Giá dầu tăng tuần thứ 3 liên tiếp lên mức đỉnh 10 tháng

Kết thúc tuần giao dịch ngày 11/9 – 17/9, dầu thô ghi nhận tuần tăng giá thứ 3 liên tiếp, đạt đỉnh cao nhất trong 10 tháng khi các tổ chức năng lượng lớn trên thế giới dự báo thâm hụt nguồn cung cuối năm

Nông sản

bang gia nong san 1809

Giá ngô hợp đồng kì hạn tháng 12 kết thúc tuần giao dịch 11 – 17/09 vẫn tiếp tục biến động trong khoảng hẹp. Báo cáo Cung – cầu tháng 9 với số liệu nằm ngoài dự đoán của thị trường đã thúc đẩy lực bán trở lại và khiến giá đóng cửa với mức giảm hơn 1,5%. Tuy nhiên, lo ngại về mùa vụ vẫn của Mỹ vẫn chưa hoàn toàn bị xoá bỏ là nguyên nhân khiến cho giá duy trì hỗ trợ ở vùng đáy 473 trước đó.
 
Trái ngược với diễn biến của ngô, thị trường lúa mì lại hồi phục và đóng cửa trên vùng hỗ trợ tâm lí 600. Đây cũng là tuần giá tăng mạnh nhất của mặt hàng này trong vòng 1 tháng vừa qua. Tồn kho toàn cầu niên vụ 23/24 dự báo sẽ giảm xuống mức thấp nhất kể từ niên vụ 2015/16 đã khiến cho giá lúa mì bật tăng trở lại.
 
Khép lại tuần giao dịch kết thúc vào ngày 17/09, giá đậu tương đã giảm hơn 1,5%, ghi nhận tuần thứ 3 liên tiếp suy yếu. Dưới sức ép từ báo cáo Cung – cầu Nông sản Thế giới (WASDE) tháng 9, thị trường đã chịu lực bán tương đối mạnh trong tuần vừa rồi
 
Hai mặt hàng thành phẩm của đậu tương là dầu đậu và khô đậu diễn biến trái chiều trong tuần trước. Giá dầu đậu đã tăng hơn 2,5%, kết thúc chuỗi 3 tuần giảm liên tiếp. Trong báo cáo tháng này Hiệp hội các nhà chế biến hạt có dầu quốc gia (NOPA) cho biết tồn kho dầu đậu tương của Mỹ chỉ ở mức 1,25 tỷ pound, mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm 2017 và cũng thấp hơn dự đoán của thị trường. Lo ngại thiếu hụt nguồn cung nội địa là yếu tố đã thúc đẩy lực mua đối với dầu đậu.
 
Khô đậu tương đã giảm gần 2,5% trong tuần qua, theo diễn biến đậu tương và áp lực trái chiều từ việc dầu đậu tăng giá.

Năng lượng

bang gia nang luong 1809

Kết thúc tuần giao dịch ngày 11/9 – 17/9, dầu thô ghi nhận tuần tăng giá thứ 3 liên tiếp, đạt đỉnh cao nhất trong 10 tháng khi các tổ chức năng lượng lớn trên thế giới dự báo thâm hụt nguồn cung cuối năm. Trong khi đó, tiêu thụ tại Trung Quốc tích cực, nền kinh tế Mỹ tiếp tục có những tín hiệu khởi sắc, cũng đã góp phần thúc đẩy lực mua.
 
Giá dầu WTI vượt mốc 90 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 11/2022, chốt tuần tại mức giá 90,77 USD/thùng, tăng 3,73% so với tuần trước đó. Giá dầu Brent tăng 3,62% lên sát mốc 94 USD/thùng. Như vậy, trong 12 tuần giao dịch gần nhất, dầu thô đã ghi nhận 10 tuần tăng giá.
 
Ba tổ chức năng lượng lớn là Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) trong báo cáo tháng 9 đều đưa ra dự báo về tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong phần còn lại của năm 2023. Trong đó, OPEC dự báo mức thâm hụt mạnh nhất, khoảng 1,78 triệu thùng/ngày trong quý III và gần 3 triệu thùng/ngày trong quý IV. EIA và IEA đều dự báo mức thâm hụt khoảng vài nghìn thùng/ngày trong các quý cuối năm.
 
Tuy nhiên, việc đánh giá thị trường vẫn thâm hụt khá lớn, và mức bổ sung nguồn cung chưa đáng kể đã thúc đẩy giá dầu tăng mạnh trong tuần qua. EIA dự báo giá dầu Brent đạt trung bình 93 USD/thùng trong quý cuối năm, tăng mạnh so với ước tính 88 USD/thùng trong báo cáo tháng 8.
 
