Dollar Mỹ suy yếu thúc đẩy lực mua đối với kim loại

Dollar Mỹ suy yếu thúc đẩy lực mua đối với kim loại, giá quặng sắt giảm do niềm tin tiêu thụ lung lay

Nông sản

phan tich nong san 231122

Nối tiếp đà giảm mạnh từ đầu tuần, giá ngô tiếp tục suy yếu trong phiên hôm qua và đóng cửa với mức giảm 0.42%. Những thông tin về nguồn cung từ Mỹ và Brazil là nguyên nhân chính giúp lý giải diễn biến giá trong phiên hôm qua.

Trong khi đó, lúa mì là mặt hàng dẫn đầu đà giảm của nhóm nông sản, với mức giảm lên tới 0.97%. Với việc nguồn cung từ Ukraine đã được nới lỏng nhờ thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen được gia hạn vào cuối tuần trước, tình trạng mùa vụ tại Mỹ tiếp tục được duy trì đã tạo áp lực lên giá lúa mì.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/11, giá đậu tương đã quay đầu đóng cửa với mức giảm nhẹ sau 2 phiên hồi phục từ mức thấp nhất trong 3 tuần trước đó. Theo báo cáo Crop Progress mới nhất của USDA, thu hoạch đậu tương tại Mỹ đã hoàn thành nên mối quan tâm của thị trường đã chuyển từ những ước tính về sản lượng sang khả năng xuất khẩu của nước này.

Lo ngại về nền kinh tế của Trung Quốc bị ảnh hưởng dẫn tới ngành chăn nuôi chịu tác động tiêu cực cũng là thông tin “bearish” đối với giá khô đậu. Trong khi đó, dầu đậu lại là mặt hàng nông sản suy nhất đóng cửa trong sắc xanh. Diễn biến bật tăng của giá dầu thô là nguyên nhân chính lý giải cho diễn biến của dầu đậu tương. Bên cạnh đó, kết quả thuận lợi từ các thử nghiệm pha trộn dầu diesel sinh học của Indonesia thúc đẩy nhu cầu đối với loại dầu thực vật này cũng góp phần hỗ trợ cho giá dầu đậu.

Năng lượng

phan tich nang luong 231122

Giá dầu phục hồi trở lại sau bốn phiên giảm, khi mà Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) bác bỏ tin tức tăng sản lượng và tuyên bố sẽ tiếp tục kiên trì với các chính sách cắt giảm sản lượng sang tới năm 2023. Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/11, hợp đồng dầu thô WTI tháng 1 tăng 1.14% lên 80.95 USD/thùng trong khi hợp đồng dầu thô Brent kỳ hạn tháng 2 tăng 0.70% lên 87.70 USD/thùng.

Bên cạnh thông tin xoay quanh OPEC+, thị trường cũng quan tâm nhiều tới gói lệnh trừng phạt mới nhất của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga. Mới đây EU đã đề xuất giảm nhẹ các giới hạn với các hoạt động xuất khẩu dầu của Nga, bằng cách gia hạn thêm thời gian thực hiện đầy đủ các lệnh trừng phạt và nới lỏng các điều khoản vận chuyển chính.

Mặc dù khối lượng nhiên liệu xuất khẩu từ Nga sang các nước châu Âu đã giảm đáng kể từ sau cuộc xung đột ở Biển Đen nổ ra, việc tìm kiếm một nguồn cung mới thay thế Nga là việc không dễ dàng với các nhà chức trách, nhất là trong bối cảnh các nhà sản xuất lớn như OPEC+ và Mỹ đều gặp khó trong vấn đề gia tăng sản lượng.

Theo Bloomberg, khối đã đề xuất bổ sung thêm một quá trình chuyển đổi kéo dài 45 ngày để giới thiệu mức trần với giá dầu của Nga. Các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ họp vào ngày mai để phê duyệt mức giới hạn này. Tuy nhiên, Mỹ đã lên tiếng kêu gọi cạc thành viên G7 sớm công bố mức giá trần, và ủng hộ việc điều chỉnh giá này nhiều lần trong một năm thay vì hàng tháng.

