Tổng hợp diễn biến thị trường tuần đến ngày 12/05/2022

Nông sản

Giá lúa mì tăng vọt lên gần 6%, mức tăng nhiều nhất được chứng kiến kể từ sau khi chiến tranh đầu tháng, có thời điểm chạm mức trần 70 cents khi nguồn cung ở Mỹ là yếu tố chính gây ra tâm lí lo ngại của thị trường khi sản lượng giảm nhưng xuất khẩu và tiêu thụ nội địa đều tăng lên. Tồn kho lúa mì Mỹ niên vụ 21/22 giảm 6% xuống 619 triệu giạ là mức thấp nhất trong gần một thập kỷ qua. Sản lượng lúa mì của Argentina niên vụ 22/23 sụt giảm 3 triệu tấn.

Giá ngô chỉ tăng nhẹ khi đóng cửa, tuy nhiên ngay khi báo cáo WASDE phát hành, giá nhanh chóng tăng lên kháng cự 800 nhưng áp lực chốt lời khi triển vọng nguồn cung thấp với sản lượng thấp hơn 4.3% so với niên vụ trước không còn là yếu tố bất ngờ khiến đà tăng thu hẹp. USDA vẫn chỉ giữ nguyên mức dự báo sản lượng của 2 quốc gia Nam Mỹ bất chấp việc hạn hán hạn chế đà tăng của giá.

Số liệu tồn kho đậu tương cuối niên vụ 21/22 của Mỹ mặc dù thấp hơn so với báo cáo trước nhưng vẫn cao hơn mức dự đoán trung bình của thị trường.Tồn kho đối với đậu tương niên vụ 22/23 lại thấp hơn so với dự đoán của thị trường nên đã tác động “bullish” giúp giá đậu tương quay đầu tăng trở lại.

Khô đậu tương đã giảm khá mạnh sau khi báo cáo WASDE được tung ra và xóa đi hoàn toàn mức tăng trước đó.Khối lượng ép dầu đậu tương niên vụ 22/23 của Mỹ được dự báo sẽ tăng lên mức 2,255 triệu giạ, cao hơn mức 2,215 triệu giạ trong năm nay. Điều này nhiều khả năng sẽ khiến cho nguồn cung khô đậu trở nên dồi dào hơn trong thời gian tới và gây sức ép lên giá. Trong khi đó, dầu đậu cũng sụt giảm hơn 1% khi phải chịu sức ép từ sự suy yếu của dầu cọ trong ngày hôm qua.

Nguyên liệu

Kết thúc phiên giao dịch 12/05, nhóm nguyên liệu công nghiệp diễn biến trái chiều. Bông và nhóm đường vẫn giữ được sắc xanh, trong khi các mặt hàng còn lại đều chịu sức ép tương đối lớn.

Giá Arabica quay đầu giảm mạnh hơn 2% sau phiên tăng đột biến trước đó. Thị trường đã phản ứng thái quá với các thông tin đầu mùa về sương giá, dẫn đến việc giá đã tăng đến gần 8% trong phiên thứ Tư. Chính vì thế, khi giới phân tích đánh giá việc thời tiết chưa có gì đáng lo ngại với các vùng trồng cà phê, đã khiến lực bán áp đải trong phiên hôm qua.

Giá Robusta cũng giảm gần 1% do ảnh hưởng từ diễn biến của giá Arabica. Xuất khẩu cà phê của Indonesia trong tháng 04 chỉ đạt 6,771 tấn, giảm 1 nửa so với cùng kỳ năm ngoái, cũng góp phần tác động tiêu cực đến giá.

Giá đường tiếp tục phục hồi 0.49%, bất chấp lực bán áp đảo đầu phiên đã đẩy giá về mức thấp nhất trong vòng 3 tháng. Trong báo cáo Cung – cầu Nông sản Thế giới tháng 05 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tỉ lệ tồn kho trên sử dụng của đường dự kiến cho niên vụ 22/23 bị giảm về mức 10.1%, thấp hơn nhiều so với mức 14.4% của niên vụ hiện tại. Nguyên nhân chính đến từ việc sản lượng đường giảm do mùa vụ củ cải đường gặp nhiều khó khăn.

