Bản tin thị trường hàng hóa ngày 21.09

Phiên cuối tuần (18/09), giá hầu hết các mặt hàng đều đi lên. Tính chung cả tuần, giá dầu, đường, cao su, ngũ cốc đều tăng mạnh.

1. Năng lượng

Dầu tương đối vững trước các yếu tố trái chiều

Giá dầu trong phiên cuối tuần chỉ biến động nhẹ trong bối cảnh một chỉ huy của lực lượng tự xưng Quân đội Libya cho biết sẽ dỡ bỏ lệnh phong tỏa xuất khẩu dầu trong vòng một tháng – yếu tố có thể đẩy tăng nguồn cung dầu thô thế giới và làm giảm tác động tích cực từ việc OPEC+ sẽ thúc ép các thành viên thực hiện nghiêm túc cam kết cắt giảm sản lượng.

  • Dầu Brent chốt phiên giảm nhẹ 15 US cent xuống 43,15 USD/thùng.
  • Dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 14 US cent lên 41,11 USD/thùng.

Tại Libya, ngày 18/9, Tướng Khalifa Haftar khẳng định lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông đã quyết định nối lại việc khai thác và xuất khẩu dầu mỏ với điều kiện doanh thu phải được chia công bằng cũng như đảm bảo nguồn tiền này sẽ không được dùng để hỗ trợ khủng bố. Lệnh phong tỏa dầu mà Libya đang áp dụng đã khiến sản lượng dầu của nước này giảm xuống chỉ còn hơn 100.000 thùng/ngày, từ mức 1,2 triệu thùng/ngày trước đó. Hiện chưa rõ Libya có thể tăng sản lượng nhanh đến mức độ nào.

Mặc dù giảm trong phiên cuối tuần, nhưng tính chung cả tuần, giá dầu vẫn tăng do bão Sally ở Vịnh Mỹ tuần qua, một số ngân hàng trong đó có Goldman Sachs dự báo thị trường dầu sẽ thiếu cung, và OPEC+ cho biết sẽ thúc giục các nước thành viên của nhóm thực hiện tốt hơn thỏa thuận cắt giảm sản lượng và xuất khẩu, trong bối cảnh giá dầu gần đây giảm.

Tính chung cả tuần, dầu Brent tăng 8,3%, trong khi dầu WTI tăng 10,1%.

2. Kim loại

Vàng tăng do USD yếu đi

Giá vàng tăng trong phiên cuối tuần, tính chung cả tuần cũng đi lên tuần thứ 2 liên tiếp, do đồng USD yếu đi và lo ngại về triển vọng kinh tế thế giới hồi phục khó khăn do Covid-19.

  • Giá vàng giao ngay chốt phiên tăng 0,6% lên 1.953,72 USD/ounce, tính chung cả tuần giá tăng nhẹ 0,6%.
  • Vàng kỳ hạn tháng 12/2020 tăng 0,6% trong phiên này, lên 1.962,10 USD/ounce.

Chỉ số đồng USD so với rổ các tiền tệ đối tác chủ chốt đã giảm 0,1% trong phiên vừa qua.

Các nhà kinh doanh vàng nhận định, các yếu tố lúc này đều có lợi cho giá vàng tăng. Đó là các ngân hàng trung ương trên thế giới, nhất là Mỹ, đều tiếp tục tăng cường kích thích kinh tế; dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp…

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuần này đã quyết định sẽ duy trì lãi suất gần 0% trong một thời gian dài và đang xem xét gói trợ cấp trị giá 1,5 nghìn tỷ USD.

Đồng lập ‘đỉnh’ 2 năm

Giá đồng cao nhất trong vòng 2 năm do các nhà đầu cơ mua mạnh bởi đồng USD yếu đi và kinh tế Trung Quốc – nước tiêu dùng kim loại hàng đầu thế giới – hồi phục mạnh.

  • Đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London có thời điểm đạt 6.850 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 6/2018, trước khi kết thúc ở 6.837 USD, tăng 0,8% so với lúc đóng cửa phiên liền trước.

Giá đồng đã đi lên 6 tuần liên tiếp, và tăng 55% kể từ sau khi giảm xuống mức thấp nhất 45 tháng vào tháng 3/2020.

Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tháng 8/2020 tăng mạnh nhất trong vòng 8 tháng, trong khi OECD nâng dự báo về triển vọng kinh tế Trung Quốc trong năm nay.

Quặng sắt hồi phục vì lượng quặng lưu tại cảng Trung Quốc tăng chậm lại

Giá quặng sắt kỳ hạn trên thị trường Trung Quốc đảo chiều đi lên sau khi số liệu cho thấy lượng quặng lưu tại các cảng biển Trung Quốc tăng chậm lại trong tuần này.

  • Trên sàn Đại Liên, quặng giao tháng 1/2021 kết thúc tuần tăng 1,6% lên 803 CNY (118,90 USD)/tấn. Tuy nhiên, tính chung cả tuần giá vẫn giảm 3,6% – mức giảm mạnh nhất trong gần 7 tháng, do đã giảm liên tiếp ở 3 phiên cuối tuần.
  • Trên sàn Singapore, quặng sắt phiên cuối tuần tăng 2,5% lên 120,66 USD/tấn, và tính chung cả tuần cũng giảm giảm 4,5%.

