Giá dầu sụt giảm trước thông tin về mức giới hạn giá và nhu cầu

Giá dầu sụt giảm trước thông tin về mức giới hạn giá và những lo ngại về nhu cầu suy yếu

Nông sản

phan tich nong san 241122

Sau 2 phiên suy yếu liên tục, giá ngô đã quay đầu hồi phục trở lại trong phiên hôm qua. Nhu cầu tiêu thụ ngô tại Mỹ cho hoạt động sản xuất ethanol duy trì ổn định là động lực tăng chính đối với giá ngô trong phiên hôm qua. Tuy nhiên, đà tăng của giá bị kìm hãm đáng kể bởi áp lực cạnh tranh của ngô Brazil đối với ngô Mỹ tại thị trường Trung Quốc.

Giá lúa mì cũng hồi phục trong phiên hôm qua và đã chấm dứt chuỗi 5 phiên suy yếu liên tiếp. Tuy nhiên, động lực tăng của giá chủ yếu là nhờ lực mua kỹ thuật, trong khi việc lúa mì Mỹ hiện đang kém cạnh tranh trên thị trường quốc tế đã gây sức ép đáng kể lên giá. Vì vậy, giá lúa mì chỉ ghi nhận mức tăng tương đối nhỏ, chỉ 0.25%.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/11, thị trường đậu tương lại tiếp tục trải qua một phiên với diễn biến giằng co bao trùm. Giá hồi phục trở lại với mức tăng không đáng kể trong bối cảnh triển vọng cung cầu vẫn chưa rõ ràng và thiếu vắng thông tin cơ bản đủ mạnh để dẫn dắt xu hướng giá. Yếu tố quyết định lớn nhất đến diễn biến giá trong giai đoạn này vẫn đang là triển vọng mùa vụ ở Brazil và khả năng xuất khẩu của đậu tương Mỹ.

Dầu đậu tiếp tục là mặt hàng tăng giá mạnh nhất nhóm nông sản trong phiên hôm qua và cũng đã phần nào lý giải cho lực mua đối với thị trường đậu tương. Nhu cầu dầu thực vật toàn cầu có những dấu hiệu tích cực hơn khi xuất khẩu dầu cọ của Malaysia và Indonesia trong vài tuần qua đều đang tăng lên đã góp phần thúc đẩy giá dầu đậu tương. Trong khi đó, thị trường khô đậu lại diễn ra khá ổn định khi giá chỉ tăng nhẹ theo diễn biến của giá đậu tương. Nhu cầu thức ăn chăn nuôi của Trung Quốc vẫn là yếu tố hạn chế đà tăng đối với giá mặt hàng này.

Năng lượng

phan tich nang luong 241122

Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/11, giá dầu quay đầu giảm mạnh trước thông tin về giới hạn giá mà nhóm các nước phương Tây đề xuất đối với dầu từ Nga. Cụ thể, giá dầu WTI kỳ hạn tháng 1 năm sau trên Sở NYMEX giảm 3.72% xuống 77.94 USD/thùng. Dầu Brent cùng kỳ hạn trên sở ICE giảm 2.92% xuống 85.14 USD/thùng , ghi nhận mức giá đông cửa thấp nhất trong vòng gần 2 tháng qua.

Giá dầu liên tục giằng co nửa đầu phiên giữa một bên là những lo ngại về nguồn cung và một bên là rủi ro nhu cầu sụt giảm. Nhu cầu ở Trung Quốc, nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới, vẫn còn yếu khi nước này tiếp tục thực hiện chặt chẽ chính sách Không Covid trong bối cảnh số ca nhiễm đang tiến gần đến mức đỉnh hồi tháng 4. Bắc Kinh cũng đã yêu cầu người dân không rời khỏi thành phố trừ khi cần thiết, để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Tuy nhiên, lực bán được thúc đẩy mạnh mẽ hơn khi xuất hiện thông tin về mức trần giá mà EU đề xuất đối với dầu Nga. Cụ thể, các quốc gia nhóm G7 cũng như khu vực châu Âu (EU) đang xem xét mức giá trần đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga trong khoảng 65-70 USD/thùng. Trong khi đó, dầu thô Urals của Nga giao đến vùng Tây Bắc châu Âu đang được  giao dịch quanh mức 62-63 USD/thùng. Mức chênh lệch không quá đáng kể, trong khi chi phí sản xuất được ước tính vào khoảng 20 USD/thùng, nên mức trần này được kỳ vọng vẫn sẽ mang lại lợi nhuận cho Nga và ngăn chặn tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường toàn cầu. Hiện tại, nhiều quốc gia khu vực EU không đồng ý với mức trần giá này, cuộc đàm phán vẫn đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, và sẽ tiếp tục được thảo luận trong ngày hôm nay.

