Giá Arabia tăng 3 phiên liên tiếp, chạm mức cao nhất 3 tuần

Kết thúc phiên giao dịch 27/3, giá Robusta bật tăng 2,71%, tạo đỉnh mới trong 30 năm và giá Arabica tăng thêm 1,38%, lên mức cao nhất trong ba tuần. Tình hình khan hàng tại Việt Nam tiếp tục đẩy giá Robusta tăng mạnh, từ đó kéo theo giá Arabica đi lên.

Nguyên liệu công nghiệp

Hiệp hội Cà phê Việt Nam (Vicofa) cho biết, lượng cà phê xuất đi trong niên vụ 2023/24 của nước ta ước tính giảm 20% so với niên vụ trước, xuống 1,336 triệu tấn do sản lượng sụt giảm sau khi đối mặt với thời tiết khô nóng.

Bên cạnh đó, thị trường quốc tế vẫn lan truyền thông tin nông dân và thương nhân Việt Nam tiếp tục “găm hàng” chờ giá tăng tiếp. Điều này ảnh hưởng lên tâm lý nhà đầu tư, từ đó tạo hỗ trợ lên giá.

Về phía Arabica, bên cạnh lực kéo từ giá Robusta, tồn kho cà phê vẫn ở mức thấp tại các thị trường tiêu thụ chính đã góp phần hỗ trợ giá tăng.

Trong báo cáo kết phiên 26/3, tổng số Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE – US đạt 585.379 bao, giảm 21,72% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù lượng cà phê đang lưu trữ tại đây liên tục được củng cố trong suốt 2 tháng qua, nhưng nhìn về dài hạn, con số này vẫn chưa thể thoát khỏi vùng thấp lịch sử.

Cùng với đó, Liên đoàn Cà phê Châu Âu (ECF) cho biết, tổng số cà phê đang lưu trữ tại các cảng tính đến hết tháng 2/2024 chạm mức 401,77 tấn, thấp nhất kể từ tháng 8/2019.

Ở chiều ngược lại, giá bông dẫn đầu đà giảm khi đánh mất 2,83% nhờ tốc độ hồi phục nhanh chóng của dữ liệu tồn kho trên Sở ICE-US. Theo báo cáo kết phiên 26/3, lượng bông lưu trữ tại đây đạt 50.458 kiện, tăng mạnh 1.000 kiện so với phiên trước đó.

Giá dầu cọ thô giảm mạnh 2,07% do sức ép từ các loại dầu thực vật khác cũng như triển vọng nguồn cung tích cực tại Malaysia. Dữ liệu từ Intertek testing Services và AmSpec Agri cho thấy, xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của nước này trong 25 ngày đầu tháng 3 có thể tăng từ 13,8% đến 21,2% so với cùng kỳ tháng trước.

Giá đường 11 đánh mất 0,89% khi thị trường phản ứng với những tín hiệu khả quan về mùa vụ tại Brazil. Theo tập đoàn công nghiệp Unica, sản lượng đường tại khu vực Trung Nam của nước này trong nửa đầu tháng 3/2024 tăng 313% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 64.000 tấn. Điều này đã kéo sản lượng đường niên vụ 23/24 tính đến giữa tháng 3 tăng 25,8%, lên mức 42,25 triệu tấn.

Nông sản

Ngoại trừ lúa mì, hầu hết các mặt hàng nông sản đều đồng loạt suy yếu vào hôm qua. Dầu đậu tương là mặt hàng giảm mạnh nhất nhóm do phải chịu áp lực từ việc dầu cọ thô suy yếu.

Giá đậu tương suy yếu phiên thứ 2 liên tiếp, với mức giảm nhẹ 0,5%. Mặc dù thị trường khá thận trọng trước thềm báo cáo Triển vọng Gieo trồng Mỹ 2024 được công bố vào tối nay, tuy nhiên, tình hình thời tiết có sự cải thiện tại Argentina là yếu tố đã gây áp lực lên giá. Theo Sở giao dịch ngũ cốc Buenos Aires (BAGE), các khu vực nông nghiệp chính của Argentina sẽ chứng kiến ​​tình trạng gần như khô hạn trong bảy ngày tớ. BAGE cho biết trong báo cáo thời tiết nông nghiệp hàng tuần: “Phần lớn Vùng Pampas sẽ nhận được những đóng góp khan hiếm, với một số khu vực có lượng mưa vừa phải”. Điều này sẽ hỗ trợ nông dân đẩy mạnh việc thu hoạch đậu tương niên vụ 2023/24 sau những trận mưa lớn vừa qua.

