Vụ mùa tại Brazil là yếu tố đã củng cố đà tăng của giá ngô trong tuần vừa rồi

Dưới góc nhìn kỹ thuật, ngô vẫn đang trong xu hướng tăng trong dài hạn dù chưa thể vượt lên trên vùng kháng cự 685

Nông sản

phan tich nong san 3001

Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, ngô đã ghi nhận tuần thứ 3 liên tiếp đóng cửa trong sắc xanh. Dưới góc nhìn kỹ thuật, ngô vẫn đang trong xu hướng tăng trong dài hạn dù chưa thể vượt lên trên vùng kháng cự 685. Những thông tin kém khả quan cực về vụ mùa tại Brazil là yếu tố củng cố đà tăng của giá.

Tương tự ngô, lúa mì cũng đã ghi nhận mức tăng nhẹ trong tuần trước. Xét về dài hạn, giá vẫn đang trong xu hướng giảm bắt đầu từ tháng 05 năm ngoái. Dù vậy, những căng thẳng về tình hình chiến sự tại biển Đen đã giúp giá được hỗ trợ trong tuần vừa rồi.

Kết thúc tuần trước, đậu tương đã đóng cửa mà không có biến động quá lớn. Với bối cảnh hiện tại, giá vẫn đang đi ngang mà chưa thể xác định xu hướng rõ ràng. Những thông tin trái chiều đang là yếu tố khiến giá giằng co.

Hai mặt hàng thành phẩm của đậu tương là khô đậu và dầu đậu đã đóng cửa trái chiều trong tuần vừa rồi. Giá khô đậu đã tăng mạnh trở lại sau 2 tuần liên tiếp suy yếu nhờ những cải thiện về tình hình mùa vụ tại Argentina. Bên cạnh đó, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, số ca tử vong liên quan đến Covid-19 và các ca bệnh nặng tại các bệnh viện Trung Quốc đã giảm hơn 70% so với mức cao nhất ghi nhận vào đầu tháng 1. Số ca tử vong hàng ngày tại các bệnh viện trên cả nước đã giảm xuống còn 896 vào thứ Hai từ mức cao 4,273 vào ngày 04/01/2023. Triển vọng nhu cầu cải thiện từ Trung Quốc sau khi số ca nhiễm mới giảm mạnh cũng là thông tin tác động “bullish” đến khô đậu. Trong tuần này, khô đậu có thể sẽ quay lại vùng hỗ trợ 457. Đối với dầu đậu tương, đà giảm rất nhiều khả năng sẽ tiếp tục và giá có thể giảm về mức 58.5.

Năng lượng

phan tich nang luong 3001

Kết thúc tuần giao dịch ngày 23/01 – 29/01, giá dầu quay đầu giảm trở lại sau hai tuần tăng liên tiếp trước đó. Sự thiếu vắng các thông tin cơ bản từ nhà tiêu thụ hàng đầu, Trung Quốc sau khi mở cửa trở lại, do kỳ nghỉ Lễ Tết Nguyên Đán kéo dài hơn 1 tuần khiến cho thị trường dầu thô biến động tương đối giằng co. Giá dầu WTI kỳ hạn tháng 3 trên Sở NYMEX giảm 2.4% xuống 79.68 USD/thùng, dầu Brent cùng kỳ hạn trên Sở ICE giảm 1.11% xuống 86.66 USD/thùng.

Dầu thô ghi nhận một tuần giao dịch trong biên độ tương đối hẹp, với lực bán chiếm ưu thế ngay từ các phiên đầu tuần. Sau đó, báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 20/01 giảm không quá mạnh như dự đoán của thị trường. Tổng sản phẩm được cung cấp, một thước đo về nhu cầu tiêu thụ thực tế, giảm 866,000 thùng xuống 19.45 triệu thùng/ngày. Mức trung bình trong bốn tuần cũng đã giảm về 18.89 triệu thùng/ngày, thấp hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy nhu cầu tiêu thụ dầu vẫn chưa có sự cải thiện đáng chú ý. Trong khi đó, đối với nguồn cung từ Mỹ, sản lượng khá ổn định, và dữ liệu của Baker Hughes cũng cho thấy số lượng giàn khoan dầu khí giữ nguyên ở mức 771 giàn trong tuần qua. Trong bối cảnh thiếu vắng các tin tức hỗ trợ từ thị trường Trung Quốc, các tin tức này đã thúc đẩy lực bán đối với dầu thô.