Tuần này, giá quặng sắt tại Trung Quốc – nước chiếm hơn một nửa sản lượng thép của thế giới – có thời điểm đã chạm mức thấp nhất trong nhiều tuần do lượng quặng lưu tại các kho chứa hàng của các cảng biển Trung Quốc tăng khoảng 10% kể từ tháng 6 – khi chạm mức thấp nhất trong hơn ba năm. Tuy nhiên, lượng quặng lưu kho nói trên tại 45 cảng lớn của Trung Quốc tính đến ngày 17/9 vẫn ổn định ở 114,9 triệu tấn, chỉ cao hơn 0,3% so với mức 363.000 tấn của tuần trước đó.

Thị trường ngày 19/9: Giá dầu, vàng biến động nhẹ; đậu tương và đồng tăng mạnh - Ảnh 1.

3. Nguyên liệu công nghiệp

Cà phê arabica giảm

Giá cà phê arabica kỳ hạn tương lai giảm phiên thứ 5 liên tiếp do các quỹ hàng hóa bán mạnh sau khi dự báo sẽ có mưa ở Brazil – giúp cây cà phê sinh trưởng tốt.

  • Cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2020 giảm 4,5 US cent (3,8%) xuống 1,135 USD/lb, mức thấp nhất trong vòng một tháng rưỡi.
  • Cà phê robusta phiên này cũng giảm, với hợp đồng kỳ hạn tháng 11 giảm 31 USD (2,2%) xuống 1.356 USD/tấn.

Tính chung cả tuần, cà phê arabica giảm 14%, trong khi robusta giảm 5,4%.

Hầu hết các khu vực ở Brazil dự kiến sẽ có mưa, chấm dứt nỗi lo về khô hạn (lo ngại về thời tiết khô hạn ở Brazil là lý do chính đẩy giá arabica tăng trong thời gian qua).

Đường tăng

Giá đường tăng trong phiên cuối tuần.

  • Đường thô kỳ hạn tháng 10 tăng 0,15 US cent (1,2%) lên 12,77 US cent/lb, là phiên tăng thứ 4 liên tiếp và là mức giá cao nhất kể từ 1/9.

Tính chung cả tuần, đường thô tăng giá được 7,2% do nhu cầu mua mạnh đối với hàng physical.

  • Đường trắng phiên này cũng đi lên, với hợp đồng kỳ hạn tháng 12 tăng 3,3 USD (0,9%) lên 371,50 USD/tấn; tính chung cả tuần tăng gần 4%.

Mức chênh lệch giá đường trắng giữa hợp đồng kỳ hạn tháng 12/2020 với kỳ hạn tháng 3/2021 giảm gần đây, cho thấy nhu cầu đang mạnh.

Cao su tăng 5% trong tuần

Giá cao su tại Nhật Bản tăng lên mức cao nhất hơn 2 tuần trong phiên vừa qua, nối dài chuỗi tăng 5 phiên liên tiếp, do Thủ tướng mới của Nhật Bản cam kết sẽ tiếp tục những chính sách của người tiền nhiệm – gọi là Abenomics, và Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) nâng nhẹ dự báo về kinh tế nước này.

  • Trên sàn Osaka, cao su kỳ hạn tháng 2/2021 tăng 0,7 JPY (0,4%) lên 186 JPY/kg, cao nhất kể từ 2/9. Tính chung cả tuần, hợp đồng này tăng giá 5%, là tuần đầu tiên tăng trong vòng 3 tuần.
  • Tại Thượng Hải, cũng phiên cuối tuần, hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2021 tăng 1% lên 12.550 CNY/tấn.

4. Nông sản

Giá đậu tương trên sàn Chicago phiên cuối tuần tiếp tục tăng, đạt mức cao nhất 2 năm do nhu cầu mạnh từ Trung Quốc.

  • Giá đậu tương kỳ hạn tháng 11 tăng 5 US cent lên 10,43-1/2 USD/bushel vào lúc đóng cửa, sau khi có thời điểm đạt 10,46-3/4 USD, mức cao nhất kể từ tháng 5/2018.

Như vậy, giá đậu tương đã tăng suốt 17/19 phiên giao dịch gần đây nhờ việc Trung Quốc mua mạnh.

Giá lúa mì cũng tăng 3% do lo ngại nguồn cung của các nước sản xuất chủ chốt bị thắt chặt.

  • Lúa mì kỳ hạn tháng 12 tăng 18-3/4 US cent lên 5,75 USD/bushel vào cuối phiên, sau khi có thời điểm đạt 5,78 USD – cao nhất kể từ ngày 21/2.

Giá ngô tăng phiên thứ 3 liên tiếp.

  • Ngô giao cùng kỳ hạn cũng tăng 3-1/4 US cent lên 3,78-1/2 USD/bushel.

Nguồn: Trí thức trẻ

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN
Đội ngũ chuyên gia tư vấn đầu tư 24/7

Share bài viết

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on email