Giá lúa mì lấy lại sắc xanh sau 4 phiên giảm liên tiếp

Nông sản

Trong phiên giao dịch hôm qua, giá ngô duy trì đà tăng từ phiên trước đó. Mặc dù giá diễn biến khá giằng co trong phiên sáng, nhưng đã nhanh chóng bật tăng mạnh trong phiên tối và đóng cửa với mức tăng đúng 10 cents. Những thông tin về mùa vụ ngô tại Mỹ là yếu tố “bullish” mạnh đối với giá trong hôm qua.

Tương tự như ngô, giá lúa mì cũng diễn biến giằng co trong phiên sáng và khởi sắc trong phiên tối. Giá đóng cửa với mức tăng 2.45%, qua đó kết thúc chuỗi 4 phiên suy yếu liên tiếp. Nhu cầu nhập khẩu lúa mì Mỹ là yếu tố tác động “bullish” mạnh lên giá trong phiên hôm qua.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 04/08, cả ba mặt hàng nhóm đậu tương đều đồng loạt hồi phục mãnh mẽ. Dẫn đầu đà tăng của cả nhóm là khô đậu tương khi giá mặt hàng này tăng 5.68% trong phiên ngày hôm qua. Những thông tin tích cực trong báo cáo Xuất khẩu hàng tuần là nguyên nhân đã khiến lực mua được đẩy mạnh đối với khô đậu.

Đối với dầu đậu, dù đóng cửa trong sắc xanh do được hưởng lợi từ diễn biến đậu tương, tuy nhiên, việc khô đậu bật tăng mạnh trong ngày hôm qua là yếu tố đã khiến cho đà tăng của mặt hàng này bị hạn chế. Bên cạnh đó, tình hình nguồn cung dầu thực vật nới lỏng hơn cũng là nguyên nhân khiến phe mua dè chừng hơn đối với dầu đậu.

Nguyên liệu

Kết thúc phiên giao dịch 04/08, bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp tiếp tục có sự phân hóa. Lực bán áp đảo đối với 2 mặt hàng cà phê trước những lo ngại về nguồn cung, trái ngược với sự suy giảm từ đường và dầu cọ.

Lo ngại nguồn cung trong ngắn hạn tiếp tục thu hẹp đang là yếu tố chính thúc đẩy đà tăng của cà phê trong phiên hôm qua. Cụ thể, tồn kho đạt chuẩn Arabica trên sàn ICE US giảm mạnh 29,202 bao (60kg), xuống 665,933 bao, thấp nhất trong vòng gần 23 năm trở lại đây. Cùng với đó là sản lượng trong tháng 07 sụt giảm tại 2 quốc gia sản xuất và xuất khẩu Arabica hàng đầu thế giới, Colombia và Honduras, đã đẩy giá về mức 219.30 USD. Bên cạnh đấy, đồng Real phục hồi sau 2 phiên suy yếu trước đó đã kìm hãm lực bán từ nông dân Brazil và hỗ trợ giá.

Theo sau đà tăng của cà phê là sự khởi sắc nhẹ của bông, bất chấp giá dầu thô tiếp tục suy yếu hơn 2% và bán hàng bông tại Mỹ kết thúc tuần ngày 28/07 chỉ đạt 2,600 kiện, giảm 19% so với tuần kết thúc ngày 21/07 và 56% so với trung bình 4 tuần trước đó.

Hai mặt hàng đường trong phiên hôm qua có diễn biến trái chiều, trong khi đường 11 giảm 1.24%, đường trắng khởi sắc nhẹ 0.06%. Nguyên nhân lý giải cho sự suy yếu của đường 11 đến từ giá dầu thô thế giới giảm mạnh hơn 2%, kết hợp với giá xăng dầu tại Brazil trong tháng 07 giảm 14.01% so với tháng trước đã thúc đẩy các nhà máy ép mía tại Brazil ưu tiên lượng mía ép cho sản xuất đường, khiến nguồn cung nới lỏng.