Các dữ liệu kinh tế khả quan từ Mỹ, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng GDP quý IV năm 2022 ở mức 2.9%, tốt hơn dự báo của thị trường cũng chưa đủ sức thúc đẩy lực mua trên thị trường dầu, khi rủi ro suy thoái vẫn còn tiềm ẩn trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, tín hiệu nguồn cung mạnh mẽ từ Nga cũng kìm hãm đà tăng của giá dầu. Các thương nhân cho biết chuyến hàng dầu thô từ cảng Baltic của Nga trong 10 ngày đầu tháng 2 có thể tăng lên 1 triệu tấn từ mức 0.9 triệu tấn trong kế hoạch cùng kỳ tháng 1, tăng 11% so với mức cơ sở hàng ngày.

Nguồn cung từ Nga vẫn còn là một bài toán phức tạp, nhất là khi các nước phương Tây đang lên kế hoạch áp đặt trần giá đối với các sản phẩm dầu tinh chế từ Nga kể từ ngày 5/2 sắp tới. Ủy ban châu Âu đã đề xuất mức giới hạn giá dầu diesel của Nga là 100 USD/thùng, và sẽ làm việc với nhóm G7 nhằm thống nhất quy chuẩn. Tuy nhiên, việc nhóm G7 đưa ra khoảng giá 100 – 110 USD/thùng, cho thấy sự thận trọng nhất định trước lo ngại rằng việc đặt mức quá thấp có nguy cơ gây ra sự tăng giá đột biến. Các quan chức cho biết dầu diesel của Nga gần đây đã được bán với giá từ 115 đến 120 USD/thùng. Do đó, mức giới hạn này có thế gây ra rủi ro gián đoạn nguồn cung. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ hàng đầu Trung Quốc sẽ quay trở lại sau kỳ nghỉ Lễ trong tuần này, sẽ có thể là động lực thúc đẩy giá dầu tăng trở lại do kỳ vọng nhu cầu tiếp tục khởi sắc.

Bên cạnh đó, thị trường dầu cũng sẽ hướng tới tâm điểm cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vào thứ Tư và cuộc họp lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rạng sáng thứ 5, sẽ khiến giá biến động mạnh hơn đáng kể so với tuần vừa qua.

Nguyên liệu

phan tich nguyen lieu 3001

Kết thúc tuần giao dịch 23/01 – 29/01, sắc xanh bao trùm trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Hai mặt hàng cà phê đồng loạt tăng mạnh nhờ sự hỗ trợ của các thông tin cơ bản tác động “bullish” đến giá.

Arabica có tuần tăng mạnh nhất trong vòng 5 tháng và là tuần tăng thứ 2 liên tiếp với mức tăng gần 10% nhờ hỗ trợ từ nhu cầu có dấu hiệu tích cực. Theo đó, các biến số kinh tế vĩ mô trong quý IV/2022 của Mỹ như tốc độ tăng trưởng và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp chuyển biến theo hướng tích cực hơn so với những gì các chuyên gia đã dự đoán, đưa đến kỳ vọng về nhu cầu của nước tiêu thụ Arabica lớn nhất thế giới sẽ trở nên tích cực hơn, từ đó hỗ trợ giá tăng. Bên cạnh đó, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE US bất ngờ quay đầu giảm mạnh 24,947 bao loại 60kg vào phiên cuối tuần, lớn hơn mức tăng trong cả tuần đó cũng góp phần giúp lực bán chiếm ưu thế và thúc đẩy cho đà tăng mạnh của mặt hàng này.

Với mức tăng 5.61%, Robusta đã nối dài đà tăng sang tuần thứ 4 liên tiếp, đẩy giá giao dịch hiện tại lên mức 2,053 USD/tấn, mức cao nhất trong 3 tháng qua. Lực bán suy yếu khi nông dân tại Việt Nam, nước cung ứng lớn nhất ở thời điểm hiện tại nghỉ lễ tết nguyên đán cùng với tồn kho Robusta đạt chuẩn trên Sở ICE UK tiếp tục giảm dù đang ở mức thấp nhất trong vòng hơn 4 năm là những nhân tố giúp giá duy trì được sự khởi sắc trước đó.

Sau tuần suy yếu nhẹ trước đó, đường 11 có tuần bật tăng mạnh với 6.29% trước những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung tại các nước cung ứng chính. Theo đó, Brazil, quốc ngia xuất khẩu đường lớn nhất thế giới quyết định tăng giá nhiên liệu, phần nào thúc đẩy các nhà máy ép mía tại Brazil ưu tiên lượng mía ép cho sản xuất ethanol, điều này góp phần khiến sản lượng đường suy yếu và tác động “bullish” lên giá. Cùng với đó, tại Ấn Độ, quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới có thể sẽ không cho phép xuất khẩu thêm đường do nguồn cung bị hạn chế khi nhiều nhà máy phải đóng cửa sớm vì thiếu mía, điều này cũng góp phần khiến giá đảo chiều tăng mạnh trong tuần qua.

