Lúa mỳ và ngô có thể điều chỉnh để lấy đà trước báo cáo Cung cầu tháng 5

TIN TỨC CHUNG

ĐẬU TƯƠNG

Giá đậu tương kỳ hạn tháng 7 chốt tuần tăng 3.62% lên mức 1589.75 cent/giạ. Giá hiện đang có chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp và tiến sat vùng giá 1600 – cao nhất từ tháng 7/2013 tới nay. Không bất ngờ với xu hướng tăng này, khi mà thời tiết tại nước sản xuất đậu tương lớn thứ 2 thế giới là Mỹ đang gặp phải tình trạng hạn hán cực kỳ nghiêm trọng. Bản đồ hạn hán tuần trước có chút cải thiện, nhưng nhìn chung thời tiết mùa vụ năm nay bị đánh giá rất xấu. Thời tiết không có mưa nhiều sẽ mang đến hai hậu quả rõ ràng: nông dân sẽ không muốn gieo trồng nhiều đậu tương trong điều kiện thời tiết không tốt và chất lượng mùa vụ tại những vùng đã gieo trồng sẽ thấp hơn các năm trước, ảnh hưởng tới năng suất thu hoạch sau này.

Đậu tương sẽ đứng trước báo cáo rất nhạy cảm của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) trong tuần này. Khác với các báo cáo thông thường, báo cáo Cung cầu nông sản thế giới (WASDE) tháng 5 thường sẽ là lúc USDA cung cấp số liệu dự báo đầu tiên về năng suất, sản lượng và tồn kho đậu tương Mỹ niên vụ mới. Dự đoán tồn kho đậu tương 2021/22 sẽ ở mức 138 triệu giạ, trong khi tồn kho 2020/21 sẽ tiếp tục giảm từ 120 về 117 triệu giạ. Các con số tồn kho thấp này rõ ràng sẽ càng thúc đẩy giá đậu tương tăng thêm và sẽ không có gì bất ngờ nếu giá đậu tương tiếp tục tăng vượt 1600 và tiến tới kháng cự 1630 trước báo cáo.

Về mặt kỹ thuật, kháng cự 1600 đang rất mạnh và chặn được đà tăng của giá, nhưng các tín hiệu kĩ thuật đang thiên về xu hướng tăng và giá vẫn có xác suất tăng cao hơn. MACD hướng lên và ở cao trên mức 0, không có phân kỳ đảo chiều. RSI dù ở trên mức quá mua nhưng vẫn là xu hướng đi lên. Nếu có 1 phiên đóng cửa trên 1600, giá sẽ chính thức phá vỡ kháng cự cứng này và sau đó sẽ đi lên ít nhất 30 cents nữa.

Phân tính biểu đồ giá

BIẾN ĐỘNG GIÁ ĐẬU TƯƠNG


DẦU ĐẬU TƯƠNG VÀ KHÔ ĐẬU TƯƠNG

Giá khô đậu tương kỳ hạn tháng 7 đóng cửa tuần tăng mạnh 3.68% lên mức 441.8 USD/tấn Mỹ còn dầu đậu tương kỳ hạn tháng 7 tăng 3.35% lên mức 64.48 cent/pound.

Tuy nhiên, giá dầu đậu tương đang giảm mạnh trong sáng nay khi tình hình dịch bệnh ngày càng trầm trọng tại Ấn Độ, quốc gia tiêu thụ dầu thực vật số 1 thế giới. Số ca tử vong lập kỷ lục ở mức trên 4,000 ca và số ca nhiễm mới liên tục trên 400,000 ca mỗi ngày khiến cho nhu cầu của nước này sẽ sụt giảm.

Về mặt kỹ thuật, trên đồ thị Daily của hợp đồng dầu đậu tương tháng 7, đường MACD đi ngang ở cao trên mức 0 và khoảng cách với đường Signal đang thu hẹp dần cho thấy nhiều khả năng giá sẽ điều chỉnh trong tuần này. Dầu đậu tương đóng cửa tuần trước bằng cây nến Gravestone Doji ở đỉnh một xu hướng tăng mạnh cũng hỗ trợ cho nhận định trên. Dự đoán, giá có thể hướng về vùng 62.37 trong đầu tuần này, tương đương với đường Tenkan của chỉ báo Ichimoku.

