Tổng hợp diễn biến thị trường tuần đến ngày 09/05/2022

Nông sản

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá ngô đã tiếp tục đà giảm mạnh. Lực bán đã áp đảo ngay từ khi mở cửa và xuất phát từ tín hiệu kĩ thuật cho thấy mô hình giá đang xuất hiệu nhịp điều chỉnh sau đà tăng mạnh. Bên cạnh đó, triển vọng thời tiết thuận lợi hơn ở Mỹ cũng là yếu tố gây sức ép lên giá ngô trong phiên hôm qua.

Trong khi đó, giá lúa mì mặc dù mở cửa tạo gapup mạnh nhưng cũng đóng cửa trong sắc đỏ với mức giảm khá mạnh. Lực bán kĩ thuật tại vùng 1140 khi giá test lại vùng kháng cự trước đó đã khiến cho giá lúa mì bắt đầu suy yếu. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ suy yếu cũng góp phần thúc đẩy lực bán mạnh hơn.

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, cả 3 mặt hàng nhóm đậu tương đều đóng cửa trong sắc đỏ. Giá đậu tương đã tiếp tục suy yếu phiên thứ 2 liên tiếp với mức sụt giảm hơn 2%. Đúng như những gì chúng tôi dự đoán, mốc hỗ trợ tâm lý 1600 đã không thể ngăn cản đà giảm của đậu tương và giá đang có xu hướng test lại vùng 1570.

Trong khi đó, theo Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu đậu tương trong tháng 4 của nước này đã cải thiện so với tháng 3. Tuy nhiên, sự cải thiện này không đến từ nhu cầu mà do các chuyến hàng trước đó bị trì hoãn vì thời tiết xấu bây giờ mới cập bến. Trong bối cảnh biên lợi nhuận ép dầu thấp và tình hình phong tỏa dịch covid – 19 tại quốc gia này vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt, một chút cải thiện trong số liệu nhập khẩu là không đủ để kìm hãm đà giảm đối với đậu tương trong phiên vừa rồi.

Nguyên liệu

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, lực bán áp đảo đối với thị trường hàng hóa nói chung và các mặt hàng nguyê liệu công nghiệp nói riêng. Trong đó, cà phê Robusta là mặt hàng dẫn đầu mức giảm của toàn nhóm với hơn 3%.

Theo Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cà phê trong 4 tháng đầu năm của nước ta đạt 739,046 tấn, tăng 26.2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn cung cà phê ổn định trở lại, trong khi nhu cầu chưa gia tăng do tình hình lạm phát tại các quốc gia phát triển khiến người dân giảm bớt tiêu dùng không thiết yếu, dẫn đến mức giảm lớn của Robusta. Đây cũng là phiên giảm thứ 3 liên tiếp của mặt hàng này và đẩy giá về mức thấp nhất trong vòng 2 tháng.

Giá đường sụt giảm mạnh 2.6%, do tác động tiêu cực từ mức giảm rất lớn của giá dầu thô, xóa đi toàn bộ mức phục hồi tích lũy trong 2 phiên cuối tuần trước. Giới thương mại đang chờ đợi các số liệu điều chỉnh về ép mía của Hiệp hội Công nghiệp Mía đường Brazil (UNICA) cho nửa cuối tháng 04.

Giá bông tiếp tục giảm nhẹ 0.47% và là phiên giảm thứ 3 liên tiếp. Thời tiết thuận lợi tại các vùng trồng bông của Mỹ, giúp cho việc gieo trồng diễn ra bình thường và tốc độ đang ngang bằng so với mức trung bình 5 năm.

Giá cacao giảm khá mạnh 1.48%, đánh dấu phiên giảm thứ 4 kể từ nửa cuối tuần trước đến nay. Lượng cacao rời cảng ở Bờ Biển Ngà kể từ đầu niên vụ (01/10/2021) đến hết tháng 04 đạt 1.77 triệu tấn, giảm 3.2% so với cùng kỳ năm ngoái.