Áp lực bán gia tăng khi báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) mặc dù cho thấy tồn kho dầu thô thương mại giảm, nhưng tồn kho xăng bất ngờ tăng mạnh 3.1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 18/11, trái với dữ liệu được đưa ra từ Viện dầu khí Mỹ (API). Xuất khẩu dầu cũng chỉ tăng nhẹ 380,000 thùng lên mức 4.2 triệu thùng so với tuần trước. Điều này phản ánh nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu đang có phần suy yếu và do đó, thúc đẩy lực bán trên thị trường.

Giá dầu chỉ được hỗ trợ nhẹ sau Biên bản cuộc họp lãi suất tháng 11 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy hầu hết các nhà hoạch định chính sách đã đồng ý rằng sẽ sớm giảm tốc độ tăng lãi suất. Ngoài ra, dữ liệu từ hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ chỉ tăng 2 lên 784 giàn đang hoạt động trong tuần kết thúc ngày 23/11, cho thấy sự khó khăn trong việc gia tăng nguồn cung.

Nguyên liệu

phan tich nguyen lieu 241122

Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/11, sắc đỏ trở nên áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Cả 2 mặt hàng cà phê đều quay đầu giảm sau 2 phiên tăng vào đầu tuần.

Sau 2 phiên tăng mạnh, giá Arabica đã được điều chỉnh giảm 1.18%. Ban đầu giá vẫn nhận được sự hỗ trợ từ những lo ngại về nguồn cung khi Bộ Nông nghiệp Mỹ USDA cắt giảm sản lượng Arabica niên vụ 2022/2023 của Brazil từ mức 41.5 triệu bao loại 60kg trong báo cáo tháng 06 xuống còn 39.8 triệu bao. Tuy nhiên, sự khởi sắc này không được duy trì đến cuối phiên, đồng Real suy yếu đã thúc đẩy lực bán từ phía nông dân Brazil và tồn kho đạt chuẩn Arabica trên ICE US tăng hơn 20 nghìn bao, khiến giá quay đầu giảm.

Đường 11 có phiên giảm thứ 3 liên tiếp trong tuần trước áp lực nguồn cung nới lỏng. Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu đường hàng đầu thế giới đã quyets định mở rộng hạn ngạch xuất khẩu đường của nước này trong năm nay bằng cách cho phép xuất khẩu thêm 2 – 4 triệu tấn đường. Điều này giúp các nhà sản xuất đường tại đây có thể đẩy nhiều đường ra thị trường hơn, đồng thời giản bớt lo ngại về việc vỡ nợ đơn hàng do hạn ngạch cản trở mà thị trường lo ngại trước đó.  Bên cạnh đấy, giá dầu thô giảm mạnh 4%, cũng phần nào thúc đẩy các nhà máy ép mía tại Brazil ưu tiên lượng mía ép cho sản xuất đường, góp phần gia tăng sức ép khiến giá đường 11 giảm gần 1% trong phiên hôm qua.

Ở chiều ngược lại, giá dầu cọ đã tiếp tục tăng 2.52% trong phiên hôm qua, ghi nhận phiên thứ 3 liên tiếp tăng giá khi thị trường kì vọng xuất khẩu sẽ tiếp tục tốt. Các công ty khảo sát hàng hóa đều cho rằng xuất khẩu đầu cọ trong 20 ngày đầu tháng này của Malaysia đã tăng từ 2.9% đến 9.6% so với cùng kỳ tháng trước. Thông tin trên đang tiếp tục thúc đẩy lực mua đối với dầu cọ.

Giá bông cũng ghi nhận sự tăng nhẹ với 0.58% trong phiên hôm qua do việc hạn chế xuất khẩu tại Ấn Độ. Theo Atul Ganatra, Chủ tịch Hiệp hội Bông Ấn Độ, dù vụ thu hoạch đã bắt đầu từ tháng trước, người nông dân vẫn chưa chịu đẩy nguồn cung ra thị trường. Điều này đến từ việc nông dân đang kỳ vọng vào một mức giá cao hơn thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, trước áp lực từ việc nhu cầu tiêu thụ vẫn khá ảm đảm do Trung Quốc vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách Zero Covid và lo ngại suy thoái toàn cầu, yếu tố hỗ trợ này khó có thể duy trì trong thời gian tới.

