Tổng hợp diễn biến thị trường ngày 23/8/2021


Nông sản

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, ngô và đậu tương diễn biến trái chiều nhưng với các mức thay đổi không đáng kể.

Dầu đậu tương phục hồi mạnh nhờ tâm lý chốt lời của phe bán khống sau 5 phiên giảm liên tiếp, kết hợp với diễn biến tăng mạnh trở lại của giá dầu thô và dầu cọ, đã giúp cho giá dầu đâu tăng vọt 3.37%.

Mức tăng mạnh của dầu đậu đã tác động tích cực đến giá đậu tương. Mặc dù vậy triển vọng mùa vụ tích cực từ sau báo cáo Crop Tour vẫn gây áp lực lớn khiến giá đóng cửa chỉ tăng không đáng kể. Và cũng chính diễn biến này đã khiến áp lực bán dồn toàn bộ sang giá khô đậu do xu hướng trái chiều với dầu đậu, đẩy giá khô đậu rơi khỏi mốc hỗ trợ quan trọng 350.

Giá ngô
giảm nhẹ 0.28% bất chấp Mỹ công bố đơn hàng hơn 450,000 tấn ngô bán cho Mexico trong báo cáo Daily Export Sales hôm qua.

Tương tự đậu tương, mùa vụ đang có phần tốt hơn ở Mỹ sau báo cáo Crop Tour cũng đang là yếu tố “bearish” với giá.Giá lúa mì tăng gần 1%, trái chiều với mức giảm nhẹ của giá ngô. Đồng Dollar điều chỉnh giảm sau khi đạt mức cao nhất 10 tháng là yếu tố hỗ trợ quan trọng cho giá lúa mì Mỹ.


Công nghiệp

Hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 12 tăng nhẹ 0.2% lên 181.84 cents/pound, hợp đồng Robusta kỳ hạn tháng 11 bứt phá 1.6% lên 1912 USD/tấn. Các yếu tố hỗ trợ cho giá Arabica không còn quá mạnh nên giá dù đóng cửa với sắc xanh nhưng vẫn ở chưa thoát khỏi vùng đi ngang từ 180 – 185 cents/pound.

Trái lại, tình hình dịch bệnh đang diễn ra tại nước sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới là Việt Nam vẫn rất căng thẳng và chưa có bất kỳ tín hiệu nào cho thấy dịch bệnh sẽ được kiểm soát sớm. Điều này khiến cho giới đầu tư lo ngại cho niên vụ sản xuất mới ở Việt Nam có thể gặp nhiều khó khăn và nguồn cung Robusta trên toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó chênh lệch giá giữa hai sàn vẫn ở mức cao khiến cho giá Cà phê Robusta vẫn được hỗ trợ nhiều.


Năng lượng

Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 5.63% lên 65.64 USD/thùng, giá Brent tăng 5.48% lên 68.75 USD/thùng. Đây là mức tăng trong ngày lớn nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.

Lực mua kỹ thuật tại vùng 62 USD/thùng đã dẵn dắt đà tăng ngay từ đầu phiên. Tiếp theo, các thông tin tích cực về tiến triển trong quá trình đối phó dịch COVID-19 tại Mỹ và Trung Quốc – 2 quốc gia đứng đầu thế giới đã thúc đẩy thị trường “bùng nổ”: Trung Quốc tuyên bố số ca nhiễm nội địa đã giảm về 0 – có thể mở đường cho nước này dỡ bỏ các lệnh phong toả trong thời gian tới.

Trong khi đó, tại Mỹ, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm đã phê duyệt đầy đủ vắc-xin COVID-19 Pfizer cho người từ 16 tuổi trở lên, với Nhà Trắng dự định sẽ thúc đẩy việc tiêm chủng trở thành bắt buộc với quân đội. Các quan chức y tế kỳ vọng điều này sẽ thúc đẩy chính quyền địa phương và công ty tư nhân đưa ra động thái tương tự.

Khí tự nhiên tăng 2.44% lên 3.945 USD/MMBTu với dự báo nhiệt độ cao sẽ kéo dài đến đầu tháng 9, kéo theo nhu cầu sử dụng điều hoà tăng.



Kim loại

Giá Bạc tăng 2.35% lên 23.66 USD/ounce, giá Bạch kim cũng đóng cửa với mức tăng 2% lên 1014.1 USD/ounce. Đồng USD suy yếu bất chấp thông tin doanh số bán nhà tăng trưởng tốt trong tháng 7, đã góp phần khiến cho giá hai mặt hàng kim loại quý được hưởng lợi. Chỉ số Dollar Index giảm 0.6% còn 92.96 điểm. Tình hình dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát tốt trên toàn cầu khiến cho giới đầu tư tin rằng FED sẽ chưa vội rút lại các chương trình kích thích trong cuộc họp tháng 9 sắp tới, giúp cho giá hai mặt hàng kim loại quý được hỗ trợ trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, mức giảm của phiên hôm qua có thể do lực chốt lời của các nhà đầu tư đồng USD sau khi giá trị của đồng bạc xanh đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 tháng. Việc cả hai mặt hàng kim loại quý đồng loạt tăng nhưng vẫn chưa thoát khỏi biên độ đi ngang trước đó cho thấy phiên hôm qua có thể chỉ là một nhịp tăng điều chỉnh nhẹ trong chu kì giảm lần này của nhóm kim loại quý.

Ở thị trường kim loại cơ bản, giá Đồng tăng nhẹ 2.4% lên 4.23 USD/pound trước tin tức Trung Quốc lần đầu tiên không có ca nhiễm mới nào trong ngày kể từ tháng 7. Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra rất phức tạp và khó kiểm soát ở khu vực châu Á, đây là tín hiệu cho thấy Chính phủ nước này đang làm rất tốt các công tác để kiểm soát dịch bệnh, và các hoạt động sản xuất công nghiệp nhờ vậy có thể sớm hồi phục trở lại. Kỳ vọng của các nhà đầu tư về triển vọng của thị trường Đồng trong thời gian tới là một yếu tố không nhỏ thúc đẩy sự tăng giá của kim loại này trong phiên hôm qua.

Trái lại, Quặng sắt là kim loại duy nhất tiếp tục giảm 2% còn 136 USD/tấn. Kể từ mức cao nhất mọi thời đại vào ngày 12/5 vừa qua, giá đã giảm hơn 40% và gây ra nhiều bất ngờ đối với giới đầu tư bởi đây là một nhịp giảm lớn. Nguồn cung Quặng sắt ở Úc và Brazil vẫn ở trong trạng thái ổn định dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tuy nhiên, những thay đổi trong nhu cầu tiêu thụ ở Trung Quốc đã khiến cho triển vọng của thị trường trở nên u ám hơn. Vốn là nước nhập khẩu tới 70% sản lượng Quặng sắt trên toàn thế giới, việc Bắc Kinh thắt chặt sản lượng năm 2021 nhằm thực hiện các mục tiêu kiểm soát khí thải và bảo vệ môi trường, khi mà các hoạt động xây dựng vẫn bị trì hoãn do các tác động của đại dịch, khiến cho giá Quặng sắt không còn được hỗ trợ nhiều. Thêm vào đó, giá Quặng sắt đã bị đầu cơ quá nóng trong năm nay, khiến cho lực bán càng thêm áp đảo. Trong ngắn hạn giá Quặng sắt khó có thể phục hồi lại mức đỉnh hồi tháng 5.


Nguồn: Trung tâm tin tức Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam.

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN
Đội ngũ chuyên gia tư vấn đầu tư 24/7

Share bài viết

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on email