Giá ngô chịu tác động trái chiều từ các yếu tố cơ bản và kỹ thuật

Giá ngô vẫn chưa thể thoát khỏi vùng giá 655-665 trong phiên hôm nay do tác động trái chiều từ các yếu tố cơ bản và kỹ thuật

Tin tức – Phân tích kỹ thuật ngô

Giá ngô tiếp tục cho thấy dấu hiệu suy yếu trong phiên sáng nay và mức tăng hiện tại chủ yếu đến từ việc giá mở cửa hôm nay cao hơn so với giá đóng cửa của phiên hôm trước. Dù vậy, vùng giá 655 vẫn đang chứng tỏ đây là hỗ trợ tương đối mạnh giúp giá ngô khó có thể giảm sâu hơn, trong bối cảnh ngô Mỹ dự kiến sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của ngô Brazil tại thị trường Trung Quốc.

Theo dự báo của Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC), xuất khẩu ngô trong năm tới của Brazil có thể đạt mức kỷ lục 40-50 triệu tấn nếu như mùa vụ diễn ra thuận lợi. Trong đó, khối lượng xuất khẩu ngô Brazil sang Trung Quốc cũng sẽ tăng mạnh lên tới 5 triệu tấn. Trong báo cáo WASDE tháng 11, USDA dự báo Trung Quốc sẽ nhập khẩu khoảng 18 triệu tấn ngô trong niên vụ 22/23. Điều đó có nghĩa là khối lượng ngô mà Brazil có thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong năm sau sẽ chiếm tới hơn 25% nhu cầu tiêu thụ hàng năm của quốc gia Đông Á này, đồng thời giúp Brazil trở thành nhà cung cấp ngô quan trọng cho Trung Quốc và cạnh tranh trực tiếp với ngô Mỹ tại thị trường tỷ dân trên. Cần phải lưu ý rằng trước đây Trung Quốc rất hạn chế nhập khẩu ngô từ Brazil do các quy định kiểm dịch nghiêm ngặt đối với ngô biến đổi gen. Nhưng việc này sẽ thay đổi trong năm sau, khi mà các quan chức của Trung Quốc đã nỗ lực thúc đẩy việc thay đổi các quy chuẩn đối với ngô nhập khẩu để có thể tăng cường nhập khẩu ngô của Brazil và giảm bớt sự phụ thuộc vào ngô Mỹ.

Trên thực tế, sự dịch chuyển nhu cầu nhập khẩu ngô của Trung Quốc từ Mỹ sang Brazil đã bắt đầu trong năm nay. Một số thương nhân đã báo cáo đã có 6-8 tàu vận tải chở ngô của Brazil sang Trung Quốc trong tháng này và kỳ vọng con số này sẽ tăng lên trong thời gian tới. Tuy vậy, chúng tôi cho rằng sẽ mất ít nhất là 3 tháng nữa khối lượng ngô xuất khẩu từ Brazil sang Trung Quốc mới có sự đột biến do lúc này nguồn cung trở nên dồi dào nhờ hoạt động thu hoạch được bắt đầu. Vì vậy, ở thời điểm hiện tại, tác động “bearish” từ dự báo của ANEC lên giá ngô CBOT sẽ khá hạn chế.

BIỂU ĐỒ GIÁ NGÔ THÁNG 12 (ZCEZ22) – KHUNG D1

phan tich ngo 231122

Nhận định: Do tác động “bearish” từ các thông tin cơ bản là chưa quá mạnh, cùng với việc các chỉ báo kỹ thuật cho thấy giá ngô vẫn đang trong xu hướng đi ngang, chúng tôi nhận định giá ngô sẽ khó có thể thoát khỏi vùng giá 655-665 trong ngày hôm nay.

Tin tức – Phân tích kỹ thuật lúa mì

Mặc dù suy yếu ngay sau khi mở cửa phiên, lực mua đã nhanh chóng quay trở lại đối với lúa mì. Tuy nhiên chúng tôi đánh giá rằng động lực tăng hiện tại của giá lúa mì chủ yếu đến từ lực mua bắt đáy ở vùng giá 785 và điều này sẽ khó thể áp đảo tác động “bearish” từ việc lúa mì Mỹ đang trở nên kém hấp dẫn hơn đối với các nhà nhập khẩu.

Theo các thương nhân tại châu Âu, nhu cầu đối với lúa mì từ châu Âu thời gian gần đây đã bật tăng mạnh mẽ, với doanh số bán hàng lúa mì của Pháp cho Trung Quốc tăng vọt và việc các nhà máy xay xát lúa mì tại Mỹ đang tìm kiếm nguồn cung từ Đức hoặc Ba Lan. Sau khi có một số tin đồn về việc các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã đàm phán để mua 2 lô hàng lúa mì của Pháp, các thương nhân châu Âu đã dẫn nguồn từ các thỏa thuận được ký kết trong tuần này cho thấy khối lượng các đơn hàng của Trung Quốc có thể lên tới 400,000-500,000 tấn. Điều này được cho là bởi các nhà nhập khẩu của Trung Quốc đang muốn sử dụng hết hạn ngạch nhập khẩu lúa mì mà chính phủ nước này đặt ra cho năm nay, khi mà đây đã là giai đoạn cuối cùng của năm. Thêm vào đó, giá lúa mì nội địa ở mức cao cũng đã thúc đẩy người mua Trung Quốc tìm kiếm nguồn cung từ châu Âu.

Với vị thế là nước nhập khẩu lúa mì Mỹ lớn thứ 3 toàn cầu trong năm 2021, nhưng ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang tích cực tìm kiếm các nguồn cung thay thế khác. Động thái này không chỉ đến từ việc Trung Quốc muốn dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào nông sản Mỹ, mà còn là bởi giá lúa mì Mỹ đang ở mức cao do nguồn cung bị thu hẹp. Ngay cả ở thị trường nội địa, lúa mì Mỹ cũng có dấu hiệu đánh mất sự cạnh tranh do giá. Một số nguồn tin từ châu Âu cho biết, các nhà máy xay xát lúa mì của Mỹ đã mua khoảng 100,000 tấn lúa mì có nguồn gốc từ Đức hoặc Ba Lan. Với chi phí vận tải biển đang khá hấp dẫn, giá lúa mì nhập khẩu thậm chí còn rẻ hơn so với giá lúa mì nội địa của Mỹ. Tình trạng này dự kiến sẽ còn kéo dài tới hết niên vụ 22/23, do sản lượng năm nay của Mỹ là mức thấp thứ 3 kể từ đầu thế kỷ XXI tới nay, và sẽ gây áp lực dài hạn lên giá lúa mì CBOT.

BIỂU ĐỒ GIÁ LÚA MÌ THÁNG 12 (ZCEZ22) – KHUNG D1

phan tich lua mi 231122

Nhận định: Đà tăng hiện tại của giá lúa mì sẽ khó có thể duy trì đến hết phiên hôm nay do chủ yếu đến từ lực mua bắt đáy. Vì vậy, trong phần còn lại của phiên, giá lúa mì nhiều khả năng sẽ chỉ chạm tới vùng 800, sau đó quay đầu giảm trở lại.

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN
Đội ngũ chuyên gia tư vấn đầu tư 24/7

Share bài viết

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on email