Tin tức này đã phần nào làm dịu đi nỗi lo về nguồn cung trong ngắn hạn và hạn chế đà tăng của giá dầu trong cuối phiên. Một yếu tố khác hỗ trợ cho giá dầu trong phiên hôm qua đến từ sự suy yếu của đồng USD, phản ánh qua việc chỉ số Dollar Index giảm về 107.22 điểm.

Trong những ngày gần đây, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhìn chung vẫn duy trì lập trường kiên định chống lạm phát, tuy nhiên, Chủ tịch Fed San Francisco Mary Daly cũng nói rằng các quan chức cần phải lưu ý đến độ trễ của các chính sách tiền tệ. Việc Fed tỏ ra “ôn hòa” hơn trong thời gian gần đây là có thể là một chỉ báo sớm cho thấy chỉ số Dollar Index đã tạo đỉnh. Nhiều quỹ đầu tư lớn của Mỹ cũng đang gia tăng vị thế bán khống đồng USD trong thời gian gần đây.

Sáng nay, báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ AAPI cho biết tồn kho dầu thô tại Mỹ tiếp tục giảm 4.8 triệu thùng/ngày, trong tuần kết thúc ngày 18/11, tiêu cực hơn với mức dự đoán của thị trường tuần thứ hai liên tiếp. Đây sẽ là một yếu tố giúp cho giá dầu duy trì được đà phục hồi trong phiên sáng nay.

Nguyên liệu

phan tich nguyen lieu 231122

Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/11, bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp gần như được bao trùm trong sắc xanh, trừ đường 11.  Lo ngại về nguồn cung vẫn hiện hữu, khiến giá Arabica có phiên tăng thứ 2 liên tiếp. Đường 11 là mặt hàng duy nhất mang sắc đỏ trong phiên qua khi nguồn cung đang cho thấy tín hiệu nới lỏng.

Arabica có phiên tăng thứ 2 liên tiếp trong tuần khi tiếp tục hấp thụ thông tin triển vọng mùa vụ trong niên vụ tới tại Brazil không mấy tích cực. Theo Cooxupe, hợp tác xã sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, sản lượng cà phê trong niên vụ 2023/2024 tại Brazil có thể chỉ tương đương với niên vụ hiện tại, điều này trái ngược với dự đoán của thị trường trong thời gian gần đây. Thêm vào đó, theo dữ liệu từ báo cáo của Somar Meteorologia, lượng mưa trong tuần trước tại Minas Gerais chỉ đạt 35,9 mm, tương đương với 72% mức trung bình lịch sử. Điều này củng cố thêm cho khả năng triển vọng mùa vụ cà phê trong niên vụ tới tại Brazil không tích cực như những gì thị trường đã dự đoán trước đó. Đây chính là nhân tố giúp giá Arabica tăng 2.68% trong phiên hôm qua.

Sau 4 phiên giảm liên tiếp, giá bông ghi nhận mức bật tăng hơn 3% trong phiên hôm qua khi Dollar Infex quay đầu giảm sau 3 phiên tăng liên tục. Dollar Index giảm, đồng nghĩa với việc giá bông Mỹ sẽ bớt đắt hơn đối với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác, từ đó hôc trợ lực mua trên thị trường và giúp giá khởi sắc. Bên cạnh đấy, giá dầu thô tăng, khiến Polyester chất thay thế chính của bông tăng ía, từ đó kéo theo giá bông.

Giá dầu cọ đã bật tăng gần 4% trong phiên hôm qua, nhờ được hỗ trợ từ diễn biến giá dầu thô. Công ty khảo sát hàng hóa Societe Generale de Surveillance (SGS) ước tính xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ trong 20 ngày đầu tháng 11 của Malaysia đạt 943,030 tấn, tăng 8.1% so với mức 872,508 tấn cùng kỳ tháng trước. Khối lượng xuất khẩu trên bao gồm 281,130 tấn dầu cọ thô, 55,141 tấn dầu cọ tinh chế, còn lại là các sản phẩm từ dầu cọ khác. Đây cũng là yếu tố đang góp phần thúc đẩy lực mua đối với dầu cọ.

