Giá lúa mì hồi phục mạnh trở lại do lo ngại về mùa vụ của Trung Quốc

Giá lúa mì hồi phục mạnh mẽ trở lại bất chấp mức giảm khi mở cửa phiên sáng. Đóng cửa phiên 31/05, giá mặt hàng này ghi nhận mức tăng nhẹ và đã quay trở lại vùng tương đương với ngô.

Nông sản

bang gia nong san

Giá ngô kỳ hạn tháng 7 đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5 không thay đổi so với mức tham chiếu. Tuy nhiên, diễn biến trong phiên lại đáng chú ý khi giá rung lắc và chịu sức ép từ vùng kháng cự tâm lí 600.
 
Giá lúa mì hồi phục mạnh mẽ trở lại bất chấp mức giảm khi mở cửa phiên sáng. Đóng cửa phiên 31/05, giá mặt hàng này ghi nhận mức tăng nhẹ và đã quay trở lại vùng tương đương với ngô. Lo ngại về nguồn cung tại Trung Quốc sụt giảm cùng với nhu cầu được thúc đẩy từ việc giá ngô trở nên đắt đỏ hơn là những nguyên nhân đã hỗ trợ cho giá lúa mì.
 
Mặc dù giảm mạnh trong đầu phiên hôm qua trước áp lực từ nguồn cung của Brazil cũng như tốc độ gieo trồng vụ mới nhanh chóng của Mỹ, giá đậu tương đã hồi phục mạnh mẽ trở lại sau khi mở cửa phiên tối và đóng cửa với mức tăng nhẹ 0,25%. Đà tăng của giá chủ yếu đến từ lực mua kỹ thuật của thị trường, khi giá giảm về mức thấp nhất kể từ tháng 07/2022.
 
Hai mặt hàng thành phẩm của đậu tương là khô đậu và dầu đậu cũng rung lắc mạnh trong phiên hôm qua và đóng cửa với mức thay đổi không đáng kể. Đối với khô đậu, giá giảm mạnh trong đầu phiên trước áp lực từ sự suy yếu chung của toàn nhóm nông sản. Trong khi đó, giá dầu đậu dẫn dầu đà giảm của nhóm đậu tương trong phiên sáng, theo sau sự suy yếu của giá dầu cọ và giá dầu thô. Dù vậy, giá khô đậu và giá dầu đậu đã đồng loạt khởi sắc trở lại trong phiên tối, đồng thời xóa đi hoàn toàn mức giảm từ đầu phiên nhờ lực mua bắt đáy của thị trường.

Năng lượng

bang gia nang luong

Phiên giảm thứ 2 liên tiếp của giá dầu trong ngày giao dịch cuối cùng của tháng 5 đã đẩy giá đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ ngày 21/3 năm nay. Tình hình sản xuất của quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ 2 trên thế giới, Trung Quốc, tiếp tục thu hẹp trong tháng 5, đã gây sức ép tới giá dầu.
 
Kết phiên, giá dầu WTI giảm gần 2% xuống 68,09 USD/thùng, giá dầu Brent giảm 1,5% xuống 72,6 USD/thùng. Như vậy, dầu thô đã ghi nhận mức giảm theo tháng lớn nhất trong vòng 8 tháng qua.
 
Điều này cho thấy tốc độ phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn nhiều khó khăn. Sự thu hẹp hoạt động sản xuất cũng làm mờ triển vọng tiêu thụ dầu thô của quốc gia này. Đây là nguyên nhân chính khiến giá dầu giảm trong phiên ngày 31/05.
 
Trong khi đó, nguồn cung tại Mỹ có xu hướng gia tăng, đạt mức 12,7 triệu thùng/ngày trong tháng 3, cao nhất kể từ tháng 03/2020, theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Mặc dù dữ liệu theo tháng có độ trễ, tuy nhiên, thống kê sản lượng Mỹ theo tuần tính tới ngày 19/06 vẫn cho thấy đà tăng tích cực.
 
