Lúa mì bật tăng trở lại khi xung đột biển Đen leo thang

Thị trường nông sản đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần với lúa mì là mặt hàng có diễn biến đáng chú ý nhất cả nhóm. Sau khi mở cửa tạo gapup, giá lúa mì tiếp tục duy trù được sắc xanh cho tới cuối phiên và nhảy vọt tới 2,7% vào hôm qua. Trong khi đó, các mặt hàng còn lại trong nhóm đồng loạt ghi nhận giảm giá sau khi kết phiên.

Nông sản

Lo ngại về hoạt động xuất khẩu ngũ cốc tại khu vực biển Đen là yếu tố chính đã thúc đẩy lực mua trên thị trường lúa mì. Theo Lực lượng không quân Ukraine, Nga đã tiến hành một cuộc không kích vào cuối tuần trước vào cảng Odesa ở Biển Đen, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp nông nghiệp và phá hủy một số tòa nhà. Đây là cuộc tấn công trở lại của Nga kể từ đầu năm nay, khiến tình hình chiến sự leo thang trở lại. Động thái trên tác động “bullish” mạnh đến thị trường do lo ngại Nga sẽ tiến hành nhiều cuộc không kích hơn nữa vào các cảng biển của Ukraine.

Giá ngô chỉ biến động nhẹ so với mức tham chiếu. Theo AgRural, tiến độ gieo trồng ngô vụ 2 của Brazil đã đạt 97% diện tích dự kiến, cao hơn so với mức 91% của cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ gieo trồng nhanh chóng đang mang đến triển vọng nguồn cung tốt hơn tại quốc gia Nam Mỹ này, đồng thời tác động “bearish” nhẹ đến giá.

Ở chiều ngược lại, báo cáo Export Inspections mới đây cho biết, Mỹ đã giao 1,24 triệu tấn ngô trong tuần trước, cao hơn mức 1,17 triệu tấn trong báo cáo trước, phản ánh nhu cầu tích cực đối với nguồn cung nước này. Đây là thông tin đã hỗ trợ và giúp hạn chế đà giảm của giá ngô trong phiên.

Tương tự như ngô, đậu tương diễn biến giằng co và đóng cửa với mức suy yếu nhẹ, chưa đến 1%. Hoạt động xuất khẩu tại Mỹ tiếp tục đón nhận những kết quả gây thất vọng là nguyên nhân chính giúp lý giải cho đà giảm của giá. Cụ thể, USDA cho biết, Mỹ đã giao được 686.181 tấn đậu tương trong tuần 8-14/3, giảm so với mức 784.853 tấn của tuần trước đó. Tính từ đầu niên vụ cho tới nay, tốc độ xuất khẩu thực tế của Mỹ mới chỉ đạt 66,37% kế hoạch, chậm hơn đáng kể so với mức 75,23% cùng kỳ năm 2023. Điều này phản ánh nhu cầu nhập khẩu tương Mỹ đã suy yếu đáng kể, đặt ra lo ngại về khả năng quốc gia này sẽ không đạt được mục tiêu xuất khẩu đã đề ra trong năm nay.

Năng lượng

Kết thúc ngày giao dịch đầu tuần 18/3, giá dầu tăng khoảng 2% lên mức cao nhất trong 4 tháng trước mối lo ngại về rủi ro địa chính trị. Ngoài ra, tín hiệu thắt chặt từ phía nguồn cung và nhu cầu mạnh mẽ hơn cũng góp phần hỗ trợ đà tăng của giá.

Chốt phiên, giá dầu WTI tăng 1,94% lên 82,14 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 27/10. Dầu Brent tăng 1,82% lên 86,89 USD/thùng.

Vào cuối tuần qua, Ukraine tiếp tục tăng cường các hoạt động quân sự nhằm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga, gây thiệt hại nặng nề cho một số nhà máy lọc dầu nằm sâu trong lãnh thổ nước này. Giám đốc điều hành Gunvor Group Torbjörn Törnqvist ước tính khoảng 600.000 thùng công suất lọc dầu hàng ngày của Nga đã bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine.

