Nông sản
Năng lượng
Giá dầu tiếp tục phiên phục hồi thứ 2 liên tiếp khi việc giải cứu Credit Suisse làm dịu bớt lo ngại về một cuộc khủng hoảng ngân hàng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu. Trong khi đó, gián đoạn trong việc sản xuất dầu tại nhà máy Pháp vẫn đang tiếp diễn do đình công, cũng đã thúc đẩy đà tăng của giá. Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/03, giá dầu WTI tăng 2.73% lên sát ngưỡng 70 USD/thùng, dầu Brent tăng 2.07% lên 75.32 USD/thùng.
Giá dầu mở cửa với lực bán chiếm ưu thế, do sự không chắc chắn về các tác động liên đới trên thị trường tài chính và tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị quyết định lãi suất. Bên cạnh đó, nguồn tin từ Reuters cho biết phía G7 tạm thời chưa sửa đổi mức giá trần đối với dầu thô bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng. Điều này khiến cho dòng chảy dầu từ Nga vẫn được đảm bảo và gây áp lực tới giá dầu.
Giá dầu đã nhanh chóng đảo chiều tăng mạnh trở lại trong phiên chiều tối trong bối cảnh thị trường tài chính ổn định hơn, khiến giá phản ứng nhanh nhạy hơn với các yếu tố cung cầu. Các cuộc đình công khắp khu vực hạ nguồn dầu mỏ của Pháp, một phần của các cuộc biểu tình trên toàn quốc phản đối cải cách lương hưu của chính phủ, đã kéo dài đến ngày thứ 15. Điều này đang cản trở hoạt động giao dầu thô cho các nhà máy lọc dầu. Nhà điều hành TotalEnergies cho biết nhà máy lọc dầu lớn nhất của đất nước, cơ sở Gonfreville với công suất 246,900 thùng/ngày, sẽ ngừng hoạt động. Lo ngại gián đoạn nguồn cung đã đẩy giá dầu tăng trong phiên chiều khi các nhà giao dịch Châu Âu hoạt động mạnh mẽ.
Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo từ Viện dầu khí độc lập (API) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại Mỹ tăng 3.3 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 17/03, và là tuần tăng thứ 2 liên tiếp, trái với dự đoán giảm của thị trường. Điều này có thể khiến giá dầu gặp áp lực nhẹ trong phiên sáng, tuy nhiên, tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất giảm, cùng các yếu tố cung cầu đang tương đối hỗ trợ, giá dầu có thể sớm tiếp tục đà phục hồi.
Kim Loại
Sắc đỏ áp đảo trên bảng giá kim loại khi kết thúc phiên 21/03. Giá các mặt hàng kim loại quý tiếp tục suy yếu với giá vàng giảm 1.95% về 1940.15 USD/ounce, giá bạc giảm 0.98% về 22.43 USD/ounce. Giá bạch kim giảm mạnh nhất nhóm, với 2.02% về 976.7 USD/ounce.
Thương vụ sáp nhập của Ngân hàng UBS và Credit Suisse dần hoàn tất giúp cho tâm lý các nhà đầu tư cải thiện rất nhiều. Bên cạnh đó, các nhà chức trách cũng đang tìm cách hỗ trợ một ngân hàng khác cũng đang đối mặt với những rủi ro tài chính cao là First Republic Bank.
Vì thế, dòng tiền lại được dịch chuyển từ các thị trường có vai trò trú ẩn như bạc và bạch kim sang các thị trường đầu tư rủi ro như thị trường chứng khoán và thị trường tiền điện tử. Chỉ số VIX, thước đo nỗi sợ của thị trường giảm 11.47% về 21.39 điểm, mức thấp nhất trong vòng hai tuần.
Hiện các nhà đầu tư đang hướng sự chú ý vào cuộc họp lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Thị trường hầu như đã phản ứng xong với mức tăng 25 điểm cơ bản, khi mà công cụ theo dõi của CME cho thấy có tới 89% khả năng kịch bản này xảy ra. Điều mà các nhà đầu tư tìm kiếm từ cuộc họp của Fed là mức lãi suất đỉnh của năm nay, và liệu khi nào chu kỳ tăng lãi suất sẽ được ngừng lại.
Nhìn chung, việc các nhà chức trách can thiệp để hỗ trợ ngành ngân hàng trong thời gian gần đây, cộng với kỳ vọng vào việc Fed sẽ không để nền kinh tế rơi vào suy thoái đã khiến cho giá kim loại quý chịu ảnh hưởng tiêu cực khi vai trò phòng vệ trước rủi ro giảm bớt, ngay cả khi đồng USD suy yếu.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng nối dài chuỗi tăng giá với phiên thứ ba liên tiếp đóng cửa trong sắc xanh, giá đóng cửa tăng 1.08% lên 3.99 USD/pound. Các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs tiếp tục đưa ra những dự báo tích cực về triển vọng của giá đồng. Cụ thể, với tình trạng nguồn cung thấp trong lịch sử khi mà tổng khối lượng hàng tồn kho trên ba Sở Giao dịch (Sở COMEX, Sở LME và Sở Thượng Hải) chỉ vỏn vẹn 183,211 tấn. Đáng chú ý, dự trữ đồng trên Sở COMEX có nguy cơ cạn kiệt với chưa đầy 15,000 tấn. Đây cũng là mức tồn kho thấp nhất kể từ tháng 3/2014.
Trái lại, giá quặng sắt tiếp tục giảm 1.60% về 123.49 USD/tấn. Thị trường quặng sắt tiếp tục chịu sức ép từ các động thái của các Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc sau khi giá sắt vượt 130 USD/tấn. Các nhà hoạch định chính sách không muốn giá hàng hóa tăng trưởng quá nóng, và sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát tại nền kinh tế thứ hai toàn cầu, nhất là trong giai đoạn đầu hồi phục sau thời gian dài chống chọi với dịch bệnh. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất thép cũng gặp nhiều thách thức trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường. Những lo ngại rằng Bắc Kinh có thể hạn chế sản lượng thép đang làm triển vọng tiêu thụ quặng sắt tiêu cực, và làm gia tăng sức bán trên thị trường.