Mức giảm mạnh của dầu đậu tương sẽ giảm bớt áp lực lên giá khô đậu. Đồ thị khô đâu tương tháng 7 khung D1 cũng không cho thấy tín hiệu bán nhiều, ngoài kháng cự mạnh ở vùng giá 440. Nhiều khả năng giá vẫn sẽ dao động chủ yếu ở vùng giá 435 – 440 trong đầu tuần này.



Phân tích biểu đồ giá


BIẾN ĐỘNG GIÁ DẦU ĐẬU TƯƠNG


BIẾN ĐỘNG GIÁ KHÔ ĐẬU TƯƠNG



LÚA MỲ

Giá lúa mỳ kỳ hạn tháng 7 đóng cửa tuần trước tăng 3.67% lên mức 761.75 cent/giạ, chủ yếu nhờ lực kéo từ đà tăng của giá ngô. Tuy nhiên mặt hàng này đang giảm mạnh trở lại trong sáng nay khi các thông tin cơ bản hỗ trợ không còn quá mạnh, và tác động ngược lại đến xu hướng của giá ngô.

Dự đoán ban đầu cho thấy tồn kho lúa mỳ Mỹ 2021/22 chỉ ở mức 730 triệu giạ, thấp hơn 846 năm ngoái và có thể khiến lực mua tăng trở lại sau báo cáo. Tuy nhiên cũng giống với giá ngô, nhiều khả năng giá lúa mỳ sẽ điều chỉnh để lấy đà trong đầu tuần này.

Về mặt kỹ thuật, MACD hướng xuống ở cao trên mức 0 và khoảng cách thu hẹp dần với đường Signal, kết hợp với RSI giảm trở lại khi tiến sâu vào vùng quá mua có thể khiến lực bán áp đảo trong phiên hôm nay. Giá có thể test lại hỗ trợ 740, trùng với đường Tenkan của chỉ báo Ichimoku trong 1, 2 phiên tới và nếu không có thêm thông tin cơ bản tác động “bearish” thì nhiều khả năng giá sẽ khó giảm về dưới mốc này.

Phân tích biểu đồ giá

BIẾN ĐỘNG GIÁ LÚA MỲ



NGÔ

Giá ngô kỳ hạn tháng 7 chốt tuần tăng rất mạnh 8.76% và giá đã tăng liên tiếp trong 6 tuần gần đây. Thời tiết khô hạn kéo dài trong suốt thời gian gần đây tại Midwest và các khu vực gieo trồng ngô vụ 2 của Brazil. Đồng thời, sự trượt giá của đồng Peso đã khiến nông dân Argentina hạn chế bán hàng và Trung Quốc đã mua thêm 1.36 triệu tấn ngô niên vụ 21/22 của Mỹ trong tuần trước, bất chấp một số đợt bùng phát mới của dịch tả lợn châu Phi trong thời gian gần đây, là các yếu tố giúp lý giải cho đà tăng của giá. 

Giá ngô đang giảm trở lại trong phiên sáng nay do ảnh hưởng từ mức giảm của giá lúa mỳ. Mức giảm tăng dần đối với các hợp đồng tháng xa cho thấy áp lực thiếu hụt nguồn cung rõ rệt trong ngắn hạn. Dự đoán trước báo cáo WASDE của thị trường cho thấy, tồn kho ngô Mỹ và thế giới niên vụ 20/21 có khả năng sẽ tiếp tục giảm so với báo cáo tháng 4, và có thể giúp giá ngô tiếp tục hướng tới vùng giá 750 sau báo cáo. Tuy nhiên, giá có thể điều chỉnh trước báo cáo để lấy đà cho cú bứt phá lần này, với mục tiêu ngắn hạn là mức hỗ trợ 720. Về mặt kỹ thuật, các chỉ báo đều chưa cho thấy tín hiệu giá có thể giảm mạnh trong ngắn hạn. Vì thế, xác suất để giá điều chỉnh về vùng 700 là không cao.  



Phân tích biểu đồ giá



BIẾN ĐỘNG GIÁ NGÔ

Nguồn: Trung tâm tin tức Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam.

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN
Đội ngũ chuyên gia tư vấn đầu tư 24/7

Share bài viết

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on email