Ở chiều ngược lại, đường 11 có phiên giảm thứ 2 liên tiếp khi nguồn cung đang có tín hiệu nới lỏng. Theo Commerzbank, mía đường tại Brazil đang có xu hướng đươc dịch chuyển sang sản xuất đường, do ethanol chiết xuất từ ngô ngày càng gia tăng. Dù đây là thông tin tích cực đối với nguồn cung nhưng lại có tác động “bearish” lên giá, khiến đây là mặt hàng duy nhất suy yếu trong phiên hôm qua.

Kim Loại

phan tich kim loai 231122

Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/11, lực mua quay trở lại và chiếm ưu thế trên thị trường kim loại khi đồng Dollar Mỹ suy yếu sau 3 phiên tăng liên tiếp hỗ trợ cho giá. Đối với nhóm kim loại quý, giá vàng tăng nhẹ 0.14% lên 1740.24 USD/ounce. Giá bạc phục hồi với mức tăng 0.85% lên mức 21.5 USD/ounce. Bạch kim nối dài đà tăng sang phiên thứ 2 liên tiếp, chốt tại mức giá 995.7 USD/ounce sau khi tăng 0.79%

Nhiều nhà đầu tư vẫn đang kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm tốc tiến trình tăng lãi suất trong bối cảnh bức tranh về lạm phát đang dần có kết quả khả quan hơn. Chủ tịch Fed Cleveland Loretta Mester cho biết rằng, Fed có thể chuyển sang các mức tăng lãi suất nhỏ hơn từ tháng tới khi điều chỉnh các hành động chính sách, để giúp giảm lạm phát cao trong khi vẫn giữ cho nền kinh tế hoạt động tốt. Bà cũng lưu ý rằng Fed hiện đang bước vào giai đoạn “cân nhắc” và “thận trọng” hơn trong các động thái tiếp theo, khi đã có các dấu hiệu đáng khích lệ về lạm phát trong thời gian gần đây. Những phát biểu này đã kéo đồng Dollar Mỹ suy yếu từ mức cao trong gần 2 tuần trở lại đây, hỗ trợ cho phần lớn giá kim loại, đặc biệt là kim loại quý như bạc và bạch kim vốn nhạy cảm với lãi suất.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, đồng COMEX kết thúc chuỗi giảm 6 phiên liên tiếp, tăng 1.2% lên 3.61 USD/pound. Tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc vẫn đang diễn biến phức tạp, với hơn 27,000 ca nhiễm Covid-19, tiến sát kỷ lục hơn 28,000 ca hồi tháng 4 khi Thượng Hải phong toả đang ảnh hưởng tới 1/5 sản lượng kinh tế của đất nước này. Tuy nhiên, giá đồng không còn nhiều phản ứng với bối cảnh nêu trên, thay vào đó, đà tăng của giá từ vùng hỗ trợ 3.55 USD/pound là do sự suy yếu của đồng bạc xanh, nhất là trước thềm công bố Biên bản họp tháng 11 vừa qua của Fed vào đêm nay.

Trái lại, quặng sắt có phiên suy yếu với mức giảm 1.96% xuống còn 93.44 USD/tấn. Kỳ vọng trước đó về sự nới lỏng trong chính sách Không Covid và hỗ trợ trong ngành bất động sản tại Trung Quốc đã thúc đẩy sản xuất thép. Tuy nhiên, niềm tin này đang dần lung lay khi dịch bệnh tiếp tục là trở ngại lớn cho bức tranh tiêu thụ. Trong khi đó, kỳ vọng về nguồn cung gia tăng sau khi chính phủ Ấn Độ tuyên bố bãi bỏ thuế xuất khẩu quặng sắt cấp thấp cũng đã làm gia tăng áp lực lên giá quặng sắt trong phiên.

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN
Đội ngũ chuyên gia tư vấn đầu tư 24/7

Share bài viết

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on email