Về phía nguồn cung, Bộ Dầu mỏ Iraq cho biết nhà sản xuất lớn thứ hai của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ giảm xuất khẩu dầu thô xuống còn 3,3 triệu thùng/ngày trong những tháng tới để bù đắp cho việc vượt quá hạn ngạch OPEC + kể từ tháng 1. Trước đó, Iraq đã bơm nhiều hơn đáng kể trong tháng 1 và tháng 2 với khoảng 4,2 triệu thùng/ngày, so với mục tiêu sản lượng 4 triệu thùng/ngày.

Trong khi đó, dữ liệu từ Sáng kiến Dữ liệu Tổ chức Chung (JODI) cho thấy xuất khẩu dầu thô của Saudi Arabia đã giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 1, với mức giảm 0,2% xuống 6,297 triệu thùng/ngày. Nguồn cung từ hai nhà sản xuất dầu hàng đầu OPEC có xu hướng thu hẹp lại đã củng cố lực mua trên thị trường dầu.

Về phía nhu cầu, dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết thông lượng lọc dầu của Trung Quốc trong hai tháng đầu năm 2024 đạt 118,76 triệu tấn, tương đương 14,45 triệu thùng/ngày, cao hơn 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu mạnh mẽ về nhiên liệu vận tải trong kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên Đán đã thúc đẩy các nhà máy lọc dầu tăng cường hoạt động.

Triển vọng lạc quan về giá dầu từ phía Morgan Stanley cũng góp phần hỗ trợ tâm lý tích cực của thị trường. Cụ thể, ngân hàng đã nâng dự báo giá dầu Brent thêm 10 USD/thùng lên 90 USD/thùng trong quý III/2024, với lý do cân bằng cung cầu thắt chặt hơn đối với cam kết của OPEC+ và việc cắt giảm sản lượng dầu của Nga sau các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái gần đây vào các nhà máy lọc dầu của nước này. Trong khi đó, trong quý IV, giá dầu được Morgan Stanley cho biết sẽ đạt mức 85 USD/thùng, so với ước tính 80 USD/thùng trước đó.

Nguyên liệu công nghiệp

Kết thúc phiên giao dịch 18/3, giá Arabica đánh mất 0,66% trong khi giá Robusta tăng thêm 1,06% so với tham chiếu. Rủi ro thiếu hụt nguồn cung rình rập trên thị trường là yếu tố chính đã hỗ trợ lực mua đối với Robusta.

Cụ thể, thời tiết khô nóng sẽ tiếp tục kéo dài khắp các khu vực gieo trồng cà phê trọng điểm của Việt Nam. Nền nhiệt cao làm dấy lên lo ngại về triển vọng nguồn cung vụ mới kém tích cực tại quốc gia xuất khẩu Robusta lớn nhất thế giới.

Với Arabica, tồn kho tiếp đà khởi sắc tiếp tục củng cố tâm lý an tâm về nguồn cung trên thị trường. Kết phiên ngày 14/3, tổng lượng Arabica đã qua chứng nhận được bổ sung thêm 20.853 bao, nâng tổng số cà phê lưu trữ tại đây lên 488.678 bao.

Cùng với đó, chỉ số Dollar Index hồi 0,13% trong khi đồng Real của Brazil yếu đi, khiến tỷ giá USD/BRL tăng 0,61%. Chênh lệch giữa hai đồng tiền nới lỏng đã kích thích nhu cầu bán cà phê của nông dân Brazil. Điều này càng giúp củng cố tình hình nguồn cung trên thị trường hiện tại.

Giá bông tăng 0,67% khi thị trường tiếp tục phản ứng với doanh số bán bông tích cực tại Mỹ. Trong báo cáo xuất khẩu tuần kết thúc ngày 7/3, Mỹ đã bán 85.800 kiện bông, tăng 65% so với tuần trước. Đồng thời, quốc gia này đã xuất đi 217.700 kiện bông, tăng 4% so với trung bình 4 tuần. Điều này phản ánh nhu cầu đối với bông Mỹ trên thị trường quốc tế dần được cải thiện.

Dù vậy, chỉ số Dollar Index mạnh lên trong phiên tối đã phần nào kìm hãm lực tăng của giá. Đồng USD tăng khiến giá bông Mỹ đắt đỏ hơn đối với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác. Chi phí cao đã hạn chế lực mua trên thị trường.

