Tổng hợp diễn biến thị trường kết thúc phiên giao dịch ngày 21/06/2022

Nông sản

Sau 3 ngày nghỉ giao dịch, giá ngô tạo gapdown khi mở cửa phiên đầu tuần do hoạt động thu hoạch ngô được đẩy mạnh ở Brazil trong tuần trước. Thêm vào đó, số liệu không khả quan từ báo cáo Giao hàng xuất khẩu khiến giá tiếp tục giảm mạnh và xóa đi hoàn toàn mức tăng trong tuần trước.

Trong khi đó, lúa mì tiếp tục giảm mạnh trong phiên hôm qua và phá vỡ mốc tâm lý 1000. Những lo ngại đối với xuất khẩu lúa mì của Ukraine đã bị xóa đi hoàn toàn bởi thông tin tích cực về nguồn cung từ châu Âu và Nga.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/06, cả ba mặt hàng nhóm đậu tương đều sụt giảm mạnh. Giá đậu đương tiếp tục suy yếu sau phiên điều chỉnh vào cuối tuần trước và rơi về vùng hỗ trợ tâm lý 1680. Trong phiên có thời điểm giá đã quay trở lại “fill” lại khoảng gapdown khi mở cửa nhưng lực bán ở vùng 1700. Cùng với đó, những số liệu tiêu cực trong báo cáo Export Inspections cũng gây sức ép lên giá đậu tương.

Ngoài ra, dầu đậu tương và khô đậu tương đều đóng cửa trong sắc đó. Trong đó, sự suy yếu của giá dầu thô cùng với những chính sách nới lỏng xuất khẩu dầu cọ của Indonesia đã khiến cho giá dầu đậu suy yếu trong phiên hôm qua. Mới đây, chính phủ nuớc này thông báo, kể từ khi lệnh cấm được dỡ bỏ đến ngày 20/06, Indonesia đã cấp giấy phép xuất khẩu cho 867,682 tấn dầu cọ theo chương trình Nghĩa vụ Thị trường Nội địa (DMO).   


Nguyên liệu

Kết thúc phiên giao dịch 21/06, bảng giá các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp có sự phân hóa rõ rệt. Trong khi giá cacao và cà phê đều có sự khởi sắc, thì giá bông vẫn tiếp tục đà suy giảm rất mạnh.

Mặc dù có gapdown ngay sau khi mở cửa, tuy nhiên giá bông chỉ đi ngang ở vùng giá 116 – 117 trong phần lớn thời gian của phiên hôm qua. Tuy nhiên, lực bán bất ngờ gia tăng mạnh vào cuối phiên và đẩy giá giảm rất sâu, thậm chí có lúc đã chạm đến mức kịch sàn. Đóng cửa, giá bông giảm 3.75%, về mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay. Bất chấp các lo ngại về thời tiết tại các bang sản xuất ở miền nam Hoa Kỳ, nhu cầu đối với bông vẫn sẽ chịu tác động lớn nếu xảy ra suy thoái kinh tế, khiến cho các quỹ đầu cơ không còn mặn mà với sản phẩm này.

Đối với cà phê và cacao, việc chứng khoán Mỹ khởi sắc và Dollar Index suy yếu đóng góp rất lớn vào mức tăng trong phiên hôm qua của các mặt hàng này. Mức tồn kho đạt chuẩn của cà phê Arabica trên Sở ICE US tiếp tục giảm về mức 981,901 bao (loại 60kg), mức thấp nhất trong vòng 22 năm trở lại đây, cũng góp phần giúp lực mua duy trì áp đảo trong suốt nửa đầu phiên.

Xuất khẩu cà phê tháng 05 của Uganda giảm 7.8% so với cùng kỳ năm ngoái, do thời tiết khô hạn ảnh hưởng đến năng suất cà phê tại đây, giúp giá Robusta lấy lại mức giảm của 2 phiên trước đó.

