Lo ngại nguồn cung toàn cầu thắt chặt, giá dầu cao nhất trong 4 tháng

Kết thúc ngày giao dịch 14/3, giá dầu ghi nhận phiên tăng thứ hai liên tiếp lên mức cao nhất trong vòng 4 tháng trước mối lo ngại về nguồn cung toàn cầu thắt chặt.

Nông sản

Thị trường nông sản khép lại phiên giao dịch ngày 14/3 với 4/5 mặt hàng ghi nhận giảm giá. Lúa mì là mặt hàng dẫn dắt đà suy yếu của cả nhóm, khi lao dôc tới 2,2% vào hôm qua. Trong khi đó, nhóm họ đậu diễn biến rung lắc mạnh, và kết phiên với mức biến động không đáng kể.

Trong bối cảnh lúa mì Nga chiếm ưu thế áp đảo trên thị trường quốc tế và người mua Trung Quốc hủy hàng loạt đơn mua lúa mì trước đó, giá lúa mì CBOT đã chịu áp lực lớn. Cụ thể, IKAR dự báo sản lượng lúa mì niên vụ 24/25 của Nga sẽ đạt 93 triệu tấn, cao hơn so với mức 91,6 triệu tấn của niên vụ trước. Để chuẩn bị cho vụ mùa bội thu sắp tới, Nga đang đẩy mạnh xuất khẩu lượng tồn kho, gây áp lực lên giá toàn cầu giảm mạnh. Điều này dẫn đến động thái ồ ạt hủy mua hàng của Trung Quốc. Các thương nhân châu Á cho biết, người mua Trung Quốc gần đây đã hủy hoặc hoãn thời gian nhận hàng đối với khoảng 1 triệu tấn lúa mì từ Australia, vốn dự kiến được vận chuyển trong giai đoạn tháng 2 – tháng 4. Trước đó, nước này cũng đã hủy mua 504.000 tấn lúa mì niên vụ 23/24 từ Mỹ.

Giá ngô hợp đồng tháng 5 quay đầu giảm mạnh trong phiên hôm qua và kết thúc xu hướng giằng co kéo dài trong 4 phiên trước đó. Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC) dự báo, sản lượng ngô toàn cầu niên vụ 24/25 sẽ đạt mức 1,233 tỷ tấn, tăng so với 1,227 tỷ tấn của niên vụ hiện tại. Triển vọng nguồn cung thế giới dồi dào hơn trong niên vụ tới đã tác động “bearish” lên giá ngô.

Ngược lại, việc doanh số bán hàng ngô của Mỹ trong tuần trước đã cải thiện 15,7%, cùng với đơn hàng Daily Export Sales mới xuất hiện vào tối qua đã phản ánh nhu cầu quốc tế với nguồn cung Mỹ vẫn đang ở mức cao, hỗ trợ giá và hạn chế đà giảm trong phiên vừa rồi.

Giá đậu tương ghi nhận mức giảm nhẹ, chỉ 0,13%. Báo cáo Export Sales tối qua cho biết, khối lượng bán hàng đậu tương của Mỹ trong tuần đầu tiên của tháng 3 đạt 375.980 tấn, giảm 38,7% so với tuần trước đó và thấp hơn mức doanh số trung bình mà thị trường kỳ vọng là 525.000 tấn. Số liệu này phản ánh nhu cầu quốc tế với nguồn cung Mỹ đang có dấu hiệu suy yếu, trong bối cảnh đậu tương vừa được thu hoạch  từ Brazil đã bắt đầu gia tăng mạnh kể từ tháng này và gây sức ép cạnh tranh tới giá CBOT.

Năng lượng

Kết thúc ngày giao dịch 14/3, giá dầu ghi nhận phiên tăng thứ hai liên tiếp lên mức cao nhất trong vòng 4 tháng trước mối lo ngại về nguồn cung toàn cầu thắt chặt. Ngoài ra, việc Mỹ tăng cường bổ sung dầu vào Kho Dự trữ Chiến lược (SPR), cũng góp phần củng cố lực mua trên thị trường.

Cụ thể, giá dầu WTI tăng 1,93% lên 81,26 USD/thùng. Dầu Brent tăng 1,65% lên 85,42 USD/thùng.

