Tổng hợp diễn biến thị trường tuần đến ngày 24/06/2022

Nông sản

Khép lại tuần giao dịch vừa qua, ngô đã sụt giảm hơn 4% sau hai tuần liên tiếp tăng giá. Triển vọng khá tích cực về mùa vụ tại Brazil là yếu tố chính đã gây sức ép lên giá trong tuần trước. Điều kiện thời tiết khô ráo tại các khu vực trồng ngô vụ 2 chính của Brazil đã tạo hỗ trợ nông dân nước này có thể đẩy mạnh hoạt động thu hoạch. Thị trường có cái nhìn tích cực về triển vọng đối với mùa vụ ngô của Brazil và tạo sức ép lên giá. Trong tuần này, giá ngô có thể sẽ tiếp tục đà giảm và test lại vùng hỗ trợ 726 cents/giạ.

Tương tự ngô, lúa mì cũng đã suy yếu và mức sụt giảm hơn 10% trong tuần trước. Với hầu hết các phiên đóng cửa trong sắc đỏ, phe bán đã hoàn toàn áp đảo trong tuần vừa rồi. Những thông tin tích cực về tình hình nguồn cung là yếu tố đã tạo áp lực lên giá.

Đóng cửa tuần giao dịch 20/06 – 26/06, giá đậu tương tiếp tục đà giảm từ tuần trước đó và chạm mức kháng cự của khoảng đi ngang kéo dài từ cuối tháng 2 cho tới nay. Tuy nhiên, đà giảm đã bị thu hẹp dần khi giá tiến sát vùng hỗ trợ tâm lý trước đó ở quanh mốc 1600 cents.

Tương tự với đậu tương, khô đậu tương cũng đóng cửa tuần giao dịch vừa qua trong sắc đỏ. Indonesia cho biết dịch bệnh tại quốc gia này đã bắt đầu lan rộng ra 19 tỉnh thành. Thông tin trên cho thấy dịch bệnh tại Indonesia vẫn chưa có dấu hiệu được giải quyết triệt để, do vậy hoạt động chăn nuôi tại đây vẫn sẽ chưa được hồi phục và làm giảm nhu cầu sử dụng đậu tương làm thức ăn chăn nuôi. Điều này đã tác động “bearish” lên giá khô đậu tương trong tuần vừa qua.

Ngoài ra, sự suy yếu của giá dầu thô cùng với những chính sách nới lỏng xuất khẩu dầu cọ của Indonesia đã khiến cho giá dầu đậu tương giảm hơn 5%. Theo đó, kể từ khi biên giới được mở cửa trở lại, các lao động đầu tiên từ Indonesia sẽ bắt đầu nhập cảnh vào Malaysia. iệc gia tăng lao động từ Indonesia sẽ giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt hơn 100,000 công nhân trong các đồn điền dầu cọ của Malaysia. Đây sẽ là yếu tố gây sức ép lên giá thực vật trong thời gian tới, từ đó tác động “bearish” gián tiếp đến giá dầu đậu tương.

Nguyên liệu

Kêt thúc tuần giao dịch 20/06 – 26/06, bất chấp việc đồng Dollar có sự điều chỉnh sau 3 tuần tăng mạnh liên tiếp, lực bán vẫn duy trì với hầu hết các mặt hàng trong nhóm nguyên liệu công nghiệp. Trong đó đáng chú ý nhất là mức giảm rất mạnh của giá bông và dầu cọ thô.

Trước hành động leo thang mới của Mỹ, Trung Quốc được dự báo sẽ có biện pháp trả đũa kiểu “ăn miếng trả miếng” nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia của họ, và khiến cho giới đầu cơ bông trên toàn cầu đồng loạt tháo chạy khỏi mặt hàng này. Với mức giảm lên đến hơn 17% chỉ trong 1 tuần vừa rồi, đây là tuần suy yếu mạnh nhất của giá bông kể từ tháng 06/2011 đến nay. Hiện tại giá bông đã giảm về dưới mốc hỗ trợ tâm lý quan trọng 100 cents, lần đầu tiên kể từ khi vượt lên khỏi vùng này hồi tháng 09 năm ngoái.

Theo ngay sát diễn biến của giá bông là mức giảm lên đến gần 15% của giá dầu cọ Malaysia, đẩy giá về mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay. Tổng cộng sau 3 tuần giảm liên tiếp, giá dầu cọ thô kỳ hạn tháng 09 đã giảm đến 25%, khi nguồn cung từ Indonesia được nới lỏng. Kể từ khi lệnh cấm được dỡ bỏ, nước này đã thực hiện nhiều biện pháp để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu dầu cọ. Mới đây nhất, chủ tịch nhóm nông dân nhỏ của Indonesia (APKASINDO) đã yêu cầu chính phủ nước này hủy bỏ chương trình Nghĩa vụ Thị trường Nội địa (DMO) cũng như các quy định về thuế và giấy phép xuất khẩu dầu cọ.

