Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/9, giá dầu giảm từ mức đỉnh hơn 10 tháng do các nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng và đóng trạng thái trước thềm diễn ra cuộc họp lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào đêm nay.
Nông sản
Trái với ngô, lúa mì tiếp tục nối dài đà giảm của phiên đầu tuần với mức giảm 1,23%. Tính hình xuất khẩu tại khu vực biển Đen vẫn là yếu tố gây sức ép chính lên giá của mặt hàng trong phiên vừa rồi.
Giá đậu tương hợp đồng tháng 11 rung lắc mạnh trong phiên hôm qua và đóng cửa với mức thay đổi không đáng kể. Tuy vậy, đây vẫn là phiên thứ 3 liên tiếp giá đóng cửa trong sắc đỏ. Một mặt, tình trạng mùa vụ tại Mỹ tốt hơn dự kiến đã gây áp lực lớn lên giá. Mặc khác, lực mua kỹ thuật của thị trường đã giúp giá hồi phục trở lại và thu hẹp mức giảm từ đầu phiên.
Giá hai mặt hàng thành phẩm của đậu tương diễn biến khá trái chiều trong phiên hôm qua. Sau khi suy yếu trong đầu phiên, giá khô đậu tương hợp đồng tháng 12 đã nhanh chóng hồi phục trở lại và ghi nhận mức tăng nhẹ 0,34% khi đóng cửa, đồng thời kết thúc chuỗi 2 phiên lao dốc trước đó. Ở chiều ngược lại, dầu đậu tương hợp đồng tháng 12 dẫn đầu đà giảm của cả nhóm, với mức giảm lên tới 1,07%. Sự suy yếu của giá dầu cọ đã góp phần gây áp lực lên giá dầu đậu.
Năng lượng
Kim loại
Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/9, sắc đỏ chiếm ưu thế hơn trên bảng giá thị trường kim loại. Đối với nhóm kim loại quý, bạch kim là mặt hàng duy nhất giữ được sắc xanh khi tăng 1,08% lên 948,4 USD/ounce, trong khi giá vàng và bạc đều quay đầu giảm. Cụ thể, giá bạc giảm xuống 23,45 USD/ounce sau khi giảm 0,18% và giá vàng giảm 0,11%, chốt phiên tại mức 1.930,94 USD/ounce.
Mức lợi suất trái phiếu cao đang làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý. Tuy vậy, giá vàng và giá bạc đều có mức biến động thấp, do các nhà đầu tư thận trọng hơn trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ra quyết định lãi suất.
Sau một loạt dữ liệu cho thấy kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ được công bố gần đây, các nhà đầu tư đã giảm bớt lo ngại về suy thoái kinh tế. Trong khi đó, giá dầu tăng cao làm gia tăng áp lực lạm phát. Những điều này đang khiến cho cuộc chiến chống lạm phát của Fed trở nên khó khăn hơn.
Do vậy, mặc dù Fed có thể tạm ngừng tăng lãi suất trong tháng này, tuy nhiên Fed có thể tăng lãi suất trở lại vào tháng 11 hoặc tháng 12. Lo ngại Fed duy trì mức lãi suất cao đã thúc đẩy lợi suất trái phiếu Mỹ tăng mạnh, với lợi suất kỳ hạn 10 năm tăng lên 4,36%, mức cao nhất trong vòng 16 năm. Mức sinh lợi hấp dẫn của trái phiếu đã làm giảm sức mua kim loại quý không sinh lợi.
Trái lại, bạch kim nhận được lực mua áp đảo do một số lo ngại về nguồn cung. Theo báo cáo mới đây của Hội đồng đầu tư bạch kim, thị trường bạch kim toàn cầu dự kiến thiếu hụt khoảng 1 triệu ounce trong năm nay do nhu cầu tăng cao trong khi nguồn cung không thay đổi.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX nối dài đà giảm sang phiên thứ ba liên tiếp khi giảm 0,85% xuống 3,74 USD/pound, trong khi giá quặng sắt giảm 1,30% xuống 120,18 USD/tấn.
Trước thềm Fed đưa ra quyết định lãi suất, các nhà đầu tư ngày càng tỏ ra thận trọng hơn và hạn chế mở vị thế mua mới. Trong khi đó, giá đồng vẫn đang gặp sức ép khi tín hiệu tiêu thụ kém lạc quan.
Theo Bloomberg đưa tin ngày 19/9, các chuyên gia trong ngành đã cảnh báo rằng tiêu thụ đồng tại Trung Quốc có thể tiếp tục suy yếu bất chấp giai đoạn tiêu thụ cao điểm cuối năm.
