Giá kim loại đồng loạt lập đỉnh.

Nhóm kim loại dẫn dắt xu hướng chung của toàn thị trường trong ngày hôm qua khi có đến 9 trên 10 mặt hàng ghi nhận mức tăng rất mạnh.

Tin tức thị trường dầu

Với 25 trên tổng số 31 mặt hàng đồng loạt tăng giá, lực mua hoàn toàn áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu trong ngày hôm qua, đẩy chỉ số MXV-Index chốt ngày tăng mạnh 1,14% lên 2.291 điểm, nối dài chuỗi tăng sang ngày thứ 3 liên tiếp đồng thời thiết lập mức cao nhất kể từ giữa tháng 9 năm ngoái. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt trên 7.000 tỷ đồng.

Nhóm kim loại dẫn dắt xu hướng chung của toàn thị trường trong ngày hôm qua khi có đến 9 trên 10 mặt hàng ghi nhận mức tăng rất mạnh. Đáng chú ý, sau khi chạm đỉnh 3 tháng vào ngày trước đó, giá bạc tiếp tục bứt phá lên mức cao nhất 11 tháng trong ngày hôm qua, sau khi tăng vọt 4,39%. Bên cạnh đó, giá đồng COMEX cũng tăng hơn 3% lên trên 9.246 USD/tấn, thiết lập mức đỉnh trong vòng 14 tháng.

MXV cho biết, thị trường kim loại đón nhận lực mua tích cực trong ngày hôm qua nhờ hỗ trợ từ sự suy yếu của đồng USD, giúp chi phí nắm giữ và giao dịch thấp hơn; đồng thời kích thích vai trò trú ẩn an toàn của nhóm kim loại quý.

Theo số liệu Viện quản lý cung ứng Mỹ (ISM) công bố hôm qua, chỉ số quản lý thu mua (PMI) phi sản xuất của Mỹ đã giảm xuống 51,4 điểm trong tháng 3, từ mức 52,6 điểm trong tháng 2. Đây là tháng thứ hai liên tiếp chỉ số này sụt giảm kể từ khi hồi phục vào tháng 1, cho thấy hoạt động dịch vụ, lĩnh vực chiếm hơn 2/3 nền kinh tế Mỹ, đang chậm lại. Đồng USD suy yếu ngay sau khi dữ liệu được công bố, kéo chỉ số Dollar Index chốt phiên giảm 0,51% về 104,22 điểm, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất của chỉ số này kể từ đầu tháng 3.

Ở chiều ngược lại, quặng sắt là mặt hàng kim loại duy nhất giảm giá trong phiên hôm qua. Kết ngày hôm qua,giá quặng sắt đã đánh mất mốc 100 USD sau khi giảm 2,03% về 99,5 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2023. So với đầu tháng 1, hiện giá quặng sắt niêm yết trên Sở Giao dịch Singapore đã đánh mất hơn 30% giá trị, giảm từ mức 143 USD/tấn.

Giá nguyên liệu thô để sản xuất thép này đã gặp áp lực bán mạnh sau khi Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện việc kiểm soát sản lượng thép thô vào năm 2024.

Thông tin trên khiến giới phân tích dự báo, sản lượng thép thô của Trung Quốc sẽ giảm hơn 10% so với cùng kỳ vào tháng 3, do các nhà máy trì hoãn sản xuất và thực hiện bảo trì trong bối cảnh nhu cầu yếu hơn dự kiến.

Trên thị trường nội địa, sau gần 1 tháng đi ngang, các doanh nghiệp thép ngày 2/4 vừa qua đã điều chỉnh giảm giá đối với cả sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300, đánh dấu lần giảm thứ hai liên tiếp kể từ tháng 3. Sau điều chỉnh, giá thép cuộn CB240 tại miền Bắc giảm xuống 14,04 triệu đồng/tấn, giảm từ mức giá 14,14 triệu đồng/tấn. Trong khi giá thép thanh vằn D10 CB300 giảm xuống 14,43 triệu đồng/tấn.

Mặc dù đang trong mùa tiêu thụ cao điểm, tuy nhiên nhu cầu thép chưa có tín hiệu cải thiện đáng kể đã khiến các doanh nghiệp thép trong nước phải điều chỉnh giảm giá. Bên cạnh đó, giá thép nước ta thường diễn biến đồng pha với giá thép Trung Quốc. Do vậy, trong bối cảnh giá thép và giá nguyên liệu thô sản xuất thép là quặng sắt của Trung Quốc liên tục giảm mạnh trong thời gian gần đây cũng góp phần gây áp lực lên giá thép nội địa.

Nguồn MXV.

 

Share bài viết

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on email