Tổng hợp diễn biến thị trường kết thúc phiên giao dịch ngày 19/05/2022

Nông sản

Lúa mì chịu sự áp đảo của lực bán mặc dù năng suất tại Kansas giảm mạnh, IGC cắt giảm dự báo sản lượng lúa mì thế giới niên vụ 22/23 và hạn hán kéo dài làm gia tăng lo ngại đối với mùa tại Pháp. Tuy nhiên, khối lượng bán hàng lúa mì Mỹ tiếp tục giảm mạnh về mức thấp nhất niên vụ cho thấy lúa mì Mỹ kém cạnh tranh.

Giá ngô không thay đổi đáng kể so với mức tham chiếu mặc dù lực bán áp đảo trong phiên sáng, tuy nhiên số liệu bán hàng tích cực trong báo cáo Export Sales cùng lo ngại về năng suất ngô vụ 2 tại Brazil đã khiến giá bật tăng trở lại trong đầu phiên tối và xóa đi hoàn toàn đà giảm trước đó. Tuy nhiên sau đó, lực bán kỹ thuật tại vùng 790 cùng tâm lý chốt lời đã khiến ngô giảm trở lại vùng giá mở cửa.

Giá đậu tương bật tăng trở lại khi thị trường kỳ vọng Trung Quốc sẽ sớm mở cửa và nhu cầu nhập khẩu sẽ phục hồi trở lại khi số liệu bán hàng tích cực, tăng mạnh so với tuần trước và vượt dự đoán của thị trường.

Khô đậu tăng mạnh phiên thứ 2 liên tiếp lên vùng kháng cự quan trọng 430. Nhu cầu nhập khẩu được đẩy mạnh gần đây của các nước châu Á vẫn đang là yếu tố chính hỗ trợ cho giá khô đậu, sau khi giá đã giảm về mức thấp nhất 4 tháng cách đây 1 tuần.

Giá dầu đậu tương tiếp tục giảm khi Indonesia chính thức dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ và kỳ vọng về việc đưa nông sản Ukraine quay trở lại thị trường quốc tế.


Năng lượng

Giá dầu thô WTI đóng cửa chỉ tăng 2,6% lên mức 109.89 USD/thùng tuy nhiên biến động mạnh hai chiều trong phiên, có thời điểm giảm về vùng 103.5 USD/thùng sau đó bật tăng mạnh mẽ lên vùng 110 USD/thùng. Dầu thô vẫn tiếp tục biến động khó lường, đi ngang biên độ rộng sau các thông tin trái chiều.

Thượng Hải không còn ca nhiễm mới và được kỳ vọng dỡ bỏ phong tỏa từ 01/06 đang tạo ra lực mua trên thị trường. Trong khi lệnh cấm vận mới của EU với năng lượng Nga vẫn đang trong quá trình thảo luận. Các hợp đồng khí đốt sẽ phải thanh toán bằng Rúp kể từ hôm nay và EU cũng bật đèn xanh cho việc này. Số liệu mới đây cho thấy Nga đã tích cực xuất khẩu dầu sang thị trường Đông Nam Á và đặc biệt là Trung Quốc trong thời gian qua, giúp dầu thô Nga vẫn được đưa ra thị trường thế giới. Nếu tổng cung và tổng cầu không có nhiều thay đổi, giá dầu sẽ không còn động lực tăng mạnh, mà sẽ ổn định hơn nhiều trong phần còn lại của năm 2022.


Kim loại

Bảng giá kim loại phủ kín trong sắc xanh. Giá vàng có phiên thứ 2 tăng liên tiếp với mức tăng 1.44% lên 1841.72 USD/ounce. Trong khi đó, giá bạc và bạch kim đã lấy lại được sắc xanh với mức tăng lần lượt là 1.69% lên 21.9 USD/ounce và 3.17% lên mức 953.7 USD/pound. Trong 5 phiên giao dịch gần nhất, giá bạc đã có 4 phiên tăng, tuy nhiên vẫn ở vùng thấp nhất trong vòng 2 năm qua. Nhóm kim loại quý chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ chủ yếu là do sự suy yếu của đồng Dollar Mỹ và mức giảm của lợi suất trái phiếu Mỹ 10 năm trong phiên hôm qua. Điều này đã làm giảm áp lực đối với chi phí nắm giữ vật chất, hỗ trợ cho đà tăng của bạc và bạch kim.

Ngoài ra, bất chấp những tín hiệu suy thoái từ Mỹ khi số đơn trợ cấp thất nghiệp trong tuần vừa qua đạt mức 218,000 người, mức cao nhất trong vòng 4 tháng, sự phục hồi tích cực của nền kinh tế Trung Quốc đã giúp bạc và bạch kim khôi phục sắc xanh. Hai mặt hàng này vốn là nguyên liệu đầu vào quan trọng cho các ngành sản xuất, đặc biệt là ô tô và điện tử, hai thế mạnh lớn trong nền kinh tế tại quốc gia này.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX ghi nhận mức tăng mạnh mẽ 2.5% lên 4.28 USD/pound, mức giá cao nhất trong vòng 1 tuần, trong khi giá quặng sắt cũng tăng hơn 1% và đóng cửa ở mức 126.51 USD/tấn. Đây là phiên tăng theo phần trăm mạnh nhất của giá đồng kể từ đầu tháng 3 tới nay, là dấu hiệu cho thấy thị trường có thể đã trải qua giai đoạn tiêu cực. Giá của cả hai loại mặt hàng này đều đang được hỗ trợ chủ yếu nhờ vào những tín hiệu tích cực trong việc khôi phục các hoạt động kinh tế tại Trung Quốc. Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, kế hoạch của Trung Quốc để thúc đẩy tăng trưởng sẽ chứng kiến một con số khổng lồ khoảng 5.3 nghìn tỷ USD sẽ được bơm vào nền kinh tế trong năm nay, tương đương với khoảng 1/3 nền kinh tế trị giá 17 nghìn tỷ USD của Trung Quốc. Thông tin này cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc nhanh chóng đẩy mạnh tốc độ phục hồi đầu tư và sản xuất.

Về phía nguồn cung, vào hôm qua, Chính phủ Peru lần thứ 4 thất bại sau những nỗ lực đàm phán với các cộng đồng bản địa để cho phép khởi động lại hoạt động tại mỏ đồng Las Bambas, chiếm 2% nguồn cung toàn cầu. Thông tin này cũng đã hỗ trợ cho giá đồng tăng do những lo ngại về nguồn cung vẫn chưa được tháo gỡ.


Nguồn: Trung tâm tin tức Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam.

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN
Đội ngũ chuyên gia tư vấn đầu tư 24/7

Share bài viết

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on email