Việc giá dầu thấp hơn 70 USD/thùng làm gia tăng lo ngại về những hành động bất ngờ của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) trong cuộc họp ngày 4/6 sắp tới. Tuy nhiên, các ngân hàng HSBC và Goldman Sachs cũng như các nhà phân tích không kỳ vọng OPEC+ sẽ thông báo cắt giảm thêm tại cuộc họp này.

Nguyên liệu

bang gia nguyen lieu

Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/05, sắc đỏ tiếp tục áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Sau 3 phiên giảm liên tiếp, giá Arabica đảo chiều khởi sắc với mức tăng 1,55 cents so với tham chiếu. Lo ngại khan hiếm nguồn cung trong ngắn hạn vẫn luôn hiện hữu trên thị trường thông qua số liệu tồn kho đáng báo động.

Tính đến hết ngày 31/05, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE nối tiếp nối đà giảm từ đầu tháng 02 năm 2023 về 583.518 bao loại 60kg, mức thấp nhất từng ghi nhận kể từ cuối tháng 11 năm 2022.

Ở chiều ngược lại, các mặt hàng khác như bông và đường 11 đều cho thấy sự suy yếu. Trong đó, giá bông giảm gần 1% trong phiên hôm qua khi nhu cầu tiêu thụ bông có dấu hiệu suy yếu.

Chỉ số Dollar Index tăng mạnh trở lại, kéo theo giá bông Mỹ trở nên đắt đỏ hơn đối với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác, từ đó hạn chế nhu cầu mua hàng đối với mặt hàng này.

Thêm vào đó, hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 05 giảm manh hơn dự kiến và giảm tháng thứ 2 liên liếp. Điều này đặt ra nghi ngại về khả năng hồi phục kinh tế cũng như nhu cầu đối với bông cho hoạt động sản xuất hàng dệt may không như mong đợi.

Giá đường 11 cũng có sự suy yếu trong phiên hôm qua khi giảm hơn 1% so với mức tham chiếu. Giá dầu thô giảm tiếp tục thúc đẩy các nhà máy ép mía tại Brazil ưu tiên lượng mía ép cho sản xuất đường, khiến nguồn cung mặt hàng này trở nên nới lỏng.

Hơn nữa, các chuyên gia dự báo Ấn Độ có thể xuất khẩu thêm đường trong tháng 09 tới sau khi đã hoàn thành mức hạn ngạch xuất khẩu 6,1 triệu tấn được Chính phủ cấp phép  trước đó. Thông tin này cùng với việc ưu tiên sản xuất đường tại Brazil khiến thị trường kỳ vọng nguồn cung tích cực hơn trong thời gian tới.

Giá Robusta hợp đồng tháng 07 tiếp tục có phiên giao dịch khá giằng co khi giá chỉ giảm nhẹ 6 USD so với mức tham chiếu. Thị trường tiếp tục chạy theo những thông tin cơ bản trái chiều trong dự báo nguồn cung tại các nước sản xuất chính.

Cụ thể, USDA dự báo sản lượng sẽ gia tăng 5% trong niên vụ 2023/24 tại Brazil, trong khi sản lượng tại Indonesia có thể giảm về mức thấp nhất trong 12 năm và Conab cũng ước tính sản lượng Robusta trong năm 2023 tại Brazil sẽ giảm 8% so với năm 2022.

Đặc biệt, giá dầu cọ thô chạm mức thấp nhất trong 17 tháng khi giảm mạnh hơn 6% trong phiên hôm qua trong bối cảnh xuất khẩu suy yếu.

Cụ thể, công ty giám định độc lập Amspec Agri cho biết, xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của Malaysia trong tháng 05 đạt 1,085 triệu tấn, giảm 1,8% so với mức 1,104 triệu tấn cùng kỳ tháng trước. Trong khi đó, theo công ty khảo sát hàng hóa Intertek Testing Services (ITS), Malaysia đã xuất khẩu 1,166 tấn sản phẩm dầu cọ trong giai đoạn này, giảm 0,8% so với mức 1,176 triệu tấn trong tháng 04.

Kim loại

bang gia kim loai

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5, các mặt hàng kim loại đóng cửa tăng giảm trái chiều. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạch kim giảm 2,24% xuống 999 USD/ounce, trong khi giá vàng và bạc kết phiên trong sắc xanh. Cụ thể, giá bạc tăng 1,50% lên 23,58 USD/ounce và giá vàng tăng nhẹ 0,16%, chốt phiên tại mức 1.962,3 USD/ounce.