Cũng chung xu hướng tăng với phần đa các mặt hàng trong nhóm, đà tăng của bông khá khiêm tốn với 0.22% thể hiện diễn biến giằng co trong tuần.  Một mặt giá được hỗ trợ bởi số lượng bán hàng bông Mỹ đang tích cực trở lại trong các báo cáo gần đây, đặc biệt là sự gia tăng nhu cầu từ Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu lớn nhất sau khi quốc gia này nới lỏng dần chính sách Zero Covid. Mặt khác, sự giằng co của đồng Dollar Mỹ cùng với sự suy yếu của giá dầu đã phần nào hạn chế đà tăng của mặt hàng này trong tuần qua.

Giống với bông, dầu cọ trong tuần qua cũng ghi nhận sự giằng co khi giá chỉ tăng nhẹ 0.26%. Số liệu xuất khẩu tiêu cực trong những ngày đầu tháng 01 tại Malaysia là nguyên nhân chính giúp giá mặt hàng này có được sự khởi sắc. Theo đó, các hãng phân tích và khảo sát như Societe Generale de Surveillance, AmSpec Agri Malaysia và Intertek Testing Services đều báo cáo số liệu xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ trong 25 ngày đầu tháng 01 tại quốc gia xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới giảm trên dưới 30% so với cùng kỳ tháng trước. Đây chính là nhân tố tác động “bullish” đến giá.

Kim Loại

phan tich kim loai 3001

Thị trường kim loại kết thúc tuần giao dịch vừa qua với diễn biến phân hóa rõ rệt giữa các mặt hàng.

Đối với nhóm kim loại quý, giá vàng gần như không đổi, chỉ nhích nhẹ 0.04% lên 1927.34 USD/ounce, trong khi giá bạc giảm 1.31% về 23.62 USD/ounce. Giá bạch kim có tuần thứ ba chìm trong sắc đỏ với mức giảm gần 3% về 1016.8 USD/ounce, và cũng là mức thấp nhất trong vòng 1.5 tháng.

Các mặt hàng kim loại quý đồng loạt chịu sức ép từ sự phục hồi của các thị trường đầu tư mạo hiểm như thị trường chứng khoán, và thị trường tiền điện tử. Mức tăng trưởng hấp dẫn của các tài sản rủi ro đang làm lu mờ vai trò trú ẩn của các loại tài sản an toàn. Vì vậy, ngay cả khi đồng USD suy yếu trong tuần vừa qua, giá bạc và bạch kim cũng không được hưởng lợi.

Dòng tiền bị rút ra khỏi thị trường bạch kim nhanh hơn bởi khối lượng giao dịch ở thị trường này nhỏ nhất trong nhóm kim loại quý, nên mức biến động giá thường sẽ lớn hơn. Bên cạnh đó, giá bạc và bạch kim cũng gặp áp lực chốt lời sau khi chạm mức cao nhất kể từ tháng 3/2022.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, diễn biến phân hóa thể hiện rõ ràng hơn khi sắc đỏ quay lại thị trường sau năm tuần với mức giảm 0.68% về 4.22 USD/pound. Trái lại, giá quặng sắt tăng 0.75% lên 127.06 USD/tấn.

Thiếu vắng sự tham gia của các nhà giao dịch Trung Quốc trong kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên Đán tuần qua, thị trường kim loại cơ bản giao dịch khá ảm đạm. Triển vọng tiêu thụ của nền kinh tế thứ hai toàn cầu đã phản ánh vào giá, nên yếu tố này không còn giúp cho giá đồng duy trì được đà tăng. Bên cạnh đó, diễn biến trái chiều giữa giá đồng và giá quặng sắt đang nói lên việc các nhà đầu tư đang kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ quặng sắt sẽ bứt phá mạnh mẽ và nhanh hơn so với đồng sau khi kết thúc kỳ nghỉ lễ.

Mặc dù vậy, giá đồng không sụt giảm quá mạnh, bởi các nhà đầu tư vẫn lo ngại về tình hình nguồn cung tại hai quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới là Chile và Peru. Việc các cuộc biểu tình liên tục nổ ra làm tăng nguy cơ giảm sản lượng đồng của nhà cung cấp đồng số 2 thế giới – Peru. Các nhà phân tích ước tính khoảng 30% sản lượng của Peru sẽ bị gián đoạn, làm gia tăng nỗi lo nguồn cung bị thắt chặt.

Trong tuần này, thị trường kim loại sẽ đón nhận một loạt tin tức kinh tế quan trọng, bao gồm chỉ số Quản lý thu mua (PMI) tháng 1 của Trung Quốc, quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các số liệu việc làm tháng 1 của Mỹ. Trong bối cảnh đó, giá các mặt hàng kim loại có thể biến động mạnh theo các tin tức này.

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN
Đội ngũ chuyên gia tư vấn đầu tư 24/7

Share bài viết

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on pinterest
Share on email