Hơn nữa, sự suy yếu của lĩnh vực bất động sản tại Mỹ cũng gây áp lực lên lực mua đồng. Việc xây dựng nhà mới tại Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020 trong tháng 8, với 1,283 triệu căn, thấp hơn nhiều so với mức 1,440 triệu căn theo dự báo của các chuyên gia kinh tế.
Trên thị trường quặng sắt, đà tăng của giá sắt đang chững lại trước lo ngại về lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, lĩnh vực tiêu thụ sắt thép nhiều nhất của nước này. Hơn nữa, lực mua quặng sắt làm đầu vào cho sản xuất thép cũng suy yếu trong phiên hôm qua sau khi Rio Tinto, tập đoàn khai thác quặng sắt lớn thứ hai thế giới, cho rằng tiêu thụ thép của Trung Quốc sắp đạt đỉnh.
Nguyên liệu công nghiệp
Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/9, sắc xanh tiếp tục áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Giá đường cao nhất trong 12 năm trong khi 2 mặt hàng cà phê trở lại xu hướng trái chiều.
Giá đường 11 ghi nhận mức tăng 1,22% trong phiên hôm qua, đưa giá giao dịch hiện tại lên mức 27,44 cents/pound. Đây chính là mức giá cao nhất trong 12 năm của mặt hàng này. Lo ngại sản lượng đường giảm sâu tại Ấn Độ và Thái Lan tiếp tục là yếu tố chính hỗ trợ giá.
Hiện tượng thời tiết El Nino tiếp tục khiến thời tiết khô hơn bình thường tại khu vực sản xuất mía đường, nguyên liệu chính cho hoạt động sản xuất đường tại Ấn Độ và Thái Lan. Điều này khiến sản lượng đường có thể sụt giảm, kết hợp với việc giá dầu ở mức cao đang kích thích các nhà máy ép mía ưu tiên lượng mía ép cho chiết xuất ethanol, khiến hoạt động sản xuất đường chậm lại.
Giá Arabica cũng tăng nhẹ 0,85% trong phiên hôm qua, đánh dấu phiên tăng thứ 4 liên tiếp của mặt hàng này và giá chạm mức cao nhất trong hơn 1 tháng. Thời tiết khô ráo và ấm hơn mức bình thường làm dấy lên lo ngại về việc sản lượng cà phê không được đảm bảo trong niên vụ tới tại Brazil.
Theo giới quan sát, lượng mưa dần ít hơn kết hợp với nhiệt độ tăng lên sẽ xuất hiện tại vùng trồng cà phê chính của Brazil trong thời gian tới. Điều này có thể dẫn đến thiếu hụt độ ẩm để cây cà phê có thể phát triển tốt nhất, từ đó ảnh hưởng không tốt đến mùa vụ 2024/25.
Ở chiều ngược lại, giá Robusta quay đầu giảm hơn 1% khi xuất khẩu đạt mức kỷ lục tại Uganda, quốc gia xuất khẩu mặt hàng này lớn thứ 3 thế giới, theo dự báo mới nhất từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).
Theo Cơ quan Phát triển Cà phê Uganda (UCDA), vào tháng 8, quốc gia này đã xuất khẩu 743.517 bao 60 kg, cao hơn 48,2% so với khối lượng vận chuyển trong cùng tháng năm 2022. Đây cũng là khối lượng cà phê xuất khẩu trong 1 tháng cao nhất của Uganda.
Giá dầu cọ thô đã giảm phiên thứ 2 liên tiếp, trong bối cảnh xuất khẩu từ Malaysia ở mức thấp.
Theo công ty khảo sát hàng hóa Intertek Testing Services (ITS), Malaysia đã xuất khẩu 580.893 tấn sản phẩm dầu cọ trong 15 ngày đầu tháng 09, giảm 11,8% so với mức 658.475 tấn cùng kỳ tháng trước. Trong đó, dầu cọ thô chiếm 141.403 tấn, dầu cọ tinh chế chiếm 24.830 tấn, còn lại là các sản phẩm từ dầu cọ khác.
Giá bông ghi nhận mức tăng 0,6% so với tham chiếu. Lo ngại về mùa vụ bông tại Mỹ kết hợp cùng giá dầu ở mức cao đã hỗ trợ giá tăng phiên thứ 2 liên tiếp.
Trong báo cáo mùa vụ ngày 19/9, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết, chỉ có 29% bông tại Mỹ đạt điều kiện tốt và tuyệt vời, giảm 4% so với mức 33% trong tuần trước.
Hơn nữa, giá dầu thô đang ở mức cao, cũng khiến Polyester, chất thay thế chính của bông tự nhiên chưa thể hạ nhiệt. Điều này đã kéo theo giá bông tiếp tục tăng.