Giá bông có phiên tăng thứ 3 liên tiếp với mức tăng khá mạnh 1.34%. Mặc dù diện tích gieo trồng niên vụ 22/23 của Mỹ tăng, nhưng thời tiết khô hạn ở miền nam có thể ảnh hưởng đến cây trồng khiến USDA dự báo diện tích thu hoạch giảm so với niên vụ trước đó. Dẫn đến sản lượng bông của Mỹ 22/23 dự kiến ở mức 16.5 triệu kiện (loại 480 pound), thấp hơn 1 triệu kiện so với niên vụ 21/22.

Giá cacao tiếp tục quay đầu sụt giảm, xóa đi toàn bộ mức tăng từ phiên phục hồi trước đó và đẩy giá về mức thấp nhất kể từ đầu tháng 01 đến nay. Đồng Dollar tăng lên mức cao nhất trong vòng 20 năm và lo ngại về lạm phát vẫn đang hạn chế nhu cầu tiêu thụ những mặt hàng không thiết yếu của các nước phương Tây.


Năng lượng

Thị trường dầu giằng co giữa lo ngại về nhu cầu suy yếu và khả năng EU tiến hành cấm vận nhập khẩu dầu của Nga. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 0.4% lên 106.13 USD/thùng.

Hai tổ chức lớn là IEA và OPEC đồng loạt cắt giảm dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới, với con số lần lượt là 70,000 thùng/ngày và 310,000 thùng/ngày. EIA dự đoán sản lượng dầu từ Nga sẽ giảm mạnh 3 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm nay, đồng thời kỳ vọng sản lượng từ Mỹ và OPEC+ bù đắp lượng thâm hụt này. Tuy vậy, thực tế các cơ sở sản xuất dầu đều gặp khó khăn trong việc gia tăng sản lượng.

Lo ngại về giảm nhu cầu tại Trung Quốc khi nước này tiếp tục chiến dịch “Zero-Covid”. Dollar Index tăng rất mạnh 0.97% lên 104.85,
khi số liệu Chỉ số giá Đầu vào PPI tháng 4 tại Mỹ tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn kỳ vọng 10.7% của thị trường. Điều này gây ra áp lực về lạm phát, nhất là khi Chỉ số Giá tiêu dùng CPI trong tháng 4 cũng đang ở mức đỉnh 40 năm.

Khủng hoảng năng lượng ở châu Âu trở nên trầm trọng hơn khi Nga áp đặt biện pháp trừng phạt với các công ty con của Gazprom. Động thái này diễn ra một ngày sau khi Ukraine dừng một tuyến đường vận chuyển khí đốt lớn và cho biết sẽ không mở lại cho đến khi kiểm soát được hệ thống.


Kim loại

Áp lực bán mạnh khiến cho bảng giá kim loại một lần nữa chìm trong sắc đỏ. Giá vàng giảm 1.64% về 1821 USD/ounce, giá bạc đóng cửa giảm gần 4% về 20.8 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020. Đáng chú ý, giá bạch kim giảm mạnh nhất nhóm kim loại, kết thúc phiên thấp hơn gần 6% còn 931 USD/ounce. Bên cạnh đó, mức lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tiếp tục giảm về 2.86%, cho thấy các nhà đầu tư ngoài việc ưu tiên nắm giữ tiền mặt, còn tiến hành phân bổ vốn sang thị trường trái phiếu để trú ẩn thay vì thị trường bạc hay bạch kim.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng tiếp tục giảm gần 3% về 4.1 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2021. Giá quặng sắt cũng lao dốc gần 5% về 125 USD/tấn. Sức ép kép đến từ việc Fed có thể mạnh tay thắt chặt và tình hình dịch bệnh của Trung Quốc đang khiến cho các nhà đầu tư lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế trên toàn cầu. Thủ đô Bắc Kinh hiện cũng đang phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa để chống dịch, và có thể làm trầm trọng hơn những gián đoạn trong chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Nhu cầu tiêu thụ đồng và quặng sắt theo đó có thể sụt giảm mạnh bởi sự suy yếu của các hoạt động sản xuất công nghiệp.


Nguồn: Trung tâm tin tức Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam.

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN
Đội ngũ chuyên gia tư vấn đầu tư 24/7

Share bài viết

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on email