Giá ngô kéo dài đà giảm sang trong phiên thứ 4 liên tiếp và ghi nhận mức thấp nhất trong 3 tuần vừa qua. Thị trường chủ yếu biến động do những kỳ vọng trước thềm2 báo cáo quan trọng của USDA phát hành vào 23h tối nay. Đối với báo cáo Prospective Plantings, dự đoán trung bình cho số liệu diện tích ngô Mỹ được trồng trong năm 2024 ở mức 91,78 triệu mẫu, cao hơn mức 91 triệu mẫu trong ước tính đầu tiên được đưa ra ở Ag Outlook Forum tháng 2. Trong khi đó, đối với mùa vụ hiện tại, tồn kho ngô Mỹ tính đến ngày 1/3/2024 được dự đoán sẽ đạt mức 8,4 tỷ giạ, cao hơn nhiều so với mức 7,4 tỷ giạ trong cùng kì năm ngoái. Điều này phản ánh kỳ vọng của thị trường rằng quy mô vụ ngô của Mỹ sẽ lớn hơn so với dự kiến, gây áp lực lên giá.

Đối với lúa mì, mặt hàng này ghi nhận mức tăng nhẹ vào hôm qua do lo ngại nguồn cung biển Đen. Bộ Nông nghiệp Ukraine cho biết, xuất khẩu ngũ cốc của nước này trong 26 ngày đầu tháng 3 đạt 4,5 triệu tấn, giảm nhẹ so với mức 4,6 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái.Lũy kế xuất khẩu ngũ cốc từ đầu niên vụ 23/24 tới ngày 26/3 của Ukraine đạt 34,2 triệu tấn, cũng giảm so với mức 36,9 triệu tấn cùng kỳ niên vụ trước. Theo nguồn tin thị trường, xuất khẩu của Ukraine dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong tháng 4 và tháng 5 sau khi các cuộc tấn công gần đây của Nga đã làm hư hại các cảng và cơ sở hạ tầng quan trọng khác. Đây là yếu tố đã giúp lúa mì đi ngược diễn biến chung nhóm nông sản vào hôm qua.

Năng lượng

Giá dầu thế giới biến động giằng co trong phiên giao dịch ngày 27/3, chốt phiên với mức giảm nhẹ chủ yếu do báo cáo tồn kho nhiên liệu tại Mỹ có xu hướng gia tăng. Giá dầu WTI kết phiên  giảm 0,33% xuống 81,35 USD/thùng. Dầu Brent giảm nhẹ 0,26% xuống 85,41 USD/thùng.

Theo báo cáo trạng thái nhiên liệu hàng tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 22/3 ghi nhận mức tăng 3,16 triệu thùng. Tồn kho tại kho lưu trữ quan trọng Cushing, Oklahoma, địa điểm giao hàng dầu WTI kỳ hạn cũng tăng 2,1 triệu thùng trong tuần trước lên mức 33,5 triệu thùng. Điều này phản ánh nguồn cung có xu hướng dồi dào hơn tương đối so với nhu cầu và từ đó gây áp lực cho giá dầu trong phiên.

Trước đó, viện dầu khí Mỹ (API) công bố mức tồn kho dầu tăng mạnh 9,3 triệu thùng, đã kéo giá dầu giảm ngay từ phiên mở cửa. Dữ liệu của EIA công bố mức tăng chỉ bằng 1/3 dữ liệu từ API, nên giá dầu cũng không còn gặp nhiều sức ép so với phiên sáng.