Giá dầu cọ đóng cửa với mức thay đổi không đáng kể, khi đà giảm của mặt hàng này bị cản lại ở vùng hỗ trợ tâm lý 5000 Ringgit. Giá đã giảm về mức thấp nhất trong vòng nửa năm sau khi nguồn cung từ Indonesia được giải tỏa, tuy nhiên lo ngại về các loại dầu thực vật khác trên toàn cầu vẫn còn, khiến lực bán không còn quá mạnh.

Giá đường thô tăng nhẹ khi được hỗ trợ tích cực từ diễn biến của giá dầu thô thế giới. Cùng với đó, đồng Real tăng trở lại hạn chế việc bán hàng từ nông dân Brazil.


Kim loại

Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/06, các mặt hàng trong nhóm kim loại hầu hết đều đóng cửa trong sắc xanh với mức tăng tương đối khiêm tốn. Giá vàng giảm phiên thứ 3 liên tiếp với mức giảm 0.37% xuống 1832.56 USD/ouce. Giá bạc nhích nhẹ 0.84% và vẫn chưa thể vượt mốc 22 USD/ounce trong hơn một tuần trở lại đây. Bạch kim đóng cửa với mức tăng ít ỏi so với đà giảm mạnh trước đó, tăng thêm 1% lên 939.5 USD/ounce.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, sau các phiên liên tiếp lao dốc trước đó, cả đồng COMEX và quặng sắt đều kết thúc trong sắc xanh với mức tăng lần lượt là 0.64% lấy lại mốc 4.039 USD/pound và 3.58% lên mức 114.91 USD/tấn. Giá đồng phục hồi nhẹ sau khi đánh mất khoảng 12% kể từ ngày 3/6, được hỗ trợ bởi các thông tin liên quan tới rủi ro từ nguồn cung đồng tại Chile. Theo đó, các công nhân của công ty khai thác CodeLdo, công ty khai thách đồng lớn nhất thế giới, đang đe doạ đình công vào thứ 4 nếu như Chính phủ và Ban lãnh đạo không thực hiện đầu tư vào 1 nhà máy nhằm đảm bảo các yếu tố an toàn lao động sau sự cố ngộ độc khí thải của hàng chục công nhân trước đó. Thông tin này đã giúp giá đồng lấy lại đà tăng khiêm tốn xong thời gian dài lao dốc.

Đối với quặng sắt, giá có xu hướng bật lên từ vùng đáy thấp nhất kể từ đầu năm đến nay. Ngoài ra,  các nhà máy thép có kế hoạch giảm sản lượng trong tháng 6 và tháng 7, do đó áp lực tăng hàng tồn kho nhiều khả năng sẽ dần được tháo gỡ. Tình trạng dư cung có thể giảm dần do nhu cầu đầu cuối phục hồi từ từ và tâm lý thị trường được cải thiện, hỗ trợ giá sắt phục hồi sau đợt lao dốc trước đó.


Năng lượng

Giá dầu thô duy trì đà tăng trong bối cảnh những lo ngại về nguồn cung tiếp tục là yếu tố dẫn dắt thị trường. Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/06, giá dầu WTI đóng cửa cao hơn 1.42% lên 109.52 USD/thùng, còn giá dầu Brent tăng 0.46% lên 114.65 USD/thùng.

Nhu cầu trong ngắn hạn đối với thị trường dầu thô vẫn mạnh mẽ, ngay cả khi nền kinh tế có dấu hiệu suy yếu. Hiện những lo ngại về nguồn cung khó có thể giảm bớt trừ khi có một giải pháp cho cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine, hoặc nguồn cung được bổ sung mạnh mẽ từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Mặc dù vậy, năng lực sản xuất của OPEC hiện nay cũng rất hạn chế khi mà nguồn cung ở Libya vẫn bất ổn do ảnh hưởng của những biến động chính trị trong quốc gia này. Bên cạnh đó, Công ty dầu khí quốc gia Ecuador (Petroecuador) mới đây cũng cho biết họ sẽ phải dừng xuất khẩu do ảnh hưởng của các cuộc đình công và làm trầm trọng thêm những gián đoạn nguồn cung của thị trường dầu.


Nguồn: Trung tâm tin tức Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam.

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN
Đội ngũ chuyên gia tư vấn đầu tư 24/7

Share bài viết

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on email