Trong khi đó, đồng Real Brazil tiếp tục có tuần giảm thứ 4 liên tiếp, về mức thấp nhất trong vòng 4 tháng, cũng khiến cho lực bán của nông dân với một số mặt hàng xuất khẩu chủ đạo như cà phê và đường thô gia tăng. Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), xuất khẩu cà phê toàn cầu niên vụ 21/22 đạt mức 140.49 triệu bao (loại 60kg), tăng nhẹ 1.5 triệu bao so với báo cáo cách đây nửa năm, cho thấy nguồn cung không quá eo hẹp như lo ngại trước đó. Mặc dù chỉ giảm gần 2%, nhưng đây cũng đã là tuần giảm thứ 3 liên tiếp của giá Arabica, khiến cho tâm lý e ngại của giới đầu cơ cà phê sẽ ngày càng gia tăng.


Năng lượng

Thị trường dầu thô duy trì sắc đỏ trước các áp lực đến từ nỗ lực hạ nhiệt giá năng lượng của các nền kinh tế lớn và những lo ngại suy thoái kinh tế. Kết thúc tuần 20/06 – 26/06, hợp đồng dầu thô WTI tháng 8 giảm nhẹ 0.34% về 107.62 USD/thùng, hợp đồng dầu thô Brent cùng kỳ hạn đóng cửa tuần không đổi so với giá tham chiếu của tuần trước, vẫn dừng chân ở mức 113.12 USD/thùng.

Những thông tin bất lợi cho giá dầu có phần lấn át hơn bài toán về nguồn cung,
nên giá dầu dù tăng mạnh trong phiên cuối tuần nhưng cũng không thể lấy lại toàn bộ đà giảm trước đó. Thị trường có thể còn đối mặt với nhiều sức ép bán hơn, khi người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu – Josep Borrell đến Tehran để nối lại cuộc đàm phán hạt nhân đang rơi vào bế tắc giữa Mỹ và Iran.

Kim loại

Bảng giá kim loại trải qua một tuần tồi tệ khi tất cả các mặt hàng được liên thông với các Sở giao dịch quốc tế đồng loạt lao dốc trước lo ngại về suy thoái rình rập. Giá vàng suy yếu 0.72% xuống mức 1826.18 USD/ounce. Bạc đóng cửa ở mức giá 21.125 USD/ounce, mức thấp nhất trong vòng 5 tuần sau khi đánh mất 2.14% giá trị. Trong khi đó, bạch kim ghi nhận tuần giảm thứ 3 liên tiếp sau khi giảm 2.85% xuống còn 903.7 USD/ounce. Nhóm kim loại quý cho thấy sự hoạt động yếu kém trước mối lo nền kinh tế tăng trưởng chậm lại sẽ ngăn cản nhu cầu sử dụng bạc và bạch kim trong hoạt động sản xuất công nghiệp.

Đáng chú ý nhất trong tuần vừa qua là thị trường kim loại cơ bản, đặc biệt là tuần lao dốc thứ 3 liên tiếp của đồng COMEX đã đưa giá đồng xuống mức thấp nhất trong vòng 16 tháng và đóng cửa sau khi đánh mất 6.8% xuống 3.74 USD/pound. Là thước đo sức khoẻ của nền kinh tế, giá đồng sụt giảm mạnh mẽ trước lo ngại về sự suy yếu hoạt động công nghiệp ở các nền kinh tế lớn và nhu cầu sụt giảm tại thị trường tiêu thụ lớn nhất, Trung Quốc. Năng lực sản xuất tại các nền kinh tế đầu tàu cho thấy dấu hiệu chững lại khi doanh nghiệp đối diện với chi phí vay gia tăng.

Giá quặng sắt tiếp tục tuần suy yếu thứ 3 khi đối mặt với sức tiêu thụ yếu kém tại Trung Quốc. Nhiều nhà máy thép đã ngừng hoạt động và mức tồn kho tại các nhà máy thép lớn tăng 10.7% vào giữa tháng 6 so với đầu tháng và cao hơn khoảng 82% so với đầu năm nay, liên tục tạo sức ép đối với giá sắt thép.


Nguồn: Trung tâm tin tức Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam.

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN
Đội ngũ chuyên gia tư vấn đầu tư 24/7

Share bài viết

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on email