Lúa mì tăng vọt gần 4%, chấm dứt chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp

Quay trở lại sau kỳ nghỉ lễ tại Mỹ, hầu hết các mặt hàng nông sản đóng cửa phiên hôm qua với mức biến động không đáng kể, chỉ chưa đến 1%. Đáng chú ý nhất tiếp tục là lúa mì, giá mặt hàng này tăng vọt gần 4%, đánh dấu chấm dứt chuỗi 4 phiên liên tiếp giảm giá trước đó.

Nông sản

Quay trở lại sau kỳ nghỉ lễ tại Mỹ, hầu hết các mặt hàng nông sản đóng cửa phiên hôm qua với mức biến động không đáng kể, chỉ chưa đến 1%. Đáng chú ý nhất tiếp tục là lúa mì, giá mặt hàng này tăng vọt gần 4%, đánh dấu chấm dứt chuỗi 4 phiên liên tiếp giảm giá trước đó.

Bên cạnh việc đồng dollar suy yếu, rủi ro địa chính trị cùng lo ngại về nguồn cung từ biển Đen là yếu tố đã hỗ trợ cho giá lúa mì. Theo các thương nhân, thị trường đang kỳ vọng về các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Nga, nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, sau cái chết của thủ lĩnh phe đối lập Alexei Navalny và cuộc chiến kéo dài hai năm ở Ukraine.

Ngoài ra, tình hình biển Đỏ cũng đang nóng hơn khi tàu chở hàng Sea Champion mang cờ Hy Lạp chở ngũ cốc từ Argentina được báo cáo đã bị tấn công ở Biển Đỏ. Dù vậy, nhiều khả năng đây là một vụ tấn công bằng tên lửa nhầm của lực lượng dân quân Houthi.

Đối với ngô, phe mua chiếm ưu thế và giúp giá tăng nhẹ 0,5%. Báo cáo Export Inspections tối qua cho thấy, Mỹ đã giao 918.610 tấn ngô trong tuần 9 – 15/2, tăng so với mức 892.335 tấn của tuần trước đó và vượt xa mức cùng kỳ năm ngoái. Khối lượng giao hàng duy trì ở mức cao cho thấy nhu cầu đối với ngô Mỹ vẫn đang tương đối tích cực và hỗ trợ đến giá.

Còn tại Nam Mỹ, thị trường cũng đón nhận tin tức tương đối kém khả quan, góp phần tác động ‘bullish” tới giá. Cụ thể, chất lượng ngô của Argentina vẫn ghi nhận sự sụt giảm do thời tiết khô nóng trước đó, đặc biệt là những vùng  gieo trồng muộn và một số khu vực phía Nam đã chịu ảnh hưởng bởi khô nóng cục bộ.

Thị trường đậu tương nối dài đà hồi phục và đóng cửa với mức tăng nhẹ. Viện Khí tượng Quốc gia (Inmet) mới đây đã đưa ra cảnh báo, mưa lớn sẽ tiếp tục xuất hiện trong ngày 21/2 tại các khu vực Trung Bắc Brazil. Các bang sản xuất trọng điểm như Mato Grosso, Minas Gerais, Goiás và một số vùng Đông Bắc sẽ đón nhận những cơn mưa rào, đi kèm nguy cơ cây đổ và lũ lụt. Điều này đặt ra một số lo ngại đối với vụ đậu tương tại quốc gia Nam Mỹ này, khi mà mưa lớn trên diện rộng có thể cản trở hoạt động thu hoạch của nông dân và gây ra thiệt hại về cây trồng. Đây là yếu tố đã tác động “bullish” ngắn hạn đến giá đậu tương CBOT trong phiên vừa rồi.

Năng lượng

Kết thúc ngày giao dịch 20/2, giá dầu suy yếu từ mức cao nhất trong ba tuần do lo ngại về nhu cầu toàn cầu bù đắp cho rủi ro địa chính trị tại Trung Đông. Chốt phiên, giá dầu WTI giảm 1,81% xuống 77,04 USD/thùng. Dầu Brent giảm 1,46% xuống 82,34 USD/thùng.

