Kỳ vọng nguồn cung thắt chặt hơn tại Nam Mỹ đã thúc đẩy giá ngô

Khép lại ngày giao dịch ngày 20/09, giá ngô kỳ hạn tháng 12 tiếp tục đà hồi phục với mức tăng mạnh trong phiên thứ hai liên tiếp

Nông sản

bang gia nong san 2109

Khép lại ngày giao dịch ngày 20/09, giá ngô kỳ hạn tháng 12 tiếp tục đà hồi phục với mức tăng mạnh trong phiên thứ hai liên tiếp. Mặc dù phe bán có phần chiếm ưu thế hơn trong đầu phiên, nhưng giá vẫn đóng cửa tăng 1,26%. Triển vọng nguồn cung tại Nam Mỹ thắt chặt hơn là yếu tố chính thúc đẩy lực mua đối với ngô trong phiên vừa rồi.
 
Trong khi đó, lúa mì hợp đồng kỳ hạn tháng 12 cũng kết phiên giao dịch với mức hồi phục nhẹ 0,81%. Lo ngại về hoạt động xuất khẩu tại Biển Đen còn tiềm ẩn nhiều rủi ro là động lực chính hỗ trợ giá lúa mì trong phiên hôm qua.
 
Sau 3 phiên suy yếu liên tiếp trước đó, giá đậu tương hợp đồng tháng 11 ghi nhận nhịp hồi phục nhẹ trong phiên hôm qua với mức tăng 0,34%. Đà hồi phục của giá chủ yếu đến từ lực mua kỹ thuật của thị trường, khi mà những thông tin cơ bản về nguồn cung từ Brazil vẫn đang gây áp lực lớn lên giá.
 
Hai mặt hàng thành phẩm của đậu tương diễn biến trái chiều nhau trong hôm qua. Giá khô đậu tương hợp đồng tháng 12 nối tiếp đà hồi phục từ phiên trước đó và khép lại phiên hôm qua với mức tăng lên tới 1,52%, chủ yếu nhờ sự khởi sắc của giá đậu tương. Ngược lại, dầu đậu tương là mặt hàng duy nhất đóng cửa trong sắc đỏ khi giảm tới 1,66%. Sự suy yếu của giá dầu cọ và giá dầu thô đã góp phần tác động “bearish” lên giá dầu đậu.

Năng lượng

bang gia nang luong 2109

Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/9, giá dầu tiếp tục nối dài đà giảm sang ngày thứ 2 sau khi cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy tín hiệu về một đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay. Điều đó làm gia tăng rủi ro cho nền kinh tế Mỹ, gây sức ép tới giá dầu. Thêm vào đó, tồn kho Mỹ giảm ít hơn dự kiến cũng đã thúc đẩy các hành động đóng vị thế và chốt lời từ các nhà đầu tư.
 
Giá dầu WTI giảm 0,91%, đánh mất mốc 90 USD/thùng và chốt phiên tại mức giá 89,66 USD/thùng. Dầu Brent giảm 0,86% xuống mức 93,53 USD/thùng.
 
Đồng USD đảo ngược đà giảm, tăng mạnh sau cuộc họp. Lợi suất trái phiếu Mỹ 10 năm tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2007, đạt mức 4,4%. Điều này đã làm tăng chi phí mua và đầu tư dầu thô, kéo giá giảm ngay sau cuộc họp.
 
Nhập khẩu dầu Mỹ giảm 1 triệu thùng/ngày trong tuần trước, khi nguồn cung trong nước duy trì mức cao 12,9 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, nhu cầu thế giới đối với dầu thô Mỹ tiếp tục tăng gần 2 triệu thùng/ngày, cho thấy tình trạng nguồn cung khan hiếm đã thúc đẩy hoạt động mua dầu từ Mỹ.
 
