tuần, khiến 4 phiên sau dù duy trì đà tăng liên tiếp nhưng cũng không bù lại được lực bán áp đảo trước đó. Nguyên nhân chính cho sự suy yếu đến từ chất lượng mùa vụ bông tại Mỹ có sự cải thiện khi trong báo cáo Crop Progress được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), phát hành đầu tuần, tỷ lệ tốt – tuyệt vời chiếm 38%, tăng 4% so với tuần trước. Đặc biệt, sự khởi sắc còn ghi nhận mức ấn tượng hơn tại Texas, vùng trồng bông chính của Mỹ, với mức tăng 8%. Bên cạnh đó, tỷ lệ thâm hụt của độ ẩm tầng đất mặt và đất sâu cũng có sự cải thiện ở mức 82% và 86% so với 90% và 91% trong báo cáo trước, khiến kỳ vọng nguồn cung nới lỏng tăng lên và gây sức ép lên giá.

Dầu cọ quay lại đà giảm sau tuần tăng kỷ lục trước đó, do nguồn cung nới lỏng tại Indonesia khi quốc gia này quyết định nâng hạn ngạch xuất khẩu theo chương trình Nghĩa vụ Thị trường Nội địa (DMO) từ 7 lần lên 9 lần so với lượng bán nội địa. Đồng thời, hạ mức tham chiếu đối với mặt hàng này xuống 872.27 USD/tấn, thay vì mức tham chiếu 1,615.83 USD/tấn hồi tháng 07, càng thúc đẩy nguồn cung ra thị trường và gây áp lực lên giá.

Trái ngược với 2 mặt hàng trên, tuần qua đường có sự khởi sắc sau 2 tuần giảm liên tiếp. Bất chấp các thông tin nới lỏng nguồn cung liên tiếp được đưa ra, khi Ấn Độ cho phép xuất khẩu 1.2 triệu tấn đường cùng với giá xăng dầu tại Brazil trong tháng 07 đã giảm 14.01% so với tháng trước càng thúc đẩy việc sản xuất đường tại các nhà máy ép mía.

Kim loại

Kết thúc tuần giao dịch 01/08 – 07/08, thị trường kim loại cho thấy những diễn biến trái chiều. Vàng ghi nhận tuần tăng thứ 3 liên tiếp với mức tăng 0.51% lên 1774.15 USD/ounce. Bạch kim đóng cửa tại mức giá 924.7 USD/ounce sau khi tăng 3.92%, đạt mức cao nhất trong vòng 6 tuần. Trong khi đó, bạc suy yếu 1.76% và đánh mất mốc 20 USD/ounce.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, đồng COMEX liên tục chịu sức ép bán vào đầu tuần sau khi Trung Quốc công bố chỉ số PMI tháng 7 dưới mức 50. Tuy nhiên, lực mua vào cuối tuần trong bối cảnh các nhà đầu tư đánh giá nền kinh tế Mỹ chưa rơi vào suy thoái, đã thu hẹp đà giảm của đồng COMEX xuống còn 0.6%, kết thúc tuần tại mức giá 3.55 USD/pound. Vào hôm qua, dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy thặng dư thương mại của quốc gia này đạt mức kỷ lục trong tháng 7 khi xuất khẩu tăng mạnh 18% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh bại kỳ vọng về mức tăng 14.1%. Thông tin này có thế đem lại tín hiệu tích cực cho thị trường đồng trong tuần này, khi tăng trưởng xuất khẩu Trung Quốc hứa hẹn sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế đang chịu nhiều tổn thương vì dịch bệnh.

Đối với mặt hàng quặng sắt, tuần qua ghi nhận đà lao dốc hơn 5% của giá sắt xuống 109.11 USD/tấn trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc vẫn đang hạn chế nhu cầu về sắt thép, bất chấp sự phục hồi trong biên lợi nhuận thúc đẩy hoạt động sản xuất quay trở lại tại các nhà máy trong nước.

 

Năng lượng

Giá dầu lao dốc trong tuần vừa qua và rơi về mức thấp nhất trong gần sáu tháng. Kết thúc tuần giao dịch 01-07/08, hợp đồng dầu thô WTI tháng 8 giảm 9.74% về 89.01 USD/thùng, hợp đồng dầu thô Brent kỳ hạn tháng 9 cũng giảm 8.70% về 94.92 USD/thùng.

Ngay từ đầu tuần, giá dầu đã gặp sức ép lớn từ các số liệu tiêu cực của các nền kinh tế lớn trên thế giới bao gồm Mỹ, Trung Quốc, khu vực Liên minh Châu Âu (EU) và cả các quốc gia phát triển khác như Nhật, Hàn Quốc. Hoạt động sản xuất ở các khu vực này, phản ánh qua chỉ số Quản lý thu mua (PMI) đều suy yếu trong tháng 7, làm gia tăng nguy cơ suy thoái của nền kinh tế toàn cầu. Nếu như trong nửa đầu năm 2022, giá dầu chịu ảnh hưởng mạnh bởi những lo ngại về việc nguồn cung bị thắt chặt, thì từ giữa tháng 6 tới nay, giá dầu đang rất “nhạy cảm” với những tin tức xoay quanh triển vọng tiêu thụ.

Đến cuối tuần, thị trường đón nhận một vài tin tức tích cực cho giá dầu và giúp cho sức ép bán trên thị trường giảm bớt. Công ty sản xuất dầu lớn nhất thế giới, Saudi Aramco đã tăng giá bán dầu cho thị trường ở châu Á lên mức kỷ lục, cao hơn 9.80 USD/thùng so với mức tham chiếu ở Trung Đông. Bên cạnh đó, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết số lượng giàn khoan dầu, giảm 7 xuống 598 giàn trong tuần kết thúc ngày 5/8, và là lần đầu tiên trong vòng 10 tuần số lượng giàn khoan dầu tại Mỹ sụt giảm.

Nguồn: Trung tâm tin tức Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam.

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN
Đội ngũ chuyên gia tư vấn đầu tư 24/7

Share bài viết

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on email