Trong báo cáo thị trường năng lượng tháng 3, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã hạ dự báo tăng trưởng nguồn cung toàn cầu năm 2024 xuống 800.000 thùng/ngày, từ mức 1,7 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, tổ chức này đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu toàn cầu năm 2024 lên 1,3 triệu thùng/ngày, cao hơn 110.000 thùng/ngày so với dự báo trong tháng 2. IEA cho biết thêm, giả định Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt sản lượng, thị trường có thể sẽ thâm hụt khoảng 300.000 thùng/ngày trong giai đoạn cuối năm, thay vì thặng dư 800.000 thùng/ngày như trong báo cáo trước.

Tín hiệu thắt chặt nguồn cung từ phía Nga cũng là động lực thúc đẩy đà tăng của giá. Theo dữ liệu từ các nguồn trong ngành và tính toán của Reuters, xuất khẩu sản phẩm dầu bằng đường biển của Nga trong tháng 2 đã giảm 1,5% so với tháng trước xuống 9,943 triệu tấn do bảo trì ngoài kế hoạch tại các nhà máy lọc dầu. Trong đó, xuất khẩu qua các cảng Biển Đen và Biển Azov của Nga trong tháng 2 giảm 18,8% xuống 3,265 triệu tấn, chủ yếu do thiếu nguồn cung từ nhà máy lọc dầu Tuapse và thời tiết bão trong khu vực. Xuất khẩu từ các cảng Murmansk và Arkhangelsk ở Bắc Cực của Nga giảm 34% xuống 113.900 tấn.

Đáng chú ý, vào thứ Năm, Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) đã công bố đề xuất mua khoảng 1,5 triệu thùng dầu để bổ sung vào Kho Dự trữ Chiến lược (SPR) cho đợt giao hàng vào tháng 8/2024. Ngoài ra, DOE cho biết thêm một đề xuất khác với khối lượng mua tương tự cho đợt giao hàng vào tháng 9/2024 sẽ được đưa ra vào ngày 21/3. Như vậy, hai đề xuất với tổng cộng khối lượng mua là 3 triệu thùng sẽ được vận chuyển đến địa điểm Bayou Choctaw, Louisiana. DOE cho biết thêm chính quyền Mỹ mong muốn mua lại dầu ở mức 79 USD/thùng hoặc thấp hơn, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 95 USD/thùng mà dầu được bán ra vào năm 2022.

Bên cạnh đó, giá dầu còn nhận được hỗ trợ khi rủi ro địa chính trị tại Trung Đông có xu hướng gia tăng. Lãnh đạo lực lượng Houthi ở Yemen, Abdul Malik al-Houthi, cho biết các hoạt động của nhóm nhắm vào hoạt động vận tải sẽ leo thang hơn nữa để ngăn chặn các tàu liên kết với Israel đi qua Ấn Độ Dương tới Mũi Hảo Vọng.

Nguyên liệu công nghiệp

Khép lại phiên giao dịch 14/3, giá hai mặt hàng cà phê đồng loạt khởi sắc, trong đó giá Arabica hồi 0,66% và giá Robusta tăng thêm 0,52%. Triển vọng nguồn cung tích cực cùng sự hỗ trợ từ đồng USD chưa đủ mạnh để duy trì sức ép lên giá cà phê.

Tồn kho Arabica đạt chuẩn tiếp đà khởi sắc đã tiếp tục góp phần củng cố nguồn cung trên thị trường. Kết phiên 13/3, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US tăng thêm 7.380 bao, nâng tổng số cà phê đã qua chứng nhận lên mức 458.107 bao.

Cùng với đó, Dollar Index phiên hôm qua tăng 0,56% khi dữ liệu về số đơn trợ cấp thất nghiệp hàng tuần giảm khiến dòng tiền từ các thị trường như chứng khoán hay hàng hoá chảy sang các tài sản trú ẩn. Điều này góp phần gia tăng sức ép lên giá cà phê.

Với Robusta, sự cải thiện của tồn kho trên Sở ICE-EU trong 4 phiên liên tiếp là yếu tố hạn chế lực phục hồi của giá phiên giao dịch. Kết phiên 12/3, tồn kho Robusta trên sở ICE tăng thêm 760 tấn, lên mức 25.470 tấn.

Giá bông dẫn đầu đà giảm với 1,5% nhờ sự cải thiện của tồn kho kết hợp với sự mạnh lên của đồng USD. Theo báo cáo tồn kho từ Sở ICE-US, tính đến ngày 14/3, lượng bông lưu trữ tại đây được bổ sung 1.100 kiện so với ngày 12/3, lên mức 27.765 kiện.

Thêm vào đó, đồng USD mạnh lên đã tạo áp lực lớn lên giá bông Mỹ đối với khách hàng nắm giữ các loại tiền khác. Chi phí tăng khiến lực mua yếu thế trên thị trường.

