Tâm lí thận trọng có thể khiến giá ngô duy trì diễn biến giằng co dưới 430

Sau chuỗi phiên hồi phục mạnh từ mốc thấp nhất trong 3 năm, giá ngô không còn nhiều động lực tăng và đã duy trì xu hướng đi ngang trong một tuần trở lại đây.

Tin tức – Phân tích kỹ thuật ngô

Sau chuỗi phiên hồi phục mạnh từ mốc thấp nhất trong 3 năm, giá ngô không còn nhiều động lực tăng và đã duy trì xu hướng đi ngang trong một tuần trở lại đây. Mặc dù vẫn nhận được một số hỗ trợ nhờ triển vọng xuất khẩu tích cực tại Mỹ, nhưng giá mặt hàng này đang phải đối mặt với áp lực từ nhu cầu nội địa suy yếu trong ngắn hạn. Chúng tôi nhận định rằng, trước thềm báo cáo Cung – cầu hàng tháng được công bố vào ngày mai, giá ngô có khả năng sẽ tiếp tục giằng co trong khoảng 423 – 430 trong phiên hôm nay.

Theo báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) mới đây, sản lượng ethanol trong tuần kết thúc vào ngày 1/3 của nước này tiếp tục giảm so với tuần trước đó. Tuy nhiên, mức tồn kho ethanol ghi nhận trong tuần này lại tăng 29 nghìn thùng so với báo cáo trước đó, đạt 26,05 triệu thùng – mức cao nhất trong gần một năm trở lại đây. Số liệu này cho thấy, nhu cầu sử dụng ngô trong ngành công nghiệp ethanol của Mỹ đang có dấu hiệu chững lại, củng cố khả năng nước này sẽ còn tiếp tục thu hẹp sản xuất nhiêu liệu sinh học ethanol trong thời gian tới. Điều này có khả năng sẽ tiếp tục là yếu tố gây sức ép đến giá trong ngắn hạn phiên hôm nay.
Đối với tình hình xuất khẩu, giới phân tích đang dự đoán doanh số bán ngô niên vụ 23/24 của Mỹ trong tuần cuối cùng của tháng 2 sẽ đạt khoảng 800.000 – 1.400.000 tấn, cao hơn một chút so với mức 1,08 triệu tấn của tuần trước đó. Tuy nhiên, khác với báo cáo trước, không có đơn hàng Daily Export Sales nào xuất hiện trong tuần đánh giá. Do đó, khối lượng bán hàng tuần trong báo cáo tối nay có khả năng sẽ ghi nhận mức giảm nhẹ. Mặc dù vậy, tính từ đầu niên vụ tới nay, tốc độ bán hàng ngô của các nhà xuất khẩu Mỹ đang nhanh hơn tới 30% so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh nhu cầu đối với nguồn cung của nước này vẫn đang ở mức cao. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, nếu số liệu chính thức thấp hơn so với tuần trước, điều này cũng không gây quá nhiều tác động đến giá trong phiên tối.

Trong bối cảnh triển vọng nhu cầu trong nước và xuất khẩu tại Mỹ đang tương đối trái chiều, chúng tôi nhận định rằng, kịch bản giá ngô diễn biến đi ngang trong phiên hôm nay sẽ tiếp tục chiếm ưu thế. Giá ngô có khả năng duy trì giằng co trong khoảng 423 – 430 trong phần còn lại của phiên hôm nay.

Với vị thế Short ở vùng 430 mà chúng tôi đã khuyến nghị từ đầu tuần, nhà đầu tư có thể tiếp tục duy trì với kỳ vọng giá hướng xuống vùng 415 – 420 trong phiên hôm nay và SL khi giá vượt 435.