Về phía nhu cầu, thông lượng lọc dầu của Trung Quốc trong tháng 8 đã tăng lên mức kỷ lục, do các nhà máy lọc dầu duy trì công suất hoạt động cao để đáp ứng nhu cầu đi lại trong mùa hè và tăng cường tỷ suất lợi nhuận xuất khẩu.

Kim loại

Khép lại tuần giao dịch 11/9 – 17/9, hầu hết các mặt hàng nhóm kim loại đều tăng giá ngoại trừ niken. Đối với nhóm kim loại quý, giá cả ba mặt hàng đều phục hồi trong sắc xanh sau tuần giảm mạnh trước đó. Cụ thể, giá bạch kim lấy lại mốc 900 USD sau khi tăng 3,88% lên mức 929,5 USD/ounce. Giá bạc phục hồi 0,91%, đóng cửa tuần tại mức 23,38 USD/ounce, trong khi giá vàng đóng cửa tại 1.923,58 USD/ounce sau khi tăng 0,3%.

Vào đầu tuần, giá bạc, giá bạch kim đều phải chịu sức ép khi đồng USD mạnh lên làm tăng chi phí đầu tư và làm giảm sức mua kim loại quý. Tuy vậy, giá 2 mặt hàng kim dần phục hồi vào các phiên cuối tuần khi áp lực lãi suất giảm bớt.

Mỹ đã công bố báo cáo lạm phát trong tuần trước và số liệu tiếp tục cho thấy lạm phát tại Mỹ đang hạ nhiệt. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi tháng 8 tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái, phù hợp với dự báo và hạ nhiệt từ mức 4,7% của tháng 7.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) lõi tháng 8 tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái, phù hợp với dự báo và giảm 0,2 điểm phần trăm so với tháng 7.

Lạm phát tại Mỹ vẫn đang trên đà giảm tốc sẽ làm giảm không gian để Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất. Theo CME FedWatch Tool, thị trường hiện đang đặt cược 99% vào khả năng Fed  giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp ngày 19-20/9 và 70% khả năng tạm dừng vào tháng 11, lần lượt tăng từ mức 92% và 53% trong tuần trước đó. Do vậy, áp lực lãi suất giảm bớt đã hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư và giúp dòng tiền quay lại thị trường kim loại quý.

Đáng chú ý, vai trò trú ẩn của kim loại quý đã phát huy tốt trong bối cảnh tình hình đình công tại Mỹ trở nên căng thẳng. Vào ngày 15/9, Liên đoàn Công nhân United Auto đã phát động các cuộc đình công với quy mô hơn 12.000 nhân viên tại 3 nhà máy thuộc sở hữu của “Detroit Three”, bao gồm General Motors, Ford và Stellantis.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, hầu hết các mặt hàng đều tăng giá khi áp lực vĩ mô giảm bớt và tín hiệu tiêu thụ lạc quan hơn. Giá hai mặt hàng chủ chốt là đồng COMEX và quặng sắt ghi nhận mức tăng lần lượt là 2,27% và 8,49%, đóng cửa tuần tại mức 3,80 USD/pound và 122,95 USD/tấn.

Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại hàng đầu, tiếp tục công bố số liệu kinh tế tích cực trong tuần trước, củng cố thêm kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc đang dần phục hồi sau giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất trong mùa hè này.

Cụ thể, sản lượng công nghiệp tháng 8 đã tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 0,5 điểm phần trăm so với dự báo và và phản ánh mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 4/2023.

Dữ liệu khác cho thấy mức tiêu dùng của Trung Quốc dần phục hồi trong mùa du lịch hè, với doanh số bán lẻ tăng 4,6% trong tháng 8, cao hơn nhiều so với kỳ vọng là 3% và là mức cao nhất kể từ tháng 5/2023.

Loạt dữ liệu trên cho thấy nền kinh tế nước này đang có sự cải thiện nhanh hơn một chút so với dự kiến và củng cố cho kỳ vọng tiêu thụ đồng, quặng sắt sẽ gia tăng trong thời gian tới, hỗ trợ cho giá.

Hơn nữa, tâm lý lạc quan của thị trường càng được củng cố sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) tuyên bố tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ được cắt giảm 25 điểm cơ bản. Đồng thời, PBOC đã bơm ròng 191 tỷ nhân dân tệ vào hệ thống tài chính thông qua cơ sở cho vay trung hạn 1 năm vào ngày 15/9.

Nguyên liệu công nghiệp

bang gia nguyen lieu 1809

Kết thúc tuần giao dịch 11-17/9, sắc xanh hoàn toàn áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp.  Đáng chú ý, giá 2 mặt hàng cà phê cùng tăng mạnh, dù cho nguồn cung đang có những tín hiệu tích cực.