Ở một diễn biến khác, giá khí tự nhiên giảm hơn 4% do lượng khí đốt đến các nhà máy xuất khẩu khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) giảm. Nguyên nhân là do nhà máy xuất khẩu Cove Point ở Mayland tạm thời đóng cửa bảo trì. Thời tiết được dự báo cũng sẽ ôn hoà hơn trong 2 tuần tới, làm giảm nhu cầu tiêu thụ và gây sức ép tới giá.

Kim loại

bang gia kim loai 2109

Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/9, sắc xanh chiếm ưu thế hơn trên bảng giá thị trường kim loại. Đối với nhóm kim loại quý, bạc là mặt hàng duy nhất kết phiên trong sắc xanh khi phục hồi 1,62% lên mức 23,83 USD/ounce. Trong khi giá bạch kim giảm 0,64%, đóng cửa tại mức 942,3 USD/ounce, chấm dứt chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp. Giá vàng giảm 2 phiên liên tiếp khi giảm 0,07% xuống mức 1.929,68 USD/ounce.

Tâm điểm thị trường phiên hôm qua hướng về quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Trong phiên sáng, giá các mặt hàng trong nhóm kim loại quý tăng nhẹ do các nhà đầu tư kỳ vọng về một chính sách mềm mỏng hơn của Fed. Chỉ số Dollar Index suy yếu khiến cho sức hút của các mặt hàng có tính trú ẩn tăng lên. Tuy vậy, giá đã điều chỉnh giảm sau kết quả cuộc họp lãi suất của Fed.

Việc Fed giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 5,25 – 5,5% trong cuộc họp hôm qua không có gì bất ngờ, mà thay vào đó, tâm lý thị trường trở nên bi quan hơn khi Fed vẫn giữ vững quan điểm diều hâu. Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết Fed có thể sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào cuối năm nay, đưa mức đỉnh lãi suất lên 5,5 – 5,75% và Fed sẽ duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt cho đến năm 2024, do “lạm phát vẫn tăng cao”.

Lo ngại về đỉnh lãi suất tăng cao vào cuối năm đã thúc đẩy lợi suất trái phiếu tăng mạnh, làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý không sinh lợi. Hiện lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm vẫn đang duy trì ở mức cao nhất trong vòng 16 năm. Trong khi đó, việc Fed tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ sẽ giúp đồng USD mạnh lên và gián tiếp làm gia tăng áp lực bán đối với kim loại quý.

Tuy vậy, giá bạc vẫn kết phiên trong sắc xanh do một số lo ngại về nguồn cung. Sản lượng bạc trong tháng 7 của Mexico, quốc gia sản xuất bạc lớn nhất thế giới, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức 298.472 kg (tương đương khoảng 10,5 triệu ounce), dữ liệu từ Viện Thống kê và Địa lý Quốc gia Mexico cho biết vào ngày 20/9.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX phục hồi sau 3 phiên giảm liên tiếp, khi tăng 0,77% lên mức 3,77 USD/pound. Giá quặng sắt cũng phục hồi 1,38%, chốt phiên tại mức 121,84 USD/tấn.

Trong sáng ngày 20/9, các ngân hàng tại Trung Quốc đã quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản đối với cả kỳ hạn 1 năm và 5 năm, phù hợp với việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) giữ lãi suất cho vay trung hạn vào tuần trước.

Tuy nhiên các quan chức của PBOC cho biết họ có đủ không gian chính sách để hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế, làm tăng thêm kỳ vọng rằng có thể sẽ có nhiều biện pháp nới lỏng hơn, bao gồm cả việc cắt giảm lãi suất sau khi tạm dừng trong tháng này. Điều này đã giúp củng cố tâm lý các nhà đầu tư và giúp giá đồng, quặng sắt được hưởng lợi.

Hơn nữa, giá đồng nhận được hỗ trợ trước một số lo ngại về nguồn cung. Theo báo cáo của Nhóm Nghiên cứu Đồng Quốc tế, sản lượng đồng tinh chế thế giới trong tháng 7 đạt 2,3 triệu tấn, trong khi tiêu thụ đạt 2,32 triệu tấn, đồng nghĩa với việc thị trường đồng tinh chế toàn cầu thâm hụt 19.000 tấn trong tháng 7.

