Tổng hợp diễn biến thị trường kết thúc phiên giao dịch ngày 12/10/2021

Nông sản

Giá đậu tương giảm mạnh và lần đầu tiên đánh mất mức hỗ trợ 1200 kể từ đầu tháng 04 đến nay. Năng suất đậu tương được điều chỉnh tăng nhẹ lên mức 51.5 giạ/mẫu. Tồn kho cuối vụ 2021/22 đạt mức 320 triệu giạ, tăng mạnh so với mức tồn kho 185 triệu giạ trong báo cáo tháng 9.

Giá dầu đậu tương suy yếu khi giá dầu cọ giảm mạnh 2 phiên liên tiếp và đà tăng của dầu thô có phần chững lại. Đối với khô đậu, mặc dù chịu áp lực lớn từ mức giảm của giá đậu tương, tuy nhiên được hỗ trợ từ diễn biến trái chiều với dầu đậu nên vẫn giữ được mốc hỗ trợ 310 USD.

Giá ngô quay đầu giảm mạnh gần 2%, xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tuần. USDA đã điều chỉnh dự báo năng suất mùa vụ ngô lên mức 176.5 giạ/mẫu, cao hơn 0.2 so với báo cáo tháng 09 và trái chiều với dự đoán giảm về mức 176 giạ/mẫu của thị trường, khiến cho lực bán liên tục áp đảo.

Lúa mì trải qua phiên rung lắc mạnh và đóng cửa với mức tăng nhẹ khi số liệu nguồn cung ở Mỹ giảm xuống tương đương với dự đoán của thị trường. Trong khi đó, tồn kho lúa mì thế giới, đặc biệt là ở Canada cũng bị cắt giảm mạnh do hạn hán ảnh hưởng lên chất lượng mùa vụ.


Công nghiệp

Giá Arabica tăng mạnh hơn 4% lên 213 cents/pound, giá Robusta tuy giảm từ đầu phiên nhưng được hưởng lợi từ đà tăng của giá Arabica nên đóng cửa cao hơn 2%, ở mức 2144 USD/tấn.

Những lo ngại về nguồn cung liên tục hỗ trợ cho giá cả hai mặt hàng cà phê đi lên. Nếu như nỗi lo về nguồn cung Robusta đang dịu đi, thì nỗi lo về nguồn cung Arabica ở Brazil và Colombia ngày càng trầm trọng hơn. Việc nông dân trồng cà phê ở Colombia đã “vỡ nợ” hơn 1 triệu bao cà phê nhằm đẩy giá cà phê lên cao hơn, khiến cho những nhà kinh doanh và xuất khẩu chịu ảnh hưởng nặng nề. Bên cạnh đó, các quỹ đầu cơ lớn cũng nhân cơ hội này mà đẩy giá tăng vọt lên mức đóng cửa cao nhất trong vòng 2.5 tháng.

Trái lại, giá các mặt hàng khác như bông, đường và ca cao đều giảm trong phiên hôm qua. Giá bông giảm 3.11% còn 106.38 cents/pound. Đây là điều không quá bất ngờ, bởi thị trường bông đã bị đầu cơ quá mạnh trong hai tuần trước, nên giá không tránh khỏi áp lực chốt lời và liên tiếp giảm trong 3 phiên gần nhất.

Giá cacao giảm nhẹ 0.3% về 2675 USD/tấn dưới tác động của những tin tức tích cực ở Bờ Biển Ngà và Ghana. Lượng cacao xay của Bờ Biển Ngà, vốn được coi như thước đo nhu cầu tiêu thụ đã tăng 11.1% trong tháng 9, còn lượng cacao cập cảng tại Ghana tăng hơn 30% trong 2 tuần cuối tháng 9, đã làm dịu đi đáng kể những lo ngại về nguồn cung.


Năng lượng

Giá WTI tăng 0.15% lên 80.64 USD/thùng trong khi Brent giảm 0.27% xuống 83.42 USD/thùng.

Trong phiên, giá cả 2 mặt hàng liên tục giằng co quanh mức tham chiếu, giữa áp lực chốt lời trước giờ phát hành báo cáo thị trường tháng 10 của OPEC và EIA. Tuy nhiên, thông tin công ty dầu khí Gazprom của Nga đã bắt đầu sử dụng kho dự trữ khí tự nhiên để bình ổn thị trường châu Âu khiến cho giá Brent gặp nhiều áp lực hơn về cuối phiên. Giá khí tự nhiên đã là tác nhân chính thúc đẩy đà tăng của thị trường dầu, do đó khi nguồn cung thị trường này cải thiện, giá dầu sẽ gặp áp lực.

Giá các mặt hàng năng lượng đồng loạt tăng từ đầu năm là một trong những nguyên nhân chính khiến cho Quỹ tiền tệ quốc tế IMF hạ dự báo tăng trưởng thế giới từ 6% xuống 5.9% trong báo cáo World Economic Outlook tháng 10 phát hành tối hôm qua. Lạm phát năng lượng đang trở thành một mối đe doạ cho tiến độ phục hồi của nền kinh tế, bên cạnh các mối nguy khác như biến thể Delta của dịch COVID-19 và sự gián đoạn của giới cung ứng. Vấn đề này xảy ra nghiêm trọng hơn đối với các quốc gia đang phát triển, và có thể gây tổn hại cho nhu cầu nhiên liệu nếu giá tiếp tục tăng.


Kim loại

Giá bạc giảm 0.7% còn 22.5 USD/ounce, trái lại, giá bạch kim hồi phục 0.5% lên 1011.7 USD/ounce. Chỉ số Dollar Index tăng trở lại mức 94.5 điểm. Dù vậy, mức tăng của giá bạch kim hôm qua không quá đáng kể, giá vẫn đang trong giai đoạn giằng co xung quanh mức 1000 USD/ounce. Dòng tiền cũng thoát ra khỏi thị trường chứng khoán cũng đang đề cao tính thanh khoản cao của đồng USD mà không đổ về các thị trường trú ẩn an toàn.

Ở thị trường kim loại cơ bản, giá đồng giảm gần 1% còn 4.32 USD/pound do áp lực chốt lời sau chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp. Dù nỗi lo về nguồn cung vẫn chưa dịu đi, nhưng một bộ phận không nhỏ các nhà đầu tư và các ngân hàng lớn vẫn cho rằng nhu cầu tiêu thụ đồng khó có thể hồi phục trong ngắn hạn dưới tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc.

Giá quặng sắt giảm mạnh gần 6% về 127.7 USD/tấn. Thị trường quặng sắt sôi nổi trở lại sau kỳ nghỉ lễ Quốc Khánh của Trung Quốc, tuy nhiên đây là giai đoạn vô cùng biến động, khi giá mỗi phiên đều tăng giảm không dưới 3%. Giá đã tăng gần 50% kể từ mức đáy 98 USD/ounce, nên cũng không tránh khỏi áp lực chốt lời từ phía các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, những biện pháp hạn chế sản lượng của chính phủ Trung Quốc vẫn là yếu tố cản trở đà tăng của giá quặng sắt.


Nguồn: Trung tâm tin tức Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam.

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN
Đội ngũ chuyên gia tư vấn đầu tư 24/7

Share bài viết

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on email