Kim Loại

phan tich kim loai 241122

Sắc xanh áp đảo trên bảng giá của các mặt hàng kim loại trong bối cảnh đồng USD tiếp tục suy yếu tiếp tục thúc đẩy sức mua trên thị trường. Với nhóm kim loại quý, giá bạc tăng 1.51% lên 21.37 USD/ounce, và giá bạch kim đóng cửa với mức tăng khiêm tốn hơn chỉ 0.11% lên 996.8 USD/ounce.

Các tin tức vĩ mô có dấu hiệu khởi sắc là yếu tố chính hỗ trợ cho cả hai mặt hàng kim loại quý trong phiên hôm qua. Biên bản họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) mới được công bố cho thấy các nhà hoạch định chính sách có cùng quan điểm về việc tốc độ tăng lãi suất có thể chậm lại. Mặc dù áp lực lạm phát vẫn còn, nhưng nhiều thành viên lo ngại về rủi ro với thị trường tài chính nếu Fed tiếp tục giữ nguyên mức tăng lãi suất.

Ngoài ra, FOMC cũng cân nhắc tới độ trễ từ tác động chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế và các chỉ số lạm phát. Biên bản họp cũng chỉ ra rằng nhà kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thông báo khả năng suy thoái của Mỹ trong năm tới đã tăng lên gần 50%, mức cao nhất kể từ khi cơ quan này bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3.

Những thông tin này càng làm gia tăng kỳ vọng của các nhà đầu tư về việc Fed sẽ hạ tốc độ tăng lãi suất xuống 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 12 thay vì 75 điểm cơ bản như bốn lần tăng gần nhất. Kịch bản này cũng dẫn đến sự suy yếu của đồng USD, phản ánh qua chỉ số Dollar Index giảm về 106.08 điểm. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí nắm giữ, đầu tư bạc hay bạch kim cũng trở nên rẻ hơn khiến cho sức mua trên cả hai thị trường kim loại quý đều áp đảo.

Sự phân hóa diễn ra rõ hơn với nhóm kim loại cơ bản, với nhiều mặt hàng không giữ được sắc xanh. Giá đồng trên Sở COMEX tăng 0.1% lên 3.62 USD/pound, trong khi mức giá trên Sở LME giảm 0.1% còn 8005 USD/tấn. Mức giá đóng cửa ít thay đổi này chưa đủ để đảo ngược xu hướng giảm của giá đồng trong các phiên gần đây.

Triển vọng tiêu thụ với mặt hàng đồng vẫn kém khả quan khi Trung Quốc vẫn phải chống chọi với dịch bệnh, và đặc biệt là tốc độ xây lắp các dự án năng lượng sạch đang chậm đi do ảnh hưởng của các quy định giãn cách.

Sức mua trên thị trường chủ yếu được thúc đẩy nhờ sự suy yếu của đồng USD. Bên cạnh đó, công ty khai thác đồng lớn nhất Chile, Codelco cũng công bố sẽ cắt giảm khoảng 10% số lượng các lô hàng trong năm 2023 và làm gia tăng những lo ngại về nguồn cung, tuy nhiên do triển vọng tiêu thụ kém mà tin tức này không mang lại quá nhiều sự hỗ trợ cho giá đồng.

Giá quặng sắt phục hồi 2.04% lên 95.35 USD/tấn sau hai phiên giảm liên tiếp. So với thị trường đồng, thị trường quặng sắt phục hồi tốt hơn, phản ánh cho niềm tin về t triển vọng nhu cầu thép của Trung Quốc tăng lên, lấn át các yếu tố giảm giá như khả năng hạn chế sản xuất trong mùa đông và việc Ấn Độ giảm thuế xuất khẩu quặng sắt. Giá sắt cũng có thể quay lại mức 100 USD/tấn khi nhiều nhà đầu tư kỳ vọng lĩnh vực sử dụng nhiều thép như xây dựng và cơ sở hạ tầng sẽ tăng tốc trong năm tới, nhất là trong giai đoạn mùa xây dựng vào đầu năm sau.

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN
Đội ngũ chuyên gia tư vấn đầu tư 24/7

Share bài viết

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on email