Dữ liệu EIA cũng cho thấy nhu cầu xăng tại Mỹ giảm tuần thứ hai liên tiếp xuống 8,7 triệu thùng/ngày, giảm từ 8,8 triệu thùng/ngày trong tuần trước.

Ngoài ra, sự hoài nghi về mức độ tuân thủ cam kết cắt giảm sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng đè nặng lên giá. Một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy những khó khăn bắt đầu xuất hiện, với việc OPEC đã vượt mục tiêu sản lượng khoảng 190.000 thùng/ngày trong tháng 2.

Mặc dù vậy, giá dầu đã đảo ngược mức giảm rõ rệt về cuối phiên sau thông tin về việc Chính quyền Biden đã trao hợp đồng mua 2,8 triệu thùng dầu cho kho dự trữ chiến lược (SPR) của Chính phủ với giá hơn 81 USD/thùng, cao hơn 2 USD so với giá mua mục tiêu. Dầu dự kiến ​​sẽ được giao vào tháng 9.

Kim loại

Khép lại ngày giao dịch 27/3, sắc đỏ chiếm ưu thế hơn trên bảng giá kim loại. Đối với kim loại quý, giá bạc phục hồi 0,52% lên 24,75 USD/ounce chủ yếu nhờ lực mua kĩ thuật. Trái lại, giá bạch kim quay đầu giảm 1,19%, dừng chân tại 909,7 USD/ounce, do chịu sức ép bởi đồng USD tăng giá.

Chốt phiên, chỉ số Dollar Index, thước đo đo lường sức mạnh của đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng lên 104,37 điểm, tiếp tục duy trì ở mức cao nhất trong hơn 1 tháng trở lại đây. Đồng bạc xanh vẫn đang được củng cố nhờ bức tranh lạc quan của nền kinh tế Mỹ. Bên cạnh đó, việc dòng tiền dịch chuyển mạnh mẽ sang thị trường chứng khoán với cả ba chỉ số chính tại Phố Wall đều phục hồi trong sắc xanh đã làm giảm dòng tiền nắm giữ kim loại quý, từ đó gây sức ép lên giá bạch kim.

Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX tiếp tục trải qua một phiên giao dịch giằng co do thông tin cơ bản đang khá trái chiều. Chốt phiên, giá đồng neo tại mức 4 USD/pound sau khi giảm 0,21%.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố sáng ngày 27/3, lợi nhuận công nghiệp trong hai tháng đầu năm nay của Trung Quốc tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái, kéo dài chuỗi tăng kể từ tháng 8 và bổ sung thêm những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế nước này khởi sắc hơn. Trước đó, dữ liệu cũng chỉ ra sản lượng công nghiệp, đầu tư tài sản cố định tăng vượt dự kiến trong hai tháng đầu năm. Những dữ liệu tích cực này phần nào giúp củng cố sự lạc quan trên thị trường, vì thế giá đồng cũng được hưởng lợi.

Tuy nhiên, yếu tố này chỉ mang tính chất trấn an tâm lý thị trường và giá đồng vẫn đang phải chịu sức ép do tiêu thụ yếu. Bất chất việc các nhà sản xuất Trung Quốc hạn chế sản lượng, tồn kho đồng trên Sở Thượng Hải vẫn liên tục tăng và hiện đã vượt 285.000 tấn, cao nhất kể từ tháng 4/2020. Điều này cho thấy nhu cầu vẫn còn trầm lắng và chưa cần thiết phải rút đồng từ các kho dự trữ.

Trong một diễn biến khác, giá quặng sắt giảm hai phiên liên tiếp khi giảm 2,78% về 100,45 USD/tấn, mức thấp nhất trong hơn một tuần trở lại đây. Áp lực từ yếu tố tiêu thụ vẫn đang đè nặng lên giá quặng sắt. Các nhà phân tích tại công ty tư vấn Mysteel cho biết trong một báo cáo, sản lượng kim loại nóng trung bình hàng ngày trong tháng 4 của Trung Quốc dự kiến ​​ở mức 2,25 triệu đến 2,26 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với mức 2,45 triệu tấn cùng kỳ năm trước.

Share bài viết

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on email