Giá đường 11 đánh mất 0,73% khi thị trường phản ứng với triển vọng nguồn cung tích cực tại Ấn Độ. Hiệp hội các nhà sản xuất đường Ấn Độ đã nâng dự báo sản lượng mía niên vụ 23/24 của nước này lên 34 triệu tấn, tăng 2,9% so với dự báo trước đó. Nguyên liệu đầu vào gia tăng kỳ vọng sẽ góp phần hỗ trợ nguồn cung đường nới lỏng hơn trong thời gian tới.

Giá dầu cọ thô tăng thêm 2,38% trước những tín hiệu kém khả quan về tình hình nguồn cung tại Malaysia. Theo Hội đồng Dầu cọ Malaysia (MPOB), tồn kho dầu cọ của nước này tính đến cuối tháng 2/2024 đã chạm mức thấp nhất trong 7 tháng với 1,92 triệu tấn, giảm 5% so với tháng trước.

Kim loại

Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/3, ngoại trừ thiếc LME, tất cả các mặt hàng còn lại trong nhóm kim loại đều ghi nhận đà giảm giá sau khi tăng mạnh trong phiên trước đó. Dữ liệu lạm phát sản xuất tại Mỹ trong tháng 2 tiếp tục cao hơn dự báo, đã làm suy giảm kỳ vọng lãi suất hạ nhiệt nhanh chóng trong thời gian tới. Điều này góp phần thúc đẩy đồng USD và gây sức ép tới giá kim loại, đặc biệt là kim loại quý bạc và bạch kim. Chốt phiên, giá bạc giảm từ mức đỉnh 3 tháng, giảm 0,38% xuống 25,06 USD/ounce. Giá bạch kim giảm gần 1% xuống 935,7 USD/ounce.

Theo số liệu Cục Thống kê Lao động Mỹ, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 2 của Mỹ tăng 0,6% so với tháng trước, cao hơn đến 0,3 điểm phần trăm so với dự báo và tăng tốc từ mức 0,3% ghi nhận trong tháng 1, được thúc đẩy chủ yếu bởi giá hàng hoá, đặc biệt là năng lượng. Chỉ số PPI lõi, loại bỏ biến động giá thực phẩm và năng lượng, tăng 0,3% so với tháng trước trong tháng 2, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo.

Kết hợp với báo cáo lạm phát giá tiêu dùng tăng vượt dự kiến được công bố trước đó, các nhà đầu tư dường như trở nên nghi ngờ về thời gian và mức độ cắt giảm lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong năm nay.

Công cụ theo dõi FED watch của CME Group cho thấy ý kiến về việc giữ nguyên lãi suất 5,25 – 5,50% trong cuộc họp tháng 6 đã tăng từ 34,8% lên 40,5%. Đồng USD cũng được củng cố trong phiên hôm qua, với chỉ số Dollar Index tăng 0,56%, từ đó gây áp lực tới nhóm kim loại nói chung và kim loại quý nhạy cảm với lãi suất như bạc và bạch kim nói riêng do chi phí nắm giữ đắt đỏ hơn. Sức cạnh tranh tương đối của kim loại quý so với đồng USD và lãi suất cũng bị hạn chế.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX cũng quay đầu giảm giá sau khi lên đỉnh 10 tháng qua, với mức giảm 0,36% xuống 4,04 USD/pound. Tác động chủ yếu đến từ áp lực vĩ mô, tương tự như nhóm kim loại quý. Trong khi đó, lo ngại về nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc vẫn còn là rào cản khá lớn, nhất là khi thiếu vắng các động lực kích thích từ phía Chính phủ nước này.

Đáng chú ý, giá quặng sắt tiếp tục rơi về vùng thấp nhất trong hơn 6 tháng qua, giảm 2,27% xuống còn 102,37 USD/tấn trong bối cảnh nhiều nhà máy thép tại Trung Quốc đóng cửa bảo trì do tiêu thụ kém sắc và tồn kho cao. Theo công bố của Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA), tính đến ngày 10/3, tổng lượng tồn kho thép thành phẩm chính tại 21 thành phố lớn của Trung Quốc đạt tổng cộng 14,22 triệu tấn, tăng 4% so với ngày 29/2. Trong đó, tồn kho thép cuộn cán nóng (HRC), thép cuộn cán nguội (CRC), thép tấm thông thường, thép dây và thép cây tăng lần lượt 4,3%, 1,4%, 2,9%, 4,6% và 4,6% so với ngày 29/2.

Share bài viết

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on email