Dầu thô tăng trở lại nhờ các thông tin vĩ mô tích cực và thông tin từ đàm phán Mỹ-Iran

Nông sản

Khép lại phiên giao dịch đầu tuần, ngô đã sụt giảm sau ba phiên liên tiếp tăng giá. Mặc dù gần như tiến sát vùng hỗ trợ tâm lý 600 vào cuối phiên sáng, tuy nhiên, lực mua tại vùng này đã khiến giá bật tăng mạnh và thu hẹp đà giảm khi phiên tối bắt đầu. 

Giá lúa mì mặc dù đóng cửa trong sắc xanh nhưng không chênh lệch đáng kể so với phiên trước đó do chịu tác động từ những thông tin trái chiều. Diễn biến chung của lúa mì vẫn đang duy trì khoảng đi ngang trong biên độ 760 – 800.  

Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, giá đậu tương đã tạo gapup nhẹ do ảnh hưởng từ diễn biến tăng vọt của giá dầu đậu tương. Dù đã nhanh chóng fill lại khoảng gap nhờ lực mua kỹ thuật, giá diễn biến giằng co trong phần còn lại của phiên và đóng cửa với mức thay đổi không đáng kể. Những thông tin về cung-cầu trên thế giới đã khiến cho đậu tương suy yếu nhẹ về ngay vùng giá tâm lí 1400. Đối với khô đậu tương, giá tạo gapdown ở đầu phiên và đóng cửa với mức giảm hơn 1%. 

Tại Mỹ, những cơn mưa lớn cuối tuần vừa rồi ở Midwest tiếp tục xóa đi ảnh hưởng của khô hạn và hỗ trợ quá trình phát triển của đậu tương. Hơn nữa trong hôm qua, không khí lạnh đã gây ra giông bão trên khắp miền bắc Illinois. Các khối khí khô và mát cũng lan rộng ở khu vực phía trên của Midwest giúp duy trì nhiệt độ ở dưới 27 độ C. Tình hình thời tiết khả quan kéo dài từ cuối tuần trước đến đầu tuần này ở Mỹ đã khiến lực bán dần được đẩy mạnh đối với giá đậu tương.

Nguyên liệu

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, lực mua áp đảo đối với các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Bất chấp nguồn cung tại Indonesia vẫn có xu hướng nới lỏng, dầu cọ thô bất ngờ tạo gapup, khiến giá bật tăng mạnh gần 5%.

Áp lực về nguồn cung tiếp tục là yếu tố chính hỗ trợ giá cà phê trong phiên hôm qua. Cụ thể, tồn kho đạt chuẩn của Arabica trên sàn ICE US giảm mạnh 30,260 bao (60kg), về mức 630,304 bao, thấp nhất trong vòng gần 23 năm trở lại đây. Bên cạnh đấy, đồng Real duy trì đà tăng cũng là một yếu tố hạn chế lực bán từ phía nông dân Brazil và hỗ trợ giá.

Đối với Robusta, tiến độ thu hoạch tại Brazil mới đạt 94% dù đã bước vào những ngày cuối cùng của vụ thu hoạch, thấp hơn mức 98% của cùng kỳ năm ngoái cũng như 99% trung bình 05 năm. Thêm vào đó, dự báo thời tiết mưa ẩm tiếp tục kéo dài tại các vùng sản xuất chính khiến lo ngại tiến độ tiếp tục bị kéo dài và gây ra thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn. Xuất khẩu cà phê trong tháng 07 tại Việt Nam đạt 113,852 tấn, giảm 17.1% so với tháng trước.

Dầu cọ tạo gapup đầu phiên nhờ sự hỗ trợ từ thị trường dầu thực vật khi dầu đậu tương cũng tạo gapup và tăng mạnh vào đầu phiên. Tuy nhiên sau đó, đà tăng đã bị hạn chế bởi tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước thềm thông báo của Indonesia về chính sách thuế xuất khẩu dầu cọ của nước này cũng như dữ liệu cung – cầu được công bố bởi Hội đồng Dầu cọ Malaysia vào thứ 4 tuần này.  

