Giá ngô duy trì nhịp điều chỉnh phiên thứ 4 liên tiếp, giá lúa mì giảm nhẹ

Kết thúc phiên ngày 25/05, nhịp điều chỉnh tăng của thị trường ngô vẫn tiếp tục được mở rộng trong ngày giao dịch thứ 4 liên tiếp.

Nông sản

bang gia nong san

Kết thúc phiên ngày 25/05, nhịp điều chỉnh tăng của thị trường ngô vẫn tiếp tục được mở rộng trong ngày giao dịch thứ 4 liên tiếp. Bất chấp việc Trung Quốc huỷ mua hàng khiến khối lượng bán hàng trong tuần của Mỹ giảm về mức âm, một số yếu tố gây lo ngại về nguồn cung đã hỗ trợ giá tăng nhẹ trong phiên hôm qua.
 
Ở một diễn biến khác, thị trường lúa mì vẫn chỉ giằng co quanh vùng giá tâm lí 600. Như chúng tôi dự đoán, một số thông tin trái chiều xuất hiện phản ánh triển vọng nguồn cung toàn cầu là nguyên nhân chính khiến cho giá vẫn chưa bước vào biến động trong xu hướng rõ ràng.
 
Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/05, giá đậu tương hợp đồng kỳ hạn tháng 07 tiếp tục chi biến động nhẹ so với mức tham chiếu. Mặc dù đã suy yếu về hỗ trợ 1305 vào đầu phiên tối, tuy nhiên, lực mua tại đây đã khiến đà giảm của đậu tương bị thu hẹp. Những số liệu bán hàng không quá khả quan trong báo cáo Xuất khẩu hàng tuần (Export Sales) là nguyên nhân khiến đậu tương chịu áp lực bán trong phiên tối.
 
Giá dầu đậu tương và khô đậu tương tiếp tục diễn biến trái chiều trong hôm qua. Dầu đậu đã được hỗ trợ bởi đà tăng của dầu cọ. Sản lượng dầu cọ thô của Malaysia có thể giảm từ 1 đến 3 triệu tấn trong trong năm 2024 do mô hình thời tiết El Nino, Ủy ban Dầu cọ Malaysia (MPOB) cho biết. Tổng giám đốc MPOB Ahmad Parveez Ghulam Kadir nói với các phóng viên rằng, mức giảm 3 triệu tấn sẽ là trường hợp xấu nhất, với phần lớn tác động sẽ xảy ra ở các bang sản xuất lớn như là Sabah, Sarawak và đảo Borneo. Điều này có thể làm nguồn cung dầu thực vật sụt giảm, hỗ trợ giá dầu đậu. Đối với khô đậu tương, mặt hàng này đã tiếp tục suy yếu hơn 1%, ghi nhận mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.

Năng lượng

bang gia nang luong

Đà giảm mạnh của giá dầu trong phiên giao dịch ngày 25/05 đã xoá bỏ hoàn toàn mức tăng tích luỹ trong 3 phiên giao dịch trước đó. Cuộc đàm phán trần nợ công Mỹ vẫn chưa đi đến thoả thuận, tiếp tục ảnh hưởng tới tâm lý của các nhà đầu tư. Trong khi đó, khả năng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh OPEC+ sẽ giữ nguyên kế hoạch sản lượng trong cuộc họp tháng 6, trái với lo ngại cắt giảm thêm, đã đồng thời thúc đẩy lực bán trên thị trường.
Giá dầu WTI chốt phiên ở mức 71,83 USD/thùng sau khi giảm 3,38%, và dầu Brent giảm 2,62% xuống 76,18 USD/thùng.
 
Các nhà sản xuất hàng đầu của OPEC+ đã đưa ra một loạt thông điệp trái ngược nhau về các động thái chính sách sản xuất dầu, khiến việc dự đoán kết quả của cuộc họp ngày 4/6 của OPEC+ trở nên đặc biệt khó khăn.
 
