Phiên 26/9, giá dầu giảm gần 3% khi thông tin Saudi Arabia từ bỏ mục tiêu giá dầu 100 USD/thùng.
Dầu giảm gần 3%
Giá dầu giảm gần 3% do báo cáo của Financial Times cho biết Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới sẽ từ bỏ mục tiêu giá 100 USD để chuẩn bị tăng sản lượng, cùng với các thành viên OPEC và các đồng minh vào tháng 12.
Chốt phiên 26/9, dầu thô Brent giảm 1,86 USD hay 2,53% xuống 71,60 USD/thùng, dầu WTI giảm 2,02 USD hay 2,90% xuống 67,67 USD/thùng.
Tờ Financial Times cho biết Saudi Arabia đang chẩn bị từ bỏ mục tiêu giá dầu thô không chính thức 100 USD/thùng do nước này sẵn sàng tăng sản lượng.
Trong khi đó, hai nguồn tin OPEC+ cho biết tổ chức sản xuất này sẽ tiếp tục tăng sản lượng dầu vào tháng 12 vì tác động của việc này là nhỏ nếu một số thành viên có kế hoạch cắt giảm sản lượng lớn hơn để bù đắp cho tình trạng sản xuất dư thừa trong tháng 9 và những tháng sau đó.
Tổ chức OPEC cùng với các thành viên gồm Nga, đang cắt giảm sản lượng dầu để hỗ trợ giá. Tuy nhiên, giá đã giảm gần 6% từ đầu năm tới nay, trong bối cảnh nguồn cung tăng từ các nhà sản xuất khác, đặc biệt là Mỹ cũng như tăng trưởng nhu cầu yếu ở Trung Quốc.
Dữ liệu vận chuyển cho thấy xuất khẩu dầu thô của Libya đạt trung bình khoảng 400.000 thùng/ngày trong tháng 9, giảm so với mức hơn 1 triệu thùng/ngày vào tháng 8.
Tuy nhiên, tin tức về gói kích thích kinh tế mới của Trung Quốc đã hạn chế được những sụt giảm tiếp theo.
Các quan chức chính phủ hàng đầu tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đã cam kết sẽ triển khai “chi tiêu tài chính cần thiết” để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay là khoảng 5%, thừa nhận những vấn đề mới và nâng cao kỳ vọng của thị trường về các biện pháp kích thích mới ngoài các biện pháp được công bố trong tuần này.
Bạc cao nhất 12 năm
Bạc tăng lên mức cao nhất trong gần 12 năm, theo đà tăng của giá vàng lên mức kỷ lục do việc cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn thúc đẩy sự quan tâm đầu tư vào các kim loại quý.
Bạc giao ngay tăng 0,6% lên 32,03 USD/ounce, cao nhất kể từ tháng 12/2012 tại 32,71 USD.
Bạc vừa là khoản đầu tư an toàn vừa là vật liệu quan trọng trong các ứng dụng công nghiệp đã tăng hơn 35% trong năm nay.
Một trong những chất xúc tác chính cho đợt tăng giá bạc là vàng. Phần lớn nhu cầu bạc còn lại được thúc đẩy bởi lĩnh vực công nghiệp, việc sử dụng kim loại này trong các sản phẩm quang điện như tấm pin mặt trời gần gấp đôi so với năm trước.
Vàng giao ngay tăng 0,5% lên 2.670,52 USD/ounce, giá đã đạt kỷ lục tại 2.685,42 USD trong phiên này. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12 đóng của tăng 0,4% lên 2.694,9 USD/ounce
Đồng vượt ngưỡng quan trọng 10.000 USD
Giá đồng tăng lên mức cao nhất trong gần 16 tuần, bởi hy vọng nhu cầu kim loại mạnh lên sau khi Trung Quốc thông báo các biện pháp kích thích tài chính tiếp theo nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy nền kinh tế trì trệ.
Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London vượt ngưỡng tâm lý quan trọng 10.000 USD/tấn, chạm mức cao nhất kể từ ngày 7/6 tại 10.089,5 USD/tấn. Giá đã tăng 2,8% lên 10.084 USD/tấn vào 1600 GMT.
Đồng Comex của Mỹ tăng 3,3% lên 4,58 USD/lb.
Các nguồn tin cho Reuters biết kế hoạch mới bao gồm phát hành trái phiếu chính phủ đặc biệt trị giá khoảng 2 nghìn tỷ nhân dân tệ (284,43 tỷ đô la) trong năm nay.
Trước đó trong phiên này, trước thông báo mới nhất của Trung Quốc, đồng đã giảm do chốt lời.
Trước khi Mỹ cắt giảm lãi suất vào tuần trước, chính quyền Trung Quốc đã lo lắng các biện pháp kích thích sẽ làm suy yếu đồng tiền của họ.
Tâm lý tích cực này có thể đẩy đồng lên mức cao kỷ lục trên 11.000 USD đã chạm tới hồi tháng 5, nhưng tại thời điểm đó các nhà đầu tư có thể xem xét các biện pháp kích thích đã thúc đẩy nhu cầu giao ngay mạnh hơn như thế nào.
Quặng sắt tiếp tục tăng lên gần 100 USD/tấn
Giá quặng sắt tiếp tục tăng phiên thứ 3 liên tiếp, sau khi Trung Quốc cam kết tung thêm kích thích kinh tế đã tiếp thêm niềm tin ngay khi làn sóng nới lỏng tiền tệ gần đây nhất lắng xuống.
Tại Singapore quặng sắt giao tháng 10 tăng 2,49% lên 98,8 USD/tấn. Giá đã đạt mức cao nhất trong ngày tại 99,25 USD/tấn, tiếp cận ngưỡng tâm lý quan trọng 100 USD/tấn lần thứ hai trong tuần này.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2025 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc đã xóa mức giảm trước đó để đóng cửa giao dịch tăng 1,75% lên 728 CNY (103,73 USD)/tấn.
Trong ngày 26/9, các lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết triển khai chi tiêu tài chính cần thiết để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay khoảng gần 5%, một động thái khiến thị trường bất ngờ.
Các biện pháp này thúc đẩy tâm lý trên thị trường hàng hóa rộng lớn, gồm quặng sắt, giá tăng đã xóa bỏ hoàn toàn mức giảm đã ghi nhận trong tháng 9. Lượng hàng tồn kho ở cảng cao và nhu cầu giảm sau khi các nhà sản xuất thép thu hẹp sản xuất trong bối cảnh thua lỗ đã khiến giá quặng sắt giảm gần 10% tính tới ngày 23/9.
Tại Thượng Hải, thép thanh tăng 1,05%, thép cuộn cán nóng tăng 0,66%, dây thép cuộn giảm 4,79% và thép không gỉ giảm 0,07%.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 27/9