Đường 11 có sự khởi sắc nhẹ nhờ giá dầu thô thế giới tăng gần 2% đã thúc đẩy các nhà máy ép mía ưu tiên lượng mía ép cho sản xuất ethanol, điều này khiến đầu vào cho sản xuất đường sụt giảm, dẫn đến nguồn cung đường bị thu hẹp.

Mặc dù chất lượng mùa vụ trong báo cáo Crop progress mới nhất được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), phát hành sáng nay, có sự sụt giảm mạnh so với tuần trước khi tỷ lệ tốt – tuyệt vời chỉ đạt 31%, giảm 7% so với tuần trước và chưa cả bằng 1 nửa cùng kỳ năm ngoái, bông vẫn duy trì đà giảm với mức suy yếu nhẹ 0.56%. 

Kim loại

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, sắc xanh cho thấy xu hướng chiếm ưu thế trên bảng giá nhóm kim loại. Giá vàng phục hồi với mức tăng 0.81% lên 1788.52 USD/ounce. Bạc ghi nhận phiên tăng vọt 3.89% lên mức 20.61 USD/ounce, mức giá cao nhất kể từ cuối tháng 6 cho đến nay. Bạch kim có phiên tăng thứ 3 liên tiếp, đóng của tại 938.4 USD/ounce sau khi tăng 1.48%.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, lực mua mạnh mẽ xuất hiện vào nửa cuối phiên đã giúp giá đồng COMEX có phiên tăng thứ 3 liên tiếp, mức tăng 0.97% lên 3.58 USD/pound. Quặng sắt cũng đóng cửa trong sắc xanh sau khi tăng 2.35%. Dữ liệu về thặng dư thương mại của Trung Quốc đạt kỷ lục trong tháng 7, đặc biệt là xuất khẩu tăng vọt 18% so với cùng kỳ năm ngoái đã đem lại triển vọng tích cực hơn cho đà phục hồi kinh tế tại quốc gia này. Đây là yếu tố chính hỗ trợ cho đà tăng của nhóm kim loại cơ bản trong phiên ngày 08/08. Bên cạnh đó, đà tăng của giá đồng còn được hỗ trợ bởi nguồn cung đang cho thấy dấu hiệu thắt chặt. Tồn kho đồng trên Sở Thượng Hải giảm về mức thấp nhất kể từ giữa tháng 1. Trong khi đó, nhập khẩu có sự cải thiện khi tăng 9.3% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đã củng cố cho đà phục hồi của thị trường đồng trong giai đoạn gần đây.

Năng lượng

Dầu thô tăng trở lại trong phiên giao dịch hôm qua, với WTI thành công trong việc lấy lại mốc 90 USD/thùng. Cụ thể, giá WTI tăng 1.97% lên 90.76 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 1.82% lên 96.65 USD/thùng.

Giá dầu biến động giằng co trong suốt phiên, tuy nhiên lực mua tăng dần trở lại trong phiên tối đã giúp cho giá dầu WTI lấy lại cột mốc quan trọng. Các dữ liệu vĩ mô tiếp tục chứng tỏ là yếu tố chính dẫn dắt thị trường dầu trong thời điểm hiện tại, trong khi các thông tin về cung – cầu không còn nhiều sức nặng như trước. Thông tin về dữ liệu việc làm tích cực tại Mỹ trong tháng 7 tăng 528,000 và thặng dư thương mại tại Trung Quốc tăng lên mức 101 tỷ USD, vượt kỳ vọng 90 tỷ USD của giới phân tích là yếu tố chính hỗ trợ giá dầu trong phiên sáng.

Bên cạnh đó, đến phiên tối, thông tin về diễn biến cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ – Iran đã thúc đẩy giá dầu tăng lên. Hiện tại, liên minh châu Âu EU đã đưa ra dự thảo cuối cùng cho các bên, và chỉ còn đợi Mỹ và Iran đưa ra kết luận cuối cùng.

Nguồn: Trung tâm tin tức Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam.

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN
Đội ngũ chuyên gia tư vấn đầu tư 24/7

Share bài viết

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on email