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, nhà lãnh đạo thực tế của OPEC đã đưa ra cảnh báo vào đầu tuần đối với những người bán khống, gây lo ngại về việc cắt giảm thêm sản lượng và đã đẩy giá dầu tăng tới 2%.
 
Về yếu tố vĩ mô, cuộc đàm phán trần nợ công của Mỹ vẫn chưa đi đến thoả thuận thống nhất, tiếp tục là nhân tố gây áp lực tới nền kinh tế. Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings đã đưa ra cảnh báo về việc hạ cấp xếp hạng AAA của Mỹ khi nền kinh tế hàng đầu thế giới đang đối diện với rủi ro vỡ nợ.

Nguyên liệu

bang gia nguyen lieu

Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/05, sắc đỏ tiếp tục áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp.

Giá Arabica ghi nhận mức giảm gần 3% khi thị trường đón nhận thêm thông tin về triển vọng nguồn cung tích cực trong niên vụ 2023/24 tại Brazil.

Pine Agronegocios, một nhà mô giới đã đưa ra dự báo sản lượng Arabica trong niên vụ 2023/24 tại Brazil ở mức 34,87 triệu bao loại 60kg, tăng 800.000 bao so với con số được chính ông đưa ra trước đó, dữ liệu có được sau chuyến khảo sát mùa vụ cà phê lần thứ hai.

Trước đó, Cơ quan Cung ứng Mùa vụ Chính phủ Brazil (Conab) cũng tăng ước tính sản lượng Arabica trong năm 2023 tại Brazil từ 37,43 triệu bao trong báo cáo khảo sát mùa vụ lần thứ nhất lên 37,93 triệu bao trong báo cáo mới nhất, tương đương mức cao hơn 16% so với sản lượng năm 2022.

Giá đường 11 cũng ghi nhận mức giảm khá mạnh trong phiên hôm qua, đóng cửa, giá thấp hơn 2,59% so với mức tham chiếu. Sản lượng gia tăng tại Brazil giảm bớt đi lo ngại nguồn cung ở mức thấp tại các quốc gia sản xuất lớn khác.

Sản lượng đường trong nửa đầu tháng 05 tại Trung Nam, khu vực sản xuất đường lớn nhất tại Brazil đạt 2,53 triệu tấn, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2022, Tập đoàn Công nghiệp Mía đường (UNICA) cho biết. Trước đó, nguồn cung đường tại Brazil cũng được dự đoán sẽ có sự nới lỏng trong niên vụ 2023/24 khi sản lượng mía gia tăng. Thông tin về nguồn cung tại Brazil giúp thị trường an tâm hơn về sự cân bằng của cung – cầu đường trên toàn cầu.

Giá Robusta giảm gần 1% trong phiên hôm qua sau khi USDA dự báo triển vọng nguồn cung tích cực trong niên vụ 2023/24 tại Việt Nam.

Sản lượng cà phê trong niên vụ mới sẽ hồi phục từ mức 29,75 triệu bao về 31,3 triệu bao nhờ thời tiết thuận lợi hơn cho sự phát triển của cây trồng. Hơn nữa, tồn kho cũng sẽ có sự cải thiện, tăng từ 1,81 triệu bao ước tính cho niên vụ 2022/23 lên 2,76 triệu bao trong niên vụ tới.

Sự khởi sắc của chỉ số Dollar Index tiếp tục gây sức ép lên thị trường bông, kết phiên giá giảm gần 2% so với mức tham chiếu. Hơn nữa, xuất khẩu bông Mỹ ở mức thấp cũng góp phần tạo áp lực lên giá trong phiên hôm qua.

Chỉ số Dollar Index chứng kiến phiên tăng thứ tư liên tiếp trong tuần này, khiến giá bông Mỹ trở nên đắt đỏ hơn đối với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác, từ đó hạn chế lực mua.

Thêm vào đó, xuất khẩu bông Mỹ trơng tuần kết thúc ngày 18/05 chỉ ở mức 268.700 kiện, giảm 19% so với tuần trước đó và số lượng bán hàng cũng thấp hơn 35% so với trung bình 4 tuần liền trước. Số liệu trên phản ánh nhu cầu về bông hồi phục chưa như kỳ vọng.