Năng lượng

Dầu thô giảm mạnh trong phiên đầu tuần mới, với mức giảm trong ngày cao nhất kể từ tháng 3. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI giảm 6.09% xuống 103.09 USD/thùng trong khi giá dầu Brent giảm 5.74% xuống 105.94 USD/thùng.

Thị trường năng lượng nói chung và thị trường dầu nói riêng đều chịu áp lực bán theo xu hướng chung của thị trường tài chính, khi dòng tiền chuyển dịch khỏi các tài sản rủi ro và các nhà đầu tư tiếp tục xu hướng nắm giữ tiền mặt. Sự xuất hiện của các dữ liệu kinh tế tiêu cực tại các nền kinh tế lớn như Trung Quốc gây ra lo ngại cho thị trường. Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 4 đạt 3.9%, tốc độ tăng trưởng yếu nhất kể từ tháng 06/2020, trong khi tại tháng 3 số liệu vẫn rất tích cực ở mức 14.7%.

Bất chấp nhập khẩu dầu thô trong tháng 4 của Trung Quốc tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 10.5 triệu thùng/ngày, tuy nhiên tỷ lệ vận hành của các nhà máy lọc dầu đã giảm khoảng 6%. Điều này cho thấy các nhà sản xuất đang lo ngại về nhu cầu tiêu thụ nội địa. Xuất khẩu nhiên liệu đốt đạt 3.82 triệu tấn, thấp hơn so với 4.07 triệu tấn trong tháng 3, tuy nhiên vẫn cao hơn ước tính của thị trường, chủ yếu do các nhà sản xuất đẩy mạnh xuất khẩu.


Kim loại

Các mặt hàng kim loại đồng loạt lao dốc trong phiên giao dịch hôm qua. Giá vàng giảm 1.5% về 1854 USD/ounce, giá bạch kim giảm 1.8% về 939 USD/ounce. Đáng chú ý, giá bạc giảm 2.5% về dưới 22 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021. Các mặt hàng kim loại quý đồng loạt chịu sức ép bán mạnh và không được hưởng lợi từ việc dòng tiền rời khỏi các thị trường đầu tư rủi ro. Cả ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ là S&P500, Nasdaq và Dow Jones đồng loạt giảm điểm, cùng với việc đồng Bitcoin đang tiến sát mức 30,000 cho thấy các nhà đầu tư đang tiến hành rút vốn khỏi các thị trường đầu tư. Chỉ số Dollar Index vẫn đang duy trì ở mức cao nhất trong vòng 2 thập kỷ là một yếu tố phản ánh việc vai trò trú ẩn của nhóm kim loại quý bị thất thế trước đồng bạc xanh, và các nhà đầu tư đang có xu hướng nắm giữ tiền mặt nhiều hơn.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng giảm gần 2% về dưới 4.2 USD/pound, còn giá quặng sắt lao dốc hơn 6% về 129.3 USD/tấn. Không chỉ có đồng và quặng sắt, các mặt hàng kim loại cơ bản đồng loạt chịu sức ép bán trong bối cảnh đồng USD không ngừng mạnh lên, khiến cho chi phí nắm giữ cao hơn, và tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc ngày một phức tạp. Triển vọng tiêu thụ của cả đồng và quặng sắt đều đang rất tiêu cực, trong bói cảnh các nhà chức trách Thượng Hải tiến hành thắt chặt các chính sách chống dịch đến cuối tháng 5. Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc cũng đang ở trong tình trạng cảnh giác để tránh lặp lại tình trạng như Thượng Hải. Bất chấp các biện pháp trấn an của các nhà chức trách, tình hình dịch bệnh sẽ còn khiến cho các hoạt động sản xuất và xây dựng bị đình trệ thêm một thời gian nữa trước khi các chính sách hỗ trợ của Chính phủ xuất hiện hoặc có hiệu lực.


Nguồn: Trung tâm tin tức Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam.

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN
Đội ngũ chuyên gia tư vấn đầu tư 24/7

Share bài viết

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on email