Tuy vậy, đà tăng của giá đã thu hẹp vào cuối phiên sau khi Fed đưa ra lập trường chính sách tiền tệ cứng rắn.

Nguyên liệu công nghiệp

bang gia nguyen lieu 2109

Kết thúc phiên giao dịch 20/9, bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp ngập tràn trong sắc đỏ. Đáng chú ý, giá Arabica đảo chiều giảm sâu sau khi chạm mức cao nhất trong hơn 1 tháng và giá đường 11 cũng không giữ được đà tăng khi đạt mức đỉnh trong 12 năm.

Cụ thể, giá Arabica đảo chiều giảm 1,71% sau 4 phiên tăng liên tiếp, giá Robusta có phiên giảm thứ 2 trong tuần với mức chênh lệch 1,26 % so với tham chiếu. Nguồn cung cà phê duy trì tốt tại Brazil, kết hợp cùng dữ liệu tồn kho tích cực đã gây sức ép lên giá.

Sản lượng cà phê trong năm 2023 của Brazil ước tính đạt 54,36 triệu bao tăng 6,8% so với mức 50,92 triệu bao trong năm 2022, theo Cơ quan Cung ứng Mùa vụ thuộc chính phủ Brazil (CONAB). Trong đó, Arabica tăng lên 38,16 triệu bao, cao hơn 1% so với dự báo trước và tăng 16,6% so với sản lượng trong năm 2022.

Hơn nữa, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US kết phiên 19/9 giữ nguyên tại mức 448.113 bao và dự kiến tăng thêm khoảng 10.000 – 15.000 bao trong tháng, nếu không tiêu thụ thêm tồn kho, chuyên gia phân tích cà phê Ryan Delany cho biết.

Trong khi đó, tồn kho Robusta trên Sở ICE-EU tăng từ mức 40.070 tấn lên 41.720 tấn trong báo cáo kết phiên ngày 19/9.

Giá đường 11 cũng đảo chiều giảm sâu 2,37 % sau khi chạm mức cao nhất trong 12 năm. Lực bán chốt lời kết hợp cùng sự suy yếu của giá dầu thô đã phần nào gây áp lực lên giá.

Giá dầu thô giảm 2 phiên liên tiếp từ đầu tuần, phần nào khiến các nhà máy ép mía tại các quốc gia sản xuất mía đường hàng đầu hạn chế việc ưu tiên tỷ lệ mía ép cho chiết xuất ethanol. Điều này tạo động lực khiến nguồn cung đường bớt tiêu cực hơn. Cùng với đó, sản lượng đường tại Brazil đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao, bù đắp những thiếu hụt tại Ấn Độ và Thái Lan.

Tương tự, việc giá dầu thô không duy trì được mức giá cao nhất 10 tháng cũng góp phần khiến giá bông quay đầu giảm 0,75% sau 2 phiên tăng liên tiếp trước đó.

Theo lý thuyết về giá hàng hóa thay thế, việc giá dầu thô giảm gần 1% trong phiên hôm qua, khiến giá Polyester, chất thay thế chính của bông tự nhiên trở nên bớt đắt đỏ hơn, từ đó kéo giá bông suy yếu theo.

Giá dầu cọ ghi nhận mức giảm gần 1% trong phiên hôm qua, dù cho tình hình xuất khẩu có sự cải thiện.

Công ty giám định độc lập Amspec Agri cho biết, xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của Malaysia trong 20 ngày đầu tháng 09 đạt 821.408 tấn, tăng 1,8% so với mức 806.655 tấn cùng kỳ tháng trước. Trong khi đó, theo công ty khảo sát hàng hóa Intertek Testing Services (ITS), Malaysia đã xuất khẩu 847.890 tấn sản phẩm dầu cọ trong giai đoạn này, tăng 2,4% so với mức 827.975 tấn cùng kỳ tháng trước.

Share bài viết

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on email