Kịch bản Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn có thể gây áp lực lên tăng trưởng nhu cầu. Trường hợp hạ lãi suất vào tháng 3 gần như chắc chắn không thể xảy ra, trong khi các nhà đầu tư cũng đang ngày càng giảm đặt cược vào khả năng hạ lãi suất tại cuộc họp tháng 5. Theo khảo sát mới nhất của Reuters, có 53 trong số 104 nhà kinh tế cho rằng FED bắt đầu hạ từ tháng 6 và chỉ có 33 người cho rằng FED sẽ hạ lãi suất ngay từ tháng 5.

Bên cạnh đó, nhu cầu dầu thô cho hoạt động lọc dầu tại các nhà máy của Mỹ vẫn còn hạn chế do bảo trì theo mùa và sự cố ngừng hoạt động ngoài kế hoạch. Khảo sát sơ bộ của Reuters cho thấy tồn kho dầu thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 16/2 dự kiến tiếp tục tăng 4,3 triệu thùng, sau mức tăng mạnh 12 triệu thùng của tuần trước đó.

Ngoài ra, giá cũng chịu sức ép dưới áp lực từ phía nguồn cung khi Angola có kế hoạch xuất khẩu 35 lô dầu thô vào tháng 4, cao hơn 1 lô hàng so với mức dự tính trong tháng 3. Trong khi đó, mặc dù đang gặp khó khăn tại thị trường châu Á với việc các chuyến hàng dầu thô Sokol chưa thể cập bến Ấn Độ, Nga đang tiếp tục tìm ra cho mình các thị trường mới. Cụ thể, khoảng 1,8 triệu thùng dầu thô của Nga sẽ đến Venezuela trên tàu VLCC Ligera, trong khi một lô hàng khác đang hướng tới Ghana.

Nguyên liệu công nghiệp

Khép lại phiên giao dịch 20/2, giá hai mặt hàng cà phê đồng loạt quay đầu suy yếu. Trong đó, giá Arabica đánh mất 0,24% và giá Robusta giảm 1%, sau ba phiên tăng liên tiếp trước đó.  Số liệu xuất khẩu tích cực từ quốc gia cung ứng cà phê lớn nhất thế giới, cùng với sự hồi phục của dữ liệu tồn kho là những yếu tố quan trọng gây sức ép lên giá cà phê.

Ban thư ký Ngoại thương (Secex) cho biết, trong ba tuần đầu tháng 2/2024, lượng cà phê xuất khẩu của Brazil đạt 127,6 nghìn tấn, cao hơn mức 122,4 nghìn tấn trong tháng 2/2023. Điều này đã giúp xoa dịu phần nào lo ngại nguồn cung có thể bị gián đoạn bởi sự chậm trễ trong quá trình giao hàng tại cảng Santos trước đó.

Cùng với đó, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US tiếp đà hồi phục khi tăng 4.800 bao trong phiên 16/2, nâng tổng lượng cà phê đã qua chứng nhận tại Sở lên 307.262 bao. Với 65.717 bao cà phê đang chờ chứng nhận, càng củng cố kỳ vọng tồn kho trên sở ICE có thêm dư lượng để mở rộng trong thời gian tới.

Dẫn đầu đà giảm trong phiên hôm qua là giá bông, với mức suy yếu 2,89% khi phản ứng với số liệu xuất khẩu bông lớn từ Brazil. Dữ liệu từ Secex, trong ba tuần đầu tháng 2/2024, quốc gia Nam Mỹ đã xuất đi 146,3 nghìn tấn, tăng đột biến so với mức 43,16 nghìn tấn vào cùng kỳ năm trước. Các kiện hàng xuất khẩu từ Brazil được đẩy mạnh ra thị trường đã gây thêm sức ép cạnh tranh cho bông Mỹ và kéo giá đi xuống.

Giá đường 11 ghi nhận mức giảm 1,68% trong bối cảnh mùa vụ của Brazil đón nhận những tín hiệu tích cực. Tập đoàn công nghiệp Unica ước tính sản lượng đường tại khu vực Trung Nam, vùng sản xuất đường trọng điểm của Brazil trong nửa cuối tháng 1/2024 đạt 28.000 tấn, tăng 68,5% so với cùng kỳ năm trước. Điều này đã kéo sản lượng đường niên vụ 23/24 tính đến hết tháng 1 tăng 25,5% so với cùng kỳ, lên mức 42,13 triệu tấn.