Cụ thể, giá Arabica dẫn đầu đà tăng của nhóm với 7,06%, giá Robusta theo ngay sau với mức tăng 6,19% so với tham chiếu. Kết tuần, giá cả 2 mặt hàng đều ở mức cao nhất trong 1 tháng. Trong tuần, Arabica có 3/5 phiên mang sắc xanh và lực tăng tập trung chủ yếu vào 2 phiên cuối tuần, Robusta có 4/5 phiên tăng so với tham chiếu.

Giá dầu thô cùng đồng USD đều ở mức cao đã đẩy lực mua của giới đầu cơ tăng mạnh, trong khi xuất khẩu cà phê cùng tồn kho trên Sở ICE đều cho thấy sự tích cực so với giai đoạn trước.

Theo đó, Brazil đã xuất khẩu 3,67 triệu bao cà phê loại 60kg trong tháng 8, trong đó có 3,35 triệu bao cà phê nhân, tăng 33,3% so với cung kỳ năm 2022, theo Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE). Trong số 3,35 triệu bao cà phê nhân xuất đi trong tháng 8, có 2,65 triệu bao cà phê Arabica và 698.856 bao cà phê Robusta, tăng lần lượt 11,2% và 443% so với tháng 8 năm 2022. Đây cũng là mức xuất khẩu trong 1 tháng cao kỷ lục đối với Robusta.

Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US trong tuần tăng 3.360 bao loại 60kg sau 1 tháng giảm liên tiếp nhờ nguồn cung bổ sung từ Brazil. Cũng chính nguồn cung từ Brazil đã giúp tồn kho Robusta trên Sở ICE-EU tăng từ mức 35.770 tấn lên 38.730 tấn.

Trong tuần này, giá cà phê có thể điều chỉnh giảm vào đầu tuần khi dữ liệu tồn kho trên Sở ICE chuyển hướng tích cực nhờ sự bổ sung từ Brazil. Đến cuối tuần, giá mặt hàng này khả năng cao sẽ chịu chi phối từ số liệu ước tính sản lượng cà phê năm 2023 của Brazil, được Cơ quan cung ứng mùa vụ thuộc chính phủ nước này (CONAB) công bố trong báo cáo khảo sát mùa vụ lần thứ 3 vào ngày 20/9.

Giá 2 mặt hàng đường ghi nhận mức tăng lần lượt 2,28% với đường 11 và 2,96% với đường trắng, đưa giá lên mức cao nhất trong 12 năm. Đáng chú ý, đây là tuần tăng thứ 4 liên tiếp của giá đường thô. Lo ngại sản lượng đường sụt giảm mạnh tại các quốc gia Châu Á, đặc biệt tại Ấn Độ, có thể khiến quốc gia này cấm xuất khẩu trong niên vụ 2023/24.

Lượng mưa dưới mức trung bình có thể khiến Thái Lan, quốc gia xuất khẩu đường lớn thứ 3 thế giới, chỉ xuất đi 1,7 triệu tấn đường trong niên vụ 2023/24, 1 trong những mức thấp nhất trong 15 năm, công ty tư vấn Czarnikow cho biết. Trong khi, lượng mưa dưới mức trung bình tại Ấn Độ có thể khiến sản lượng giảm sâu và gia tăng nguy cơ cấm xuất khẩu vào tháng 10 tới.

Tuy vậy, sản lượng đường tích cực tại Brazil đã góp phần giảm bớt lo ngại về nguồn cung trên thị trường và góp phần giảm bớt lực tăng của giá. Các chuyên gia tại công ty tư vấn hàng hóa S&P Global dự đoán, sản lượng đường trong kỳ tại Brazil sẽ là 3,44 tấn, cao hơn so với mức 3,15 tấn của cùng kỳ năm trước.

Giá bông ghi nhận mức tăng nhẹ 0,62% trong tuần vừa qua. Giá dầu ở mức cao đã kéo theo giá bông đi lên, dù cho bán hàng bông Mỹ trong tuần kết thúc 7/9 thấp hơn 21% so với tuần trước và 27% so với trung bình 4 tuần.

Theo đó, giá dầu thô tăng lên mức cao nhất trong 10 tháng, khiến Polyester, chất thay thế chính của bông trở nên đắt đỏ hơn. Điều này kéo theo nhu cầu đối với bông tự nhiên tăng cao hơn và giá bông tăng lên.

Ở chiều ngược lại, giá dầu cọ trái chiều với đa số các mặt hàng trong nhóm khi giảm 1,17% so với tham chiếu. Tồn kho tăng tại Malaysia đã gây sức ép lên giá.

Áp lực từ việc tồn kho dầu cọ cuối tháng 08 của Malaysia tăng 22,5% so với tháng trước và vượt qua dự đoán của giới phân tích vẫn đang đè nặng lên giá dầu cọ.

Share bài viết

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on email