Vai trò trú ẩn tiếp tục củng cố sức mua các mặt hàng kim loại quý. Các nhà đầu tư tiếp tục thận trọng chờ đợi thỏa thuận lưỡng đảng của Mỹ được Quốc hội thông qua.

Bên cạnh đó, vàng và bạc nhận được lực mua tích cực vào phiên tối, khi đồng USD suy yếu sau các bình luận “ôn hòa” của quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Cụ thể, Chủ tịch Fed bang Philadelphia, Patrick Harker, cho biết ông ủng hộ bỏ qua việc tăng lãi suất tại cuộc họp tháng 6. Điều này đã làm đảo ngược kỳ vọng tăng lãi suất của nhà đầu tư, xác suất Fed tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản đã giảm mạnh xuống còn hơn 20%, chỉ bằng 1/3 cho với tỷ lệ hơn 60% trong ngày 30/05.

Tuy vậy, bạch kim vẫn nhận được lực bán áp đảo do kỳ vọng tích cực về nguồn cung. Công ty điện lực Eskom thuộc nhà nước Nam Phi, quốc gia khai thác bạch kim lớn nhất thế giới, cho biết họ đã chi 21,4 tỷ Rand  trong 12 tháng tính đến tháng 03/2023, cao hơn gấp đôi so với mức 10 tỷ Rand mà họ bỏ ra 1 năm trước đó, để vận hành các tuabin chạy bằng diesel để giảm bớt cắt điện. Tình hình cắt điện tại nước này giảm bớt có thể thúc đẩy hoạt động khai thác phục hồi và làm tăng triển vọng nguồn cung trong thời gian tới.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX giảm phiên thứ ba liên tiếp khi để mất 0,71% xuống 3,63 USD/pound. Giá đồng chịu sức ép bán áp đảo ngay từ phiên sáng do dữ liệu kinh tế kém sắc từ Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ đồng hàng đầu.

Cụ thể, chỉ số quản trị mua hàng (PMI) sản xuất của Trung Quốc chỉ đạt 48,8 điểm trong tháng 5, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2022, dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS). Con số này cũng thấp hơn mức 49,2 của tháng 4 và mức 51,4 mà giới phân tích dự báo. Hơn nữa NBS cho biết các ngành công nghiệp chế biến chế tạo và luyện kim loại màu phải đối mặt với sự sụt giảm đáng kể về sản lượng và nhu cầu.

Do đó, dữ liệu PMI sản xuất thu hẹp trong tháng 5 tiếp tục cho thấy nhu cầu tiêu dùng nội địa yếu kém và tốc độ phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn còn mờ nhạt. Điều này gián tiếp làm giảm triển vọng tiêu thụ các mặt hàng kim loại công nghiệp làm đầu vào cho hoạt động sản xuất, trong đó có đồng.

Trên thị trường quặng sắt, dữ liệu hoạt động sản xuất yếu kém của Trung Quốc cũng gây sức ép tới giá, tuy vậy, lực mua sắt vẫn được hỗ trợ do mức tồn kho giảm. Theo dữ liệu từ công ty tư vấn Steelhome, tồn kho quặng sắt tại các cảng của Trung Quốc trong tuần kết thúc ngày 27/06 giảm 2,2% so với cùng kỳ tháng trước xuống còn 126,9 triệu tấn. Trên cơ sở hàng năm, hàng tồn kho đã giảm 5,5%.

Trong khi đó, dữ liệu từ Shanghai Metals Market chỉ ra hoạt động kinh doanh ngành xây dựng, lĩnh vực tiêu thụ phần lớn sắt thép tại Trung Quốc, đạt 56,4 điểm, tăng 5,7 điểm so với tháng trước và toàn ngành xây dựng duy trì tốc độ mở rộng nhanh chóng. Do đó, thông tin tích cực này giúp giá sắt phục hồi 0,04% lên 101,23 USD/tấn.

 

Share bài viết

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on email