Triển vọng nhu cầu tăng cao có thể giúp giá ngô tiếp tục hồi phục

Triển vọng nhu cầu tăng cao có thể giúp giá ngô tiếp tục hồi phục về vùng 640 trong phiên hôm nay

Tin tức – Phân tích kỹ thuật ngô

Mở cửa phiên hôm nay, giá ngô đã tạo gapup và bật tăng mạnh ngay sau đó. Triển vọng nhu cầu đối với ngô Mỹ đang hết sức tích cực, cả trong ngắn hạn cũng như dài hạn, là nguyên nhân chính giúp giải thích cho diễn biến giá trong sáng nay.

Trong ngắn hạn, sự cạnh tranh của nguồn cung từ Brazil đối với ngô Mỹ tại thị trường Trung Quốc đã giảm bớt và điều đó đang giúp thị trường lạc quan hơn về hoạt động xuất khẩu của Mỹ. Theo dữ liệu của Brazil, xuất khẩu ngô hàng tháng từ nước này sang Trung Quốc những tháng gần đây đang liên tục sụt giảm, từ mức 1.1 triệu tấn trong tháng 12 năm ngoái – thời điểm ngô Brazil mới được cấp phép nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc – xuống còn 983,700 tấn trong tháng 01 và chỉ đạt 70,000 tấn trong tháng 02. Theo các chuyên gia, hiện nông dân Brazil đang ưu tiên cho việc xuất khẩu đậu tương. Để bù đắp cho sự thu hẹp của nguồn cung từ Brazil, các nhà nhập khẩu từ Trung Quốc đã chuyển sang tìm kiếm ngô từ Mỹ. Sự chuyển dịch nhu cầu ngô của Trung Quốc từ Brazil sang Mỹ có thể sẽ duy trì trong tháng 03, sau khi USDA vào ngày hôm qua xác nhận Mỹ đã bán đơn hàng ngô lên tới 612,000 tấn cho Trung Quốc. Đây sẽ là yếu tố “bullish” mạnh đối với giá ngô trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, nhu cầu đối với ngô Mỹ tại thị trường nội địa cũng đang là yếu tố hỗ trợ cho giá. Mới đây, các thượng nghị sĩ của Mỹ đã tái đề xuất dự luật cho phép bán xăng có chứa 15% ethanol (E15) quanh năm, nhằm giảm sự phụ thuộc của nước này vào nhiên liệu nhập khẩu. Theo quy định, xăng E15 bị cấm bán vào những tháng mùa hè ở Mỹ do lo ngại tình trạng ô nhiễm khói bụi có thể gia tăng. Dự luật trên đang nhận được sự ủng hộ của nhiều đơn vị trong ngành năng lượng của nước này. Về lý thuyết, nếu như xăng E5 được bán quanh năm ở Mỹ, nhu cầu ngô để sản xuất ethanol ở nước này sẽ tăng cao và tác động “bullish” lên giá ngô. Tuy nhiên, đây không phải thông tin quá mới bởi dự luật này đã được đề xuất lần đầu vào mùa thu năm ngoái và hiện vẫn chưa được chính thức thông qua. Do đó, tác động “bullish” từ thông tin trên đối với giá ngô mang tính dài hạn nhiều hơn.

BIỂU ĐỒ GIÁ NGÔ THÁNG 05 (ZCEK23) – KHUNG D1

bieu do ngo 1503

Nhận định: Tác động “bullish” từ triển vọng nhu cầu ngô trong hoạt động sản xuất ethanol của Mỹ mang tính dài hạn và sẽ ảnh hưởng rất hạn chế tới giá ngô trong phiên hôm nay. Do đó, giá có thể tăng nhẹ lên vùng 635-640 trong phiên hôm nay nhờ nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc tăng mạnh.

Tin tức – Phân tích kỹ thuật lúa mì

Trước những tín hiệu trái chiều về triển vọng gia hạn của thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, giá lúa mì đang tiếp tục hướng tới phiên tăng thứ tư liên tiếp. Tuy nhiên, sự mở rộng nguồn cung từ châu Âu đang là yếu tố thu hẹp đà tăng của giá.

Vào ngày hôm qua, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin cho biết Nga sẵn sàng gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, nhưng chỉ với thời hạn 60 ngày. Sau khi lập trường của Moscow được thông báo, thứ trưởng Vershinin cho biết nước này vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức từ các bên liên quan. Về vấn đề này, một quan chức cấp cao của Ukraine cho biết nước này sẽ chỉ tuân thủ theo các điều khoản của thỏa thuận được ký kết trước đó, vốn quy định rõ ràng rằng thỏa thuận chỉ có thể được gia hạn thêm tối thiểu là 120 ngày. Trước đó vào cuối tháng 02, phía Ukraine đã đặt ra mục tiêu sẽ gia hạn thỏa thuận ngũ cốc thêm ít nhất là một năm và mở rộng hiệu lực của thỏa thuận để đưa các cảng biển ở vùng Mykolaiv hoạt động trở lại nhằm tăng công suất xuất khẩu nông sản. Có thể thấy rằng các bên liên quan đều có lý do riêng đằng sau đề nghị của mình và sẽ nỗ lực để đạt được mục tiêu. Những cam kết đảm bảo tính toàn vẹn của thỏa thuận mà Liên Hợp Quốc đưa ra là không đủ để trấn an thị trường về tương lai của thỏa thuận. Đây sẽ là yếu tố giúp cho giá lúa mì duy trì được đà tăng hiện tại, ít nhất là cho tới khi một quyết định chính thức về việc gia hạn thỏa thuận được công bố.

Ở chiều ngược lại, yếu tố đang gây sức ép lên giá lúa mì là tình hình xuất khẩu của Liên minh châu Âu (EU). Trong báo cáo tuần này, Ủy ban châu Âu cho biết EU đã xuất khẩu 0.52 triệu tấn lúa mì trong tuần 06/03-12/03, nâng lũy kế xuất khẩu lúa mì của khối từ đầu niên vụ 22/23 tới ngày 12/03 lên 21.54 triệu tấn. Mặc dù mùa vụ năm ngoái bị thiệt hại bởi hạn hán, nhưng EU được USDA dự báo sẽ xuất khẩu tới 37 triệu tấn lúa mì trong niên vụ 22/23, tăng đáng kể so với mức 31.9 triệu tấn của niên vụ trước. Điều đó cho thấy ngay cả khi dòng chảy ngũ cốc từ Biển Đen bị gián đoạn trở lại, nguồn cung lúa mì toàn cầu vẫn sẽ được đảm bảo nhờ các lô hàng từ EU và việc này sẽ gây áp lực lên giá lúa mì.

BIỂU ĐỒ GIÁ LÚA MÌ THÁNG 05 (ZWAK23) – KHUNG D1

bieu do lua mi 1503

Nhận định: Việc hoạt động xuất khẩu lúa mì của EU được duy trì ổn định hàng tuần vốn đã được chú ý từ lâu và điều này sẽ chỉ phần nào thu hẹp đà tăng của giá lúa mì trong phiên hôm nay. Do đó, giá lúa mì có thể sẽ tiếp tục hướng về vùng 710-715 trong khoảng thời gian còn lại của phiên.

MỞ TÀI KHOẢN MIỄN PHÍ

 Đầu tư hàng hóa hợp pháp 

 Lợi nhuận từ 5-10% (*)

Share bài viết

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on email

CÁM ƠN BẠN !

Đã ghi nhận thông tin mở tài khoản thành công.
 

Đội ngũ nhân viên của VMEX sẽ liên hệ bạn sớm.