BIỂU ĐỒ GIÁ NGÔ THÁNG 3 (ZCEH24) – KHUNG H4

Tin tức – Phân tích kỹ thuật lúa mì

BIỂU ĐỒ GIÁ LÚA MÌ THÁNG 3 (ZWAH24) – KHUNG H4

Việc thị trường tiếp tục thiếu vắng thông tin cơ bản hỗ trợ mới, thị trường lúa mì có thể tiếp tục xu hướng giảm trong phiên hôm nay. Giá có khả năng test lại vùng hỗ trợ 430 trong phiên tối.

Tin tức – Phân tích kỹ thuật nhóm đậu tương

Giá đậu tương hợp đồng tháng 5 diễn biến tương đối giằng co trong đầu phiên hôm nay. Đây là diễn biến thường thấy khi các nhà đầu tư chờ đợi báo cáo WASDE được công bố và không vội phản ứng trước các yếu tố cơ bản trên thị trường. Nhìn chung, giá đậu tương có thể duy trì xu hướng đi ngang trong phiên hôm nay.
Dữ liệu chính thức từ chính phủ Brazil cho thấy, nước này đã xuất khẩu 6,61 triệu tấn đậu tương trong tháng 2, tăng gần 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức 8,5 triệu tấn do Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil đưa ra vào tuần trước. Việc khối lượng xuất khẩu đậu tương tháng 2 của Brazil thấp hơn so với kỳ vọng của thị trường đã thúc đẩy lực mua đối với đậu tương trong sáng nay. Dù vậy, tác động “bullish” sẽ khó có thể kéo dài tới cuối phiên hôm nay, khi xuất khẩu đậu tương của Brazil vẫn ghi nhận sự tăng trưởng so với năm ngoái. Điều này một phần tới từ việc nước này có một vụ mùa kỷ lục trong năm 2023 giúp nguồn cung cuối vụ vẫn khá dồi dào. Hơn nữa, việc thu hoạch đậu tương vụ mới được đẩy mạnh trong điều kiện thuận lợi cũng giúp ngăn chặn sự suy giảm sản lượng tiềm năng. 3-4 tháng tới sẽ là giai đoạn Brazil đẩy mạnh việc bán hàng, do đó đậu tương Mỹ có thể phải đối mặt với áp lực cạnh tranh gay gắt trong ngắn hạn. Điều này có thể thu hẹp đà tăng của giá đậu tương CBOT trong hôm nay.
Ngoài ra, tối nay USDA sẽ công bố báo cáo Bán hàng Xuất khẩu (Export Sales). Khối lượng bán hàng đậu tương niên vụ 23/24 của Mỹ trong tuần 23/2 – 29/2 được thị trường dự đoán sẽ nằm trong khoảng 175.000 – 600.000 tấn, so với mức 159.725 tấn của một tuần trước. Việc hoạt động xuất khẩu của Brazil đang được đẩy mạnh, số liệu trong báo cáo Export Sales tối nay nhiều khả năng sẽ không gây ra bất ngờ cho thị trường, và có thể sát với mức thấp nhất của khoảng dự đoán.

Tâm lý thận trọng trước thềm báo cáo WASDE sẽ tiếp tục bao trùm thị trường trong phiên hôm nay. Giá đậu tương có thể tiếp tục tăng và test lại vùng 1160 nếu như báo cáo Export Sales ghi nhận số liệu bán hàng tích cực. Ở kịch bản ngược lại, giá có thể giảm về vùng 1140.

BIỂU ĐỒ GIÁ ĐẬU TƯƠNG THÁNG 3 (ZSEH24) – KHUNG H4

BIỂU ĐỒ GIÁ KHÔ ĐẬU TƯƠNG THÁNG 3 (ZMEH24) – KHUNG H4

Giá khô đậu tương nhiều khả năng sẽ duy trì đà tăng hiện tại và hướng lên vùng 335 trong phần còn lại của phiên hôm nay. Đối với dầu đậu tương, nhiều khả năng giá sẽ tiếp tục diễn biến giằng co trong vùng 44,5 – 45,7.

BIỂU ĐỒ GIÁ DẦU ĐẬU TƯƠNG THÁNG 3 (ZLEH24) – KHUNG H4

 

Share bài viết

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on email