Ở chiều ngược lại, giá dầu cọ thô quay đầu hồi phục 0,34% khi tiếp tục hấp thụ những tín hiệu kém khả quan về nguồn cung tại Malaysia. Hiệp hội các nhà sản xuất dầu cọ bán đảo phía Nam của Malaysia dự kiến, sản lượng dầu cọ trong tháng 2 của Malaysia dự kiến giảm 17,2% so với tháng trước. Trước đó, theo dữ liệu từ Ủy ban Dầu cọ Malaysia (MPOB), dự trữ dầu cọ của quốc gia này tính đến cuối tháng 1 đang chạm ngưỡng thấp nhất trong 6 tháng.

Kim loại

Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/2, bảng giá kim loại ghi nhận sự phân hoá nhất định. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc giảm 1,44% xuống 23,13 USD/ounce, trong khi đó, bạch kim lấy lại đà tăng giá nhẹ 0,11% lên 922,3 USD/ouce. Kỳ vọng về lãi suất tại các nền kinh tế Mỹ và Châu Âu sẽ chưa sớm cắt giảm vẫn là áp lực chính đối với hai mặt hàng này.

Dữ liệu lạm phát nóng hơn dự kiến ​​của Mỹ vào tuần trước đã đẩy lùi kỳ vọng về sự khởi đầu chu kỳ nới lỏng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Theo đa số các nhà kinh tế được thăm dò bởi Reuters, việc cắt giảm lãi suất hiện được dự kiến ​​diễn ra vào tháng 6, đồng thời, họ cũng cảnh báo nguy cơ trì hoãn thêm lần cắt giảm lãi suất đầu tiên.

Cụ thể, 86 trong số 104 nhà kinh tế tham gia khảo sát cho rằng FED sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất từ quý II, trong đó 53 người cho rằng đợt cắt giảm diễn ra từ tháng 6 và 33 người cho rằng FED sẽ hạ lãi suất ngay từ tháng 5. Không ai dự đoán về đợt cắt giảm vào tháng 3, so với 16 người trong cuộc thăm dò trước đó. Lãi suất cao sẽ thu hút dòng tiền nắm giữ các tài sản như đồng USD, và làm giảm tính cạnh tranh của nhóm kim loại quý không chịu lãi suất. Bên cạnh vàng, bạc là mặt hàng chịu sức ép nhiều nhất. Do đó, đà giảm giá xuất hiện rõ rệt trong phiên ngày hôm qua.

Đối với bạch kim ít chịu ảnh hưởng bởi áp lực lãi suất hơn so với bạc, có xu hướng tăng giá nhẹ. Nguyên nhân một phần là do nhà sản xuất bạch kim lớn nhất thế giới Anglo American Platinum có kế hoạch cắt giảm hàng nghìn việc làm tại các mỏ Nam Phi sau khi lợi nhuận giảm 71% vào năm ngoái. Điều này sẽ hạn chế sự tăng trưởng nguồn cung khai thác.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá cả cũng ghi nhận sự phân hoá tương tự. Giá đồng COMEX tăng phiên thứ ba liên tiếp, với mức tăng 0,69% lên 3,87 USD/ounce sau khi các ngân hàng Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất tham chiếu quan trọng ở mức kỷ lục đối với các khoản thế chấp, một dấu hiệu cho thấy quốc gia này đang tăng cường hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản.

Cụ thể, lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn 5 năm (áp dụng đối với các khoản vay đầu tư dài hạn như vay mua nhà, các khoản thế chấp) đã giảm 25 điểm cơ bản xuống 3,95%. Đây là lần cắt giảm đầu tiên kể từ tháng 6/2023 và là mức giảm lớn nhất kể từ khi việc cải cách lãi suất được triển khai vào năm 2019. Được coi là thước đo sức khoẻ của nền kinh tế, giá đồng COMEX đã được hỗ trợ đáng kể.

Trái lại, giá quặng sắt lại ghi nhận đà giảm mạnh hơn 5% xuống 120,83 USD/tấn, mức thấp nhất trong hơn 3 tháng qua. Các nhà phân tích tại ngân hàng Commonwealth Bank of Australia cho biết thách thức từ lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, chiếm 30 – 35% nhu cầu thép của quốc gia này sẽ tiếp tục tồn tại, dù tốc độ sẽ vừa phải hơn so với năm ngoái. Ngoài ra, theo đánh giá của các thương nhân, đà phục hồi nhu cầu quặng sắt cũng chậm lại sau kỳ nghỉ Lễ, kéo theo đà giảm mạnh của giá.

Share bài viết

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on email