Ở chiều ngược lại, giá dầu cọ tăng mạnh trở lại trong phiên hôm qua và đóng cửa với mức tăng lên tới 2,52%.

Một mặt, sự suy yếu của đồng Ringgit tiếp tục là yếu tố thúc đẩy lực mua mạnh mẽ đối với dầu cọ, khi chỉ số MYR/USD giảm tới 0,74% trong hôm qua. Bên cạnh đó, việc triển vọng nguồn cung từ Malaysia bị cắt giảm cũng có tác động “bullish” lên giá dầu cọ. Ủy ban dầu cọ Malaysia dự báo, sản lượng dầu cọ thô trong năm 2024 của nước này có thể giảm 1-3 triệu tấn so với năm trước, do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El Nino.

Kim loại

bang gia kim loai

Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/05, thị trường kim loại ghi nhận diễn biến phân hóa. Đối với nhóm kim loại quý, giá cả 3 mặt hàng đồng loạt suy yếu, với bạc dẫn đầu đà giảm khi để mất 1,42% xuống 22,91 USD/ounce. Giá vàng và bạch kim giảm 0,85% và 0,31%, lần lượt chốt pheien tại 1.940,34 USD/ounce và 1.026,3 USD/ounce.

Trong bối cảnh nhà đầu tư lạc quan về các cuộc đàm phán nâng trần nợ của Mỹ, vai trò trú ẩn an toàn của kim loại quý có phần bị thất thế. Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Joe Biden và nghị sĩ hàng đầu của Đảng Cộng hòa Kevin McCarthy hôm thứ Năm dường như sắp đạt được thỏa thuận cắt giảm chi tiêu và nâng trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD.

Bên cạnh đó, số liệu tích cực nền nền kinh tế Mỹ tiếp tục thúc đẩy đồng USD tăng phiên thứ tư liên tiếp. Chi phí nắm giữ bạc và bạch kim đắt đỏ hơn, khiến giá chịu sức ép.

Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần đã tăng 4.000 vào tuần trước lên 229.000 đơn, tuy nhiên thấp hơn ước tính 225.000 của giới phân tích. Hơn nữa, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sơ bộ sau hiệu chỉnh của Mỹ tăng 1,3% trong Quý I/2023, tăng nhẹ 0,2% so với ước tính trước đó của Chính phủ. Do vậy, sức khỏe nền kinh tế Mỹ có sự cải thiện đã củng cố đồng USD, với chỉ số Dollar Index tăng 0,35% lên 104,25 điểm.

Ngoài ra, mức lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng mạnh lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 3 cũng làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý không sinh lợi.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX đứt chuỗi giảm 3 phiên liên tiếp sau khi tăng 0,74% lên 3,58 USD/ounce. Bất chấp sự mạnh lên của đồng USD, thị trường đồng vẫn nhận được lực mua tích cực nhờ kỳ vọng tiêu thụ tăng. Trong hội thảo 121 Mining Investment diễn ra vào hôm qua, các nhà phân tích đều đang cho rằng thế giới có thể không có đủ sản lượng đồng, nhôm,… để đáp ứng nhu cầu điện khí hóa trong tương lai.

Kẽm là mặt hàng kim loại cơ bản duy nhất giảm giá trong phiên hôm qua. Kết phiên, giá kẽm LME giảm 1,77% xuống 2.272 USD/tấn, mức giá thấp nhất kể từ tháng 07/2020. Nhu cầu tiêu thụ yếu trong khi nguồn cung dư thừa và hàng tồn kho tăng mạnh đã khiến giá kẽm liên tục lao dốc. Theo dữ liệu từ Sở giao dịch Kim loại London (LME), mức tồn kho kẽm đã tăng thêm 18.050 tấn, nâng tổng mức tồn kho lên 63.450 tấn vào này 23/05, mức cao nhất trong vòng 8 tháng.

 

Share bài viết

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on email