Tổng hợp diễn biến thị trường kết thúc phiên giao dịch ngày 17/8/2021


Nông sản

Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/08, ngoại trừ khô đậu tương, các mặt hàng nông sản đều chìm trong sắc đỏ.

Giá đậu tương chỉ giảm nhẹ 0.49% với mức biến động nhẹ trong phiên khi thị trường vắng bóng những thông tin mạnh định hướng giá. Mức giảm này chủ yếu là do ảnh hưởng từ xu hướng của thị trường chung.

Dầu đậu tương kết thúc phiên tiếp tục giảm 1.3% do diễn biến suy yếu của dầu cọ và thị trường dầu thô. Lo ngại về sự lan rộng của biến thể Delta ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng dầu thực vật ở châu Á tiếp tục là yếu tố “bearish” với giá. Mức giảm của dầu đậu tương đã hỗ trợ giá khô đậu tương tăng nhẹ 0.11%.

Giá ngô
đầu phiên tăng nhẹ do chất lượng vụ mùa ở Mỹ giảm xuống nhưng đóng cửa vẫn giảm nhẹ 0.92%. Bên cạnh áp lực từ đà giảm của lúa mì, lo ngại về triển vọng tiêu thụ ngô trong sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ không còn mạnh mẽ như giai đoạn trước ở Trung Quốc là yếu tố tạo áp lực lên giá.

Giá lúa mì
kết thúc phiên hôm qua bất ngờ giảm mạnh 3.42%. Lực bán mạnh tại vùng kháng cự 770 khiến giá lại một lần nữa bị đẩy xuống sâu khi chạm mức chặn trên này. Bên cạnh đó, lúa mì Úc có được lợi thế cạnh tranh hơn tại các thị trường châu Á khiến cho lúa mì CBOT kém hấp dẫn hơn đối với các nhà nhập khẩu.


Công nghiệp

Hiệp hội Cà phê Nhân xô – GCA của Mỹ cho biết, tồn kho cà phê của nước này tăng 5.1% so với tháng trước, lên mức 6.07 triệu bao, cao nhất trong vòng 9 tháng trở lại đây.

Giá cà phê cũng chịu áp lực do lo ngại rằng đại dịch tồi tệ hơn sẽ dẫn đến các hạn chế chặt chẽ hơn, làm giảm số giờ hoạt động của các nhà hàng và hạn chế nhu cầu cà phê. Mức trung bình trong 7 ngày của các ca dương tình mới của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong nửa năm là 134.013. Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản đã mở rộng tình trạng khẩn cấp về đại dịch ở 7 quận, bao gồm cả Tokyo, cho đến ngày 12/09.

Một tiêu cực khác đối với cà phê Arabica là viêc đồng Real Brazil giảm xuống mức thấp nhất 1.5 tháng so với đồng đô la do sẽ khuyến khích nông dân đẩy mạnh việc bán hàng.


Năng lượng

Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI giảm 1.04% xuống 66.59 USD/thùng, giá Brent giảm 0.69% xuống 69.03 USD/thùng.

Doanh số bán lẻ tại Mỹ giảm mạnh 1% so với mức dự đoán giảm 0.1% của thị trường, kết hợp với thông tin gây thất vọng của Trung Quốc từ đầu tuần cho thấy sự giảm tốc của 2 “đầu tàu” kinh tế, khiến cho triển vọng chung của thế giới suy yếu. Trong bối cảnh này, việc Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tuyên bố kéo dài tình trạng khẩn cấp ở Tokyo đồng thời gia tăng các biện pháp mới để đối phó với dịch COVID-19 càng gây sức ép lên giá dầu.

Dollar Index lên mức cao nhất trong vòng 4 tháng cũng tạo nhiều sức ép cho giá các mặt hàng định giá bằng đồng bạc xanh như dầu thô. Kỳ vọng về việc FED cắt giảm chương trình thu mua tài sản kết hợp với các nhà đầu tư chuyển sang nắm giữ các tài sản an toàn đã khiến USD tăng mạnh 2 phiên liên tiếp.

Giá khí tự nhiên giảm mạn 2.75% xuống 3.851 USD/MMBTu theo đà giảm chung của thị trường năng lượng.


Kim loại

Giá bạc và bạch kim đều gặp áp lực bán do lo ngại đại dịch toàn cầu ngày càng tồi tệ sẽ dẫn đến những hạn chế, làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và nhu cầu kim loại công nghiệp. Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu toàn cầu giảm sau khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong 1.5 tuần là 1.215% và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức tiếp tục giảm về -0.499% đã hạn chế được đà giảm của giá bạc.

Dữ liệu kinh tế Mỹ hôm qua xáo trộn đối với đồng Dollar. Về mặt tích cực, Sản lượng công nghiệp trong tháng 7 của Mỹ đã tăng 0.9% so với tháng trước, mạnh hơn so với dự đoán không thay đổi của thị trường. Về mặt tiêu cực, Doanh số bán lẻ tháng 07 giảm 1.1%, thấp hơn so với kỳ vọng tăng 0.1% và mức tăng 0.7% của tháng trước.

Nguồn: Trung tâm tin tức Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam.

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN
Đội ngũ chuyên gia tư vấn đầu tư 24/7

Share bài viết

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on email