Cùng xu hướng giảm với đường 11 là dầu cọ, đóng cửa giá dầu cọ giảm hơn 1%, do nguồn cung nới lỏng từ Malaysia. Cụ thể, dự trữ dầu cọ của Malaysia vào cuối tháng 07 đạt 1.79 triệu tấn, tăng 8.3% so với tháng 06 và sản lượng đạt 1.58 triệu tấn, mức cao nhất kể từ tháng 11 đến nay. Thêm vào đó, việc hạ giá tham chiếu đối với mặt hàng này tại Indonesia vẫn tiếp tục gây sức ép không nhỏ lên giá.

Kim loại

Kết thúc phiên giao dịch ngày 04/08, sắc xanh quay trở lại trên bảng giá các mặt hàng trong nhóm kim loại sau ngày đỏ lửa trước đó. Giá vàng tăng mạnh 1,48%, đóng cửa tại mức giá 1791.08 USD/ouce, mức cao nhất trong vòng 1 tháng qua. Bạc phục hồi 1,15% lên mức 20.12 USD/ounce sau 2 phiên lao dốc trước đó. Bạch kim dẫn đầu đà tăng trong nhóm kim loại quý, đóng cửa tại mức giá 3.48 USD/ounce sau mức tăng vọt 4.1%.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, đồng COMEX bất ngờ đảo chiều tăng lên vào cuối phiên. Kết thúc phiên, giá đóng cửa tại mức 3.48 USD/pound, sau khi tăng nhẹ 0.42%. Truyền thông Tân Hoa xã mới đây đã đưa tin về việc Chính phủ quốc gia này đang có kế hoạch đầu tư hơn 150 tỷ nhân dân tệ trong nửa cuối năm 2022 vào các đường dây tải điện siêu cao áp, kết nối với các dự án về năng lượng mặt trời, điện gió ở khu vực phía Tây Trung Quốc. Đây vốn là một ngành tiềm năng cho việc tiêu thụ một lượng lớn về đồng và do đó, giá được hỗ trợ trước thông tin này.

Trong khi đó, quặng sắt nối dài đà suy yếu sang phiên thứ 4 liên tiếp, trong bối cảnh lo ngại về khủng hoảng bất động sản làm xói mòn niềm tin tiêu dùng về nhà ở. Bên cạnh đó, mặc dù tỷ suất lợi nhuận của ngành thép phục hồi một phần, với sự quay trở lại hoạt động của 23 lò cao kể từ 21/7, tuy nhiên, vẫn còn hàng chục cở sở tiếp tục bảo trì trong bối cảnh nhu cầu trong nước yếu. Điều này đã gây áp lực lên giá quặng sắt trong các phiên gần đây.

 

Năng lượng

Sắc đỏ tiếp tục duy trì trên thị trường dầu thô trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ đang có xu hướng chậm lại ngày một rõ ràng. Kết thúc phiên 4/8, giá dầu WTI đánh mất mốc 90 USD với mức giảm 2.34%, về 88.54 USD/thùng. Giá dầu thô Brent cũng giảm 2.75% về 94.12 USD/thùng. Cả hai mặt hàng dầu thô đang ở trong vùng giá thấp nhất trong gần 6 tháng.

Bất chấp những dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế suy yếu đang bắt đầu ảnh hưởng đến nhu cầu toàn cầu cho dầu thô, công ty dầu lớn nhất thế giới, Saudi Aramco đã tiến hành tăng giá bán đối với dầu thô xuất khẩu sang châu Á lên mức cao kỷ lục, nhiều hơn 9.80 USD/thùng so với mức tiêu chuẩn ở khu vực Trung Đông. Việc Arab Saudi tăng giá bán dầu là một dấu hiệu cho thấy nguồn cung vẫn chưa theo kịp nhu cầu trên thị trường hàng thực.

Các nhà phân tích tại Goldman Sachs cho biết trong tuần này rằng nhu cầu vượt quá sản lượng khoảng 2 triệu thùng/ngày, bởi tiêu thụ ở nhiều quốc gia châu Á đang tiếp tục phục hồi sau các đợt phong tỏa do đại dịch. Mặc dù vậy, tin tức này chỉ có thể góp phần hạn chế sức bán cho thị trường dầu, chứ không thể hỗ trợ giá hồi phục, bởi những lo ngại suy thoái kinh tế vẫn đang đè nặng lên tâm lý thị trường.

Nguồn: Trung tâm tin tức Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam.

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN
Đội ngũ chuyên gia tư vấn đầu tư 24/7

Share bài viết

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on email