Giá đường 11 nhích nhẹ 0,18% so với mức tham chiếu. Các thông tin trái chiều về sản lượng đường tại các quốc gia sản xuất chính đã tạo nên diễn biến giằng co trong phiên. Theo công ty Fitch Solutions, việc cắt giảm diện tích trồng mía tại các bang chính của Ấn Độ kết hợp với sản lượng tại Trung Nam của Brazil dự kiến giảm trong niên vụ 24/25 đang là yếu tố thúc đẩy lực phục hồi của giá.

Tuy nhiên, điều này đi ngược lại với dự báo sản lượng đường Ấn Độ sẽ hồi phục của Tổ chức đường nước này đưa ra trước đó.

Kim loại

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần ngày 18/3, các mặt hàng trong nhóm kim loại cho thấy những biến động nhỏ và tương đối trái chiều, trong bối cảnh thị trường dồn sự tập trung vào cuộc họp lãi suất của Uỷ ban thị trường mở Liên bang (FOMC). Đối với nhóm kim loại quý, trong khi giá bạch kim giảm mạnh 2,66% xuống 918,4 USD/ounce, giá bạc lại dao động với biên độ khá hẹp trong phiên giao dịch, kết phiên giảm nhẹ 0,46% xuống 25,26 USD/ounce.

Ngày hôm qua, Agustín Carstens, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế cho biết trong một bài phát biểu tại Frankfurt rằng lạm phát toàn cầu vẫn chưa được đánh bại. Fed được coi là chắc chắn sẽ giữ lãi suất ở mức 5,25-5,5% khi kết thúc cuộc họp chính sách vào đêm thứ Tư và các nhà đầu tư hầu hết kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6 hoặc tháng 7. Một số nhà phân tích đã cảnh báo về khả năng Fed đưa ra tín hiệu giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn, do lạm phát vẫn tồn tại ở cả cấp độ người tiêu dùng và nhà sản xuất.

Xác suất Mỹ cắt giảm lãi suất ngay từ tháng 6 đã giảm xuống 56%, từ mức 75% một tuần trước đó và thị trường chỉ định giá có 72 điểm cơ bản lãi suất sẽ được cắt giảm cho năm 2024 so với hơn 140 điểm cơ bản một tháng trước. Điều này khiến đồng USD mạnh lên ngay trước thềm diễn ra cuộc họp, từ đó gây sức ép cho giá bạc và bạch kim do chi phí cơ hội của việc nắm giữ đắt đỏ hơn.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, diễn biến có phần trái chiều hơn. Đồng COMEX duy trì đà tăng giá do nguồn cung thắt chặt, và một số dữ liệu kinh tế của Trung Quốc trong tháng 2 có phần tích cực hơn dự kiến. Chốt phiên, giá đồng COMEX tăng 0,15% lên 4,13 USD/pound.

Fastmarkers đã tính toán chỉ số xử lý cô đặc đồng hàng tuần tại Châu Á ở mức 9,4 USD/tấn vào tuần trước, mức thấp nhất mọi thời đại. Phí xử lý (TC) và phí tinh chế (RC) thường được sử dụng trong các điều khoản mua quặng đồng để tinh chế, là số tiền nhằm trang trải chi phí tinh chế. Phí càng thấp càng phản ánh rủi ro thắt chặt nguồn cung trên thị trường.

Thêm vào đó, dữ liệu từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho thấy một số lĩnh vực hoạt động của Trung Quốc tăng trưởng tích cực hơn dự kiến. Sản lượng công nghiệp trong 2 tháng đầu năm 2024 của Trung Quốc tăng 7,0% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với dự báo tăng 5,3% và mức tăng 6,8% theo số liệu tháng 12/2023. Điều này cho thấy các nỗ lực kích thích kinh tế của Trung Quốc bước đầu đã có kết quả đáng khích lệ, từ đó hỗ trợ cho giá đồng vốn được coi là thước đo sức khoẻ của nền kinh tế.

Đây cũng là lý do chính giúp giá quặng sắt phục hồi gần 4% giá trị sau khi giảm hơn 13% trong tuần qua. Kết phiên, giá quặng sắt đóng cửa ở mức giá